Văn hóa Huế | Homepage

Chút tản mạn vườn chùa xứ Huế

🕔01.Dec 2015
Vườn của các ngôi chùa Huế thường gắn với cây cao bóng cả, với các loại cây ăn quả như mít, vả, khế xoài… để vừa tạo cảnh quan, bóng mát, vừa có hoa trái phục vụ nhu cầu sinh hoạt của tăng chúng trong chùa…

 Cổ tự Từ Hiếu duyên dáng ẩn mình dưới tán xanh cổ thụ

Trong tất cả các danh xưng, xứ Huế còn có tên là xứ Thiền kinh. Điều ấy không hề ngẫu nhiên, mà bởi đây là vùng đất chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo từ rất sớm; nơi từng được coi là thủ đô Phật giáo do không chỉ quy tụ và sản sinh nhiều vị cao tăng nổi tiếng có tầm ảnh hưởng to lớn mà còn là vùng đất có số lượng phật tín đồ hết sức đông đảo, giữ được lối tu tập, hành trì trang nghiêm, tinh tấn hiếm nơi nào có.

Vùng đất núi Ngự sông Hương mật độ chùa chiền rất dày và được đánh giá là “có số lượng nhiều nhất so với bất kỳ một địa phương nào trên lãnh thổ Việt Nam”. Theo thống kê, không kể các niệm Phật đường, các chùa khuôn hội, hiện ở Huế còn lưu giữ, bảo tồn trên 100 ngôi chùa cổ- một mảng kiến trúc quan trọng tạo nên nét đẹp riêng có của cố đô.

Chùa Huế truyền thống được kiến trúc khiêm nhường, giản dị, hòa nhập với cảnh sắc hữu tình của thiên nhiên. Hầu như tất cả đều có điểm chung là do một vị tổ sư nào đó đi vào chốn núi rừng u tịch tìm chỗ tu hành, cắm tích trượng dựng thảo am, khai sơn phá thạch, rồi theo thời gian, các vị đệ tử kế thế tiếp tục lao tâm dụng lực mà dần dà nên vóc nên hình ngôi chùa. Cũng chính vì xuất phát điểm như thế nên vườn của các ngôi chùa Huế thường gắn với cây cao bóng cả của rừng tự nhiên. Một số diện tích được khẩn hoang chủ yếu để trồng hoa màu, các loại cây ăn quả như mít, vả, xoài, vú sữa, nhãn, vải, măng cụt, khế,… để vừa tạo cảnh quan, bóng mát, vừa có hoa trái dâng cúng và phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của tăng chúng trong chùa. Đó là kiểu vườn mà như nhiều người nhận xét là theo lối thuần Việt.

Vườn chùa Thiên Mụ

Vượt qua một giai đoạn khó khăn, xã hội phát triển, đời sống dân chúng ngày mỗi dễ chịu, kinh tế sung túc, nỗi lo cơm áo thường nhật cũng không còn là áp lực thường trực nữa. Người ta tìm về với đời sống tâm linh nhiều hơn. Nhà chùa cũng có thêm nhiều khách thập phương, thí chủ, và cả không hiếm đại thí chủ phát tâm cúng dường “hộ Pháp”. Áp lực “tương chao” nhờ thế mà không còn quá nặng nhọc với chốn già lam như xưa. Có lẽ do vậy mà không ít chùa đã cho đốn hạ bớt những cây trái một thời gắn bó, chuyển qua đào hồ, đắp giả sơn, trồng bonsai, cây kiểng… như vườn Nhật Bản để tạo cảnh quan tươi mới cho chùa. Đẹp, quý, sang trọng đấy. Nhưng có cảm giác lạnh và hơi xa lạ. Một chức sắc thuộc hàng Trung ương Giáo hội PGVN trong một cuộc trò chuyện thân tình cùng chúng tôi từng buông tiếng thở dài. Ông buồn và âu lo vì “quý thầy” của mình có người cứ chăm chăm tạo cảnh thưởng trà, mà quên mất những cái ấy có thể khiến giới phật tử bình dân- vốn chiếm số đông trong xã hội- sẽ ngại ngùng lánh dần mái chùa hiền hòa thương yêu một thuở; lo có người bận thưởng cảnh chăm hoa mà quên mất cái thiên chức “hóa độ” chúng sinh, hướng chúng sinh quay về với chân, với thiện…

Chuyện cũng đã lâu lâu ngỡ như quên mất thì mới đây xảy ra vụ đốn cây cổ thụ tại Di tích lịch sử Quốc gia chùa Thánh Duyên khiến dư luận xôn xao. Cho dù có sự “phân bua” của đương sự, song- ít ra là với riêng tôi- sao thấy thật khó cảm thông. Mấy trăm năm mới được một cái cây, trong nháy mắt cây đã thành củi. Mà lại cây của linh sơn thắng địa, của di tích quốc gia. Không xót làm sao được? Và cũng tự hỏi, nếu không bị phát hiện, không được lên tiếng, biết đâu sẽ còn có cây thứ ba, thứ tư… cùng chung số phận !??

Cách đây mấy hôm, đến thăm một vị thượng tọa trú trì một ngôi chùa danh tiếng của Huế. Trong câu chuyện, ông cũng ngẩn ngơ tiếc, ngẩn ngơ buồn về “sự cố” Thánh Duyên. Ông cứ bảo: “Quý thầy bây giờ không hiểu, làm hơi uổng. Những cái cây như thế mới là thiền vị, là sự linh thiêng, là lịch sử, là hồn cốt của vườn chùa xứ Huế mình. Chùa tui đây, mần chi thì mần, bằng mọi giá phải giữ lại cho được mấy cái cây. Không những rứa, chùa còn tìm thêm về để trồng nữa. Ai lại đi chặt. Bậy hung. Còn tạo cái “vườn Nhật Bản” ngó rứa thôi chứ không khó. Nhưng mà sau ít năm nữa thôi, nó sẽ “quê”. Ai tới Huế mà đi coi vườn Nhật Bản?!! Căn cốt của mình, hồn vía của mình không chăm lo bồi bổ, lại chăm chăm đi vay đi mượn. Bậy hung…”

Biết tôi làm báo, ông thúc viết để “nhắc nhở”. Còn tôi lại mong, với uy tín và tầm ảnh hưởng của mình, hy vọng ông hễ có dịp là cứ “Ai lại đi chặt. Bậy hung!” riết róng vào để quần thể chùa Huế chia sẻ…

Thượng Bích
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose