Văn hóa Huế | Homepage

Lũ lụt và những tổn thương cho vùng đô thị Huế

🕔06.Dec 2015

Khoảng mười năm gần đây, các khu dân cư, khu đô thị mới không ngừng được đầu tư phát triển, mở rộng, đã làm cho bộ mặt thành phố thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên mặt trái của quá trình đô thị hóa cũng tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững của đô thị, đến nhiều mặt trong đời sống của người dân, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra mạnh mẽ, những hiện tượng thời tiết bất thường diễn ra ngày càng nhiều và khắc nghiệt.

Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến quá trình đô thị hóa trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lũ lụt có chiều hướng gia tăng. Chỉ ra mức độ ảnh hưởng do lũ lụt ở các lĩnh vực sản xuất, đời sống; những vùng bị tác động trong quá trình đô thị hóa để chính quyền và người dân phần nào nhìn nhận được mức độ tác động của biến đổi khí hậu và có giải pháp ứng phó thích hợp.

Người dân chèo thuyền trên đương Đinh Tiên Hoàng (TP Huế) bị ngập. Ảnh: Hải Triều

Về quá trình đô thị hóa, ngoài phát triển nhiều khu vực dân cư nhỏ mang tính xen ghép, ở Huế đã có nhiều khu đô thị quy mô vừa và lớn được đầu tư xây dựng như các khu đô thị Bắc Hương Sơ, Nam Vỹ Dạ, An Cựu City, Đông Nam Thủy An, Phú Mỹ Thượng. Tùy theo vị trí thuận lợi hay không mà tốc độ đô thị hóa ở các khu đô thị này phát triển khác nhau. Có những khu đô thị đã lấp đầy như Vỹ Dạ. Có những khu đô thị đang trong quá trình phát triển như An Cựu City, Đông Nam Thủy An, Phú Mỹ Thượng, Bắc Hương Sơ…

Quá trình đô thị hóa ở nhiều khu đô thị được đánh giá là thiếu đồng bộ. Như thiếu sự kết nối với các vùng dân cư đã có từ trước, thiếu hệ thống thoát nước. Nhiều công trình hạ tầng được đầu tư cho quá trình đô thị hóa với cốt nền không hợp lý trở thành vật cản của các dòng chảy đã dẫn đến gia tăng tình trạng ngập lụt ở một số khu vực dân cư . Khu Đô thị mới An Vân Dương là một trường hợp điển hình.

Nhận xét chung của người dân nơi đây đối với khu đô thị mới này là: việc chặn các hướng thoát nước chính là hướng đông và nam của khu vực làm cho các tổ 13, 13A, 14, 15 ngập sâu hơn; cốt san nền thấp hơn khu dân cư hiện tại; đường giao thông cũng bị thấp, vì vậy, không thể giúp gì về mặt giao thông cho người dân khu vực này vào mùa mưa lũ, thậm chí còn làm ngập sâu hơn ở đường nội bộ trong khu dân cư.

Theo kết quả nghiên cứu (thuộc dự án M-BRACE – đánh giá tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu của thành phố Huế, đuợc thực hiện từ tháng 9/2011 -10/2013 cho thấy, mùa lũ tại Huế phù hợp với mùa mưa, lũ chính vụ kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Tổng lượng dòng chảy trong mùa mưa lũ chiếm 65% tổng lượng dòng chảy của năm. Ngoài lũ chính vụ còn xuất hiện lũ tiểu mãn trong tháng 5, tháng 6 và lũ sớm trong tháng 8, tháng 9, lũ muộn trong tháng 1.

Dưới tác động của BĐKH lượng mưa trung bình năm trên toàn lãnh thổ Thừa Thiên Huế trong thập kỷ từ 2001-2010 tăng từ 10-22% so với 30 năm trước đó (1971-2000). Lượng mưa mùa mưa chính vụ (tháng 10) tăng 27% ở vùng đồng bằng (trong đó có TP Huế). Ngược lại, lượng mưa mùa hè (tháng 7) giảm 23% ở Huế. Đặc biệt là cường độ mưa tại TP Huế luôn gia tăng trong 10 thập niên trở lại đây.

Theo số liệu quan trắc trên sông Hương (kết quả nghiên cứu của dự án M- BRACE công bố) cho thấy, trong 10 năm qua, trung bình hàng năm có 3,5 trận lũ lớn hơn hoặc bằng mức báo động II, năm nhiều nhất có 8 trận, năm ít nhất có 1 trận, trong đó có 36% lũ lớn và đặc biệt lớn. Những năm có hiện tượng La Nina số đợt lũ và đỉnh lũ lớn hơn rõ rệt. Thời gian lũ cũng kéo dài, trung bình của một đợt lũ khoảng 3-5 ngày, dài nhất 6-7 ngày.

Tình trạng lũ lụt đã ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống. Đối với công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; Tỷ trọng khu vực công nghiệp trong tổng sản phẩm của thành phố năm 2010 khoảng 37-39%, và đến năm 2020 ước tính còn khoảng 30-32%.

BĐKH theo kịch bản xấu nhất của Bộ TNMT, đến năm 2050 thì sẽ có một số khu công nghiệp bị ảnh hưởng bởi BĐKH và nước biển dâng. Một số các đô thi mới như Bắc Hương Sơ, sẽ thường xuyên bị ngập vào mùa mưa. Phần lớn các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ bị ảnh hưởng. Như vậy, BĐKH sẽ tác động trực tiếp đến các khu công nghiệp đang hoạt động bởi tình trạng ngập lụt và thu hẹp diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp.

Về nông nghiệp: diện tích đất nông nghiệp của TP Huế tập trung chủ yếu ở các phường ven thành phố. Theo kịch bản BĐKH trung bình của Bộ TNMT thì vùng sản xuất nông nghiệp của thành phố sẽ chịu tác động mạnh nhất ở các phường phía đông và đông nam thành phố. Phần lớn diện tích đất nông nghiệp bị ngập lụt vào mùa mưa, bị hạn hán vào mùa khô dẫn đến sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp.

Du lich và dịch vụ, một thế mạnh của TP Huế cũng bị ảnh hưởng nhiều. Về mặt không gian, trên địa bàn TP Huế hình thành 5 cụm du lịch (kết hợp với phát triển các ngành dịch vụ chính), gồm 1 cụm du lịch – dịch vụ trung tâm thành phố và 4 cụm du lịch phụ cận. Cụm du lịch – dịch vụ trung tâm thành phố (khu vực Bắc sông Hương với Hoàng thành, khu thương mại (phố cổ Đông Ba, Gia Hội – Chi Lăng; khu vực Nam sông Hương từ đường Đống Đa đến bờ sông Hương. 4 cụm du lịch dịch vụ phụ cận trải đều từ vùng tiếp giáp với cụm trung tâm ra ngoại vi thành phố. Với không gian phân bổ các khu du lịch dịch vụ như vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy, đây chính là các vùng bị tác động bởi ngập lụt do BĐKH

Kết quả điều tra (thuộc dự án M – BRACE) cho biết, có 40,59 % ý kiến cho rằng lũ lụt có ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp; 27,65 % ý kiến có ảnh hưởng đến thương mại và dịch vụ; 23,53 % đến sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của TP Huế.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, TP Huế sẽ là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nhiều của BĐKH trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Tổn thương do BĐKH đến TP Huế được đánh giá là nghiêm trọng hơn cả so với những vùng khác trong toàn tỉnh, do là nơi tập trung dân cư và mức độ đầu tư hạ tầng rất cao, nhất là trong bối cảnh thành phố đang có kế hoạch phấn đấu trở thành đô thị hạt nhân của thành phố Thừa Thiên Huế trong tương lai.

Tuy nhiên, vấn đề BĐKH còn rất mới mẻ, chưa được nhìn nhận sâu sắc và triển khai cụ thể đến các cấp chính quyền và người dân. Mặc dù đã có nỗ lực rất lớn trong quản lý đô thị, bảo vệ môi trường và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, nhưng vai trò của chính quyền thành phố Huế trong công tác thích ứng cũng như giảm thiểu tác động của BĐKH còn chưa được rõ ràng.

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Similar Articles

“Cụ” xà cừ 100 năm ở Huế được giữ “sinh mạng’ nay đã lên mầm xanh

“Cụ” xà cừ 100 năm ở Huế được giữ “sinh mạng’ nay đã lên mầm xanh

Mầm xanh đã hồi sinh trên cổ thụ được trồng lại sau khi bị bão

Xây dựng Huế là điểm đến hạnh phúc

Xây dựng Huế là điểm đến hạnh phúc

Huế đang được cộng đồng du lịch đánh giá là điểm đến để tìm kiếm

Chân dung bếp trưởng mang ẩm thực Huế ra thế giới

Chân dung bếp trưởng mang ẩm thực Huế ra thế giới

Là một trong số những đầu bếp sẽ tham dự Ngày ẩm thực Việt Nam

Du lịch trên những tuyến sông vẫn còn để ngỏ

Du lịch trên những tuyến sông vẫn còn để ngỏ

Chiều đó, khi nhìn những chiếc tàu ngược xuôi với mật độ khá dày đặc

Huế vận động tháo dỡ hàng rào trên đường Lê Lợi dọc sông Hương

Huế vận động tháo dỡ hàng rào trên đường Lê Lợi dọc sông Hương

Đường Lê Lợi dọc sông Hương được mệnh danh là "Phố bảo tàng" và  chính

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose