Văn hóa Huế | Homepage

Có một “Mệ Huế”

🕔11.Dec 2015

Năm 1986, Nguyễn Tuân vô Huế.  Mấy anh em viết văn trẻ chúng tôi đến khách sạn, nói là thăm ông, thực ra là để xem mặt nhà văn lớn. Ông cười, hỏi tên từng người, rồi lục ba lô lấy ra một nậm rượu và mấy cái chén mắt trâu Bát Tràng. Ông vừa rót rượu, vừa nói giọng Huế ngọt lịm: “Cái thằng Làng Vân ni được lắm, không thua gì thằng Chuồn Huế mô!”. Ông đưa chén rượu đến từng người rồi phán: “Các Mệ làm chủ tập thể đi!”. Tôi rụt rè hỏi sao anh biết rượu Chuồn? Ông cười vuốt râu, lại nói giọng Huế: “Mình đã uống rượu Chuồn từ khi các “mệ” đây chưa có trên cõi đời ni…”.

Nhà văn Nguyễn Tuân và vợ, năm 1986 (ảnh gia đình)

Thân sinh Nguyễn Tuân là Cụ tú Hải Văn, làm ký lục ở Tam Tòa. Nhà ở Gia Hội-Huế. Cụ Tú là con của một Mệ Huế làm vợ ba ông nội Nguyễn Tuân. Giống như bố, cụ Tú cũng đèo bòng thêm một Mệ Huế. Về hưu ở Hà Nội, thỉnh thoảng ông vẫn “lén” vô Huế và dắt con trai theo. Nguyễn Tuân kể: “Có lần ăn cơm tại nhà bà ấy. Bố con tôi được bà thết một “bữa cơm muối”. Tôi nhớ đúng là có mười hai đĩa muối”. Ông còn kể nhiều chuyện cười “mệ Huế” bằng giọng Huế rất sành điệu đúng Mệ Huế, không lẫn vào đâu được!

Khoảng những năm 1937- 1939, hễ buồn là ông xách cặp da, chống ba toong lên tàu vô Nam. Hồi đó mua vé Hà Nội-Sài Gòn, tàu đến Huế, muốn xuống cứ xuống, rồi đưa cái vé vào ga đóng dấu. Thế là khi muốn đi tiếp thì cứ lên tàu mà đi. Có khi Nguyễn Tuân ghé Huế chơi hàng tháng. Vô Huế, Nguyễn Tuân bao giờ cũng rủ bạn xuống đò Sông Hương xuôi về rạp hát Bà Tuần tìm cô Ba Vĩnh, một đào hát hàng đầu ở Huế. Chỉ mấy hào tiền lẻ, thế là đủ để ung dung ra ngồi ghế hạng nhất và được đánh trống chầu khai diễn. Tan buổi hát, lại rủ cô đào Ba Vĩnh xuống đò, dông ra giữa dòng Hương… Sống nhiều ở Huế nên Nguyễn Tuân nói giọng Huế, cách ứng xử, dáng điệu Huế không khác chi người Huế. Ông bảo: “Đò trên sông Hương cũng là một thứ khách sạn nổi. Có lần tôi sống hàng tháng trong cái khách sạn nổi ấy”. Nguyễn Tuân phát hiện ra rằng, chỉ có đò Huế mới chèo chứ không chạy bằng buồm như đò trên sông Lam, sông Hồng, mặc dù gió ở đây rất nhiều. Hình như con đò Huế, lăng tẩm Huế, con người, giọng nói Huế đã góp một phần không nhỏ trong tính cách văn chương và sinh hoạt của Nguyễn Tuân.

Có người đã thống kê trong Vang bóng một thời xuất hiện 12 lần từ “dạ” và rất nhiều lời ăn tiếng nói của Huế như mô, tê, rứa, hai ông mụ, chuyện chi, dây lạt, ở riệt trong nhà v.v..  Trong tập bút ký Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi có 6/9 bút ký nhà văn nhắc tới Huế. Trong bút ký Nhớ Huế viết sau Mậu Thân có những chi tiết da diết, cảm động: “Nhớ Huế, có lúc tôi lần chần nơi hè phố Hà Nội, mân mê những đôi dép lốp cao su đen quai chéo, đúng kiểu Trị Thiên Huế…”. Rồi ông đến sông Hiền Lương: “Nhớ Huế, tôi đã bao nhiêu lần tha thẩn một cách bồi hồi dọc bờ bắc con sông Tuyến… Nhìn cái nền ga xe lửa cũ chỗ ga Tiên An đó, mà thấy như có thể chỉ hôm sau thôi, chỉ ngày mai thôi là tàu của tôi lại đã thét còi vang, chạy mãi vô Huế…”.

Nguyễn Tuân là nhà văn đã viết rất tuyệt vời ẩm thực Huế. Ông nhận xét rất tinh tế: “Màu trên sắc phục và trên mâm ăn lại càng phải nhiều màu. Có cái vẻ như là người sông Hương non Ngự thì ăn bằng mắt nhiều hơn bằng miệng. Những cái đĩa nho nhỏ, những cái chén xinh xinh, trên đó sắc màu của những miếng chín hài hòa giữa một bức tranh tĩnh vật ngon lành”. Ông đặc biệt thích nhấm rượu Chuồn với nem tré, tôm chua với vả xắt lát, chuối sứ xanh ăn kẹp với thịt lợn ba chỉ phay. Sinh thời Nguyễn Tuân, các văn nghệ sĩ Cố Đô khi ra Hà Nội, ai cũng không quên mang biếu cụ Nguyễn xâu nem tré, lọ tôm chua, chục quả vả… Khi mời khách thân ăn món Huế, tự tay Nguyễn Tuân gọt quả vả, thái chuối xanh, luộc thị lợn, gắp tôm chua ra đĩa với thái độ rất trân trọng …

Ngô Minh
(Theo QĐND)

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Người “giữ hồn” bánh đúc mật xứ Huế

Bánh đúc mật là thức quà quê hương bình dị gắn liền với tuổi của

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose