Văn hóa Huế | Homepage

Cơ hội lớn cho Thuận An

🕔14.Dec 2015
Do không xa thành phố, nên từ “thời xửa thời xưa”, khi mà đò giang còn cách trở, biển Thuận An đã không xa lạ với nhiều người Huế, nhiều du khách…  

Tuyến đường Huế – Thuận An từng được mở rộng, nâng cấp

Tập trung nguồn lực để hoàn chỉnh tuyến đường Huế – Thuận An, kết nối đô thị Huế với Thuận An nhằm khai thác có hiệu quả kinh tế biển. Đó là một trong những đầu việc mà tỉnh hạ quyết tâm tiến hành trong năm 2016 để hoàn chỉnh một bước hạ tầng kinh tế – xã hội nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy tăng trưởng. Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 2 khiến nhiều người hết sức hào hứng, phấn khởi.

Biển Thuận An nằm về hướng đông, cách trung tâm thành phố Huế chừng 15 cây số. Ở đây có cửa Thuận An, nơi dòng nước sông Hương hòa vào phá Tam Giang trước khi đổ ra biển cả. Bãi tắm Thuận An đẹp với biển trong xanh, bãi cát mịn màng và sạch. Thuận An từng được vua Thiệu Trị liệt vào một trong 20 thắng cảnh đẹp nhất xứ Thần kinh (Thần kinh nhị thập cảnh). Thuận Hải quy phàm do Thiệu Trị hoàng đế ngự chế đã tụng ca Thuận An với những câu thơ “thi trung hữu họa”: Hải bất dương ba tịch chiếu quang/ Viên thành kiệt các thiếu trùng dương/ Tịch phiêu hảo tiếp tranh hoa điệp/ Chu sử hân khan trạch mộc sương/ Cẩm lãm phi hồng phao hán biểu/ Nha tường tỷ tiết trục thương lang/ Khấu huyền khoản khoản thanh thanh khởi/ Giai thị thời điều kỷ thắng chương. (Rực ánh trời chiều sóng lặng yên/ Tròn xây gác lớn biển xa nhìn/ Thuyền dong mừng đón giành hoa bướm/ Ghe chạy vui trông đỗ nhánh chim/ Đuổi ngọn sóng xanh buồm sát cột/ Giăng khơi vòng mống sợi neo lên/ Nhịp đàn thánh thót từng âm hưởng/ Lừng lẫy thời danh khúc điệu tiên.- Bản dịch của Thiên Nhất Phương- thivien.net). Do không xa thành phố, nên từ “thời xửa thời xưa”, khi mà đò giang còn cách trở, biển Thuận An đã không xa lạ với nhiều người Huế. Ngay như lũ con nít chúng tôi những ngày đất nước còn vô vàn khó khăn, đến bữa, nhiều nhà phải ăn cơm độn sắn, độn bo bo, vậy mà cứ đến dịp hè là cả lũ cũng “cả gan” nhao nhao rủ nhau “cơm đùm gạo bới”, sáng thật sớm kéo nhau đạp xe về cửa Thuận, lên đò vượt phá Tam Giang ra biển để kịp đón mặt trời lên. Rồi suốt ngày vẫy vùng thỏa thuê với biển, cho đến chiều muộn mới kéo nhau đạp xe trở lại thành phố. Sau này, khi có cầu vượt phá Tam Giang, Thuận An lại càng gần với Huế hơn…

Nghề báo giúp tôi có nhiều bè bạn. Nhiều người trong số họ là dân ngoại cố đô. Đến Huế, sau khi thăm thú loanh quanh, buổi chiều, khi được đưa về Thuận An ngắm biển, lai rai đặc sản, ai cũng ngạc nhiên và… ghen tị, sao Huế lại được ông trời ưu ái thế. Có di sản văn hóa, có cảnh quan tuyệt vời, lại còn có cả biển xanh sát nách thành phố. Làm du lịch vậy là số 1 rồi còn gì. Tiếc là “có vốn” du lịch biển đấy, nhưng Huế không phát huy được. Bãi tắm Thuận An nổi tiếng là thế, thuận tiện là thế. Nhưng khách hình như ít người hài lòng. Mấy người bạn của chúng tôi từ Tp Hồ Chí Minh ra, có người là nhà báo, có người là doanh nhân…, và đều là dân “rủng rỉnh tiền bạc” cả. Họ đến Huế nhưng không báo trước, muốn được tự do. Nghe tiếng Thuận An, họ kêu taxi về trải nghiệm. Trở lại Huế, họ tìm gặp tôi…phê bình: “Hiện đại không ra hiện đại, hoang sơ chẳng phải hoang sơ. Phục vụ thì kém chuyên nghiệp, mà chặt chém thì lại hơi…siêu. Bọn này không phải kẹt xỉn, nhưng bực!”. Tôi ngồi nghe, mặt nghệt ra, không biết phải trả lời làm sao. Bởi quả thực, đó không phải là góp ý mà tôi được nghe lần đầu.

Nói cho công bằng, chính quyền thị trấn Thuận An hình như cũng rất sốt ruột và đã tỏ ra cố gắng vào đầu mỗi mùa du lịch biển để chấn chỉnh, sắp xếp, nâng cấp các dịch vụ. Nhưng sự đổi thay thì xem chừng vẫn còn rất khiêm tốn. Và, khi một vài địa phương có biển cũng nhập cuộc thì bãi Thuận An xem chừng ngày càng có nhiều du khách rời đi. Hơi xa một chút, nhưng người ta chấp nhận đến với Phú Diên, Vinh Thanh, Vinh Hiền, Quảng Công… để tránh cái xô bồ lộn xộn mà họ đã từng rất muộn phiền “trải nghiệm” ở Thuận An.

Tập trung nguồn lực để hoàn chỉnh tuyến đường Huế – Thuận An – Quyết tâm ấy của tỉnh là cơ hội vàng để Thuận An lấy lại hình ảnh, lấy lại ưu thế “không dễ bãi biển nào cũng có thể có” của mình. Mọi thứ cần phải khởi động ngay từ bây giờ. Sắp xếp lại dịch vụ như thế nào, đầu tư hạ tầng phục vụ dịch vụ ra sao, nguồn lực từ đâu? Làm thế nào để tăng hàm lượng chuyên nghiệp cho đội ngũ những người làm dịch vụ? Cơ cấu “đội quân” chuyên chèo kéo, đeo bám cách sao cho dứt điểm, hợp lý? Xây dựng tâm thế tự hào, thân thiện, biết nâng niu, trân quý thế mạnh du lịch biển nơi mỗi cư dân địa phương để níu giữ du khách… Đó là những câu hỏi, những vấn đề đặt ra đòi hỏi phải gỡ, phải làm một cách riết róng, nghiêm túc. Nếu không, sẽ không tận dụng được cơ hội; cũng đồng nghĩa với sự lãng phí đầu tư của tỉnh.

Rất mừng là người đứng đầu Đảng bộ Phú Vang, Bí thư Huyện ủy Lê Thanh Hải đã hạ quyết tâm “sẽ chấn chỉnh, sắp xếp lại” tại nghị trường Hội nghị Tỉnh ủy lần 2 vừa diễn ra cách đây chưa lâu. Tuy nhiên, theo thiển ý của chúng tôi, nỗ lực của Phú Vang thôi chưa đủ. Cần phải có sự xắn tay nhập cuộc, tích cực trợ giúp từ ngành văn hóa- thể thao và du lịch; bởi đó không còn là câu chuyện của riêng Phú Vang, mà là câu chuyện thu hút, tăng ngày lưu trú, tăng sự chi tiêu, tăng sự hài lòng, sự muốn quay trở lại của du khách. Đó là câu chuyện đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà tỉnh đã và đang quyết tâm hướng đến.

Diên Thống
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose