Văn hóa Huế | Homepage

Du lịch trên sông quê

🕔31.Jan 2016

Sông Như Ý từ đầu năm 2015 đến nay được một số khách nước ngoài gọi thân mật là con sông du lịch. Dịch vụ trải nghiệm thuyền trên sông tạo điểm nhấn thu hút khách về cầu ngói Thanh Toàn, mở ra triển vọng cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng.

Trải nghiệm thú vị

Chúng tôi gặp Nick – một du khách quốc tịch Úc khi ông vừa hoàn thành chuyến trải nghiệm gần 2 giờ đồng hồ trên sông Như Ý. Tay cầm tấm lưới còn dính mấy con cá vừa đánh bắt được, vị khách này khoái chí: “Tôi đến cầu ngói Thanh Toàn đã hai lần và lần này tôi được trải nghiệm cuộc sống của người dân quê Việt Nam một cách đích thực. Tôi được chèo thuyền, được bắt cá, trải nghiệm đời sống nông nghiệp ở đây và thấy rất ấn tượng. Về Úc, tôi sẽ kể cho gia đình và bạn bè chuyến đi này. Rất tuyệt vời!”.
Du khách đi thuyền trên sông Như Ý
Trở lại với dòng sông Như Ý và quan sát nhiều đoàn khách, chúng tôi cảm nhận được sự thích thú của họ khi tận tay cầm chiếc chèo khua nước. Lưới cá được kéo lên, du khách cười giòn tan, có người hò hét tỏ vẻ sung sướng. Họ trật tự dưới thuyền, nhưng không giấu được niềm vui trải nghiệm. Con thuyền trôi nhẹ giữa dòng nước, có vị khách chưa quen với tay chèo vẫn cố xin người lái thuyền để mình thử sức. Hành trình trên chiếc thuyền nhỏ bé, sự giao tiếp của người lái thuyền với khách thông qua người hướng dẫn viên du lịch hoặc dùng ngôn ngữ hình thể để ra hiệu, nhưng không ít lần trên chiếc thuyền ấy có cả sự giao lưu, hát hò qua lại giữa khách và người chèo thuyền. Số cá đánh bắt được, họ tiếp tục với hành trình trải nghiệm nấu ăn, hoặc đem ra chợ ngồi bán như cách những phụ nữ ở nông thôn sau chuyến đánh bắt vẫn thường làm.
Đoạn sông du lịch mà du khách được trải nghiệm kéo dài hơn 1km, dọc theo bờ ruộng của xã Phú Hồ, trước mặt cầu ngói Thanh Toàn. Đoạn sông này thông thoáng, sạch sẽ, tạo cảm giác thân thiện ban đầu khi du khách bước chân xuống thuyền. Anh Ngô Văn Thảo, phụ trách đội thuyền kể: “Mình chèo thuyền để mưu sinh nhưng chở khách tham quan, có cảm giác như đang giao lưu với họ, như họ là người trong gia đình mình cùng làm nghề trên sông nước”. Lưới cá, đơm chẹp và rất nhiều hoạt động khác trên sông Như Ý đơn thuần chỉ là một gói trải nghiệm du lịch, nhưng nhiều vị khách quốc tế khi đến đây đã khẳng định, họ không nghĩ đây là một chuyến du lịch đơn thuần. “Nếu như trước đây đến cầu ngói Thanh Toàn để chiêm ngưỡng chiếc cầu cổ hay tham quan nhà trưng bày nông cụ thì đó là chuyến đi để khám phá và mở rộng kiến thức. Còn với hình thức trải nghiệm này, chúng tôi được hòa bình vào đời sống của người dân nông thôn Việt Nam, được thử làm người Việt Nam. Khác biệt rất lớn!”, một vị khách đến từ Pháp nhìn nhận.
Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh cho biết:
Kết quả khảo sát du khách cho thấy, có 90% khách muốn trải nghiệm trên sông. Tới đây, chúng tôi phối hợp với Hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng sẽ xây dựng đa sản phẩm như: trải nghiệm câu cá, chăn nuôi vịt trên sông theo phương châm càng gắn với đời sống người dân càng tốt.
Nhiều triển vọng
Chèo thuyền trên sông Như Ý bắt đầu hình thành từ năm 2014, nhưng chỉ đến đầu năm 2015, dịch vụ này mới thực sự nhộn nhịp nhờ mối liên kết hiệu quả giữa chính quyền địa phương, người dân và các công ty du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh. Đội thuyền gồm 10 thành viên (trong đó, có 4 thành viên hoạt động thường xuyên), mỗi người một chiếc thuyền nhỏ, được trang bị áo phao, lưới cá và một số dụng cụ đánh bắt khác trên sông. Mỗi tháng, trung bình có khoảng 10 đoàn khách đăng ký trải nghiệm thuyền trên sông Như Ý. Mỗi thuyền được phép chở không quá 3 khách, chuyến trải nghiệm thường kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, giá quy định là 80.000 đồng/thuyền, do chính công ty du lịch trả cho người dân.
Anh Thảo tin tưởng, với mức trung bình 50 khách mỗi tháng hiện nay, thu nhập của 4 người trong đội thuyền khoảng 600.000 đồng/tháng chưa phải là mức thu nhập có thể nuôi sống người dân khi tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng nhưng đang cho thấy một tương lai tốt khi dịch vụ trải nghiệm này dần lấy được lòng khách. Những người tham gia đội thuyền được lợi thế có sẵn thuyền nhà, được công ty du lịch hỗ trợ áo phao và phương tiện làm nghề, đồng thời cung cấp trang phục để hoạt động. Với đặc điểm làm nông nghiệp là nghề chính, việc đưa du khách trải nghiệm trên sông có thể giúp họ tăng thêm thu nhập trong thời điểm mùa vụ nông nhàn, tạo kinh nghiệm làm du lịch như một bước đệm khi loại hình du lịch trải nghiệm này đang phát huy hiệu quả ở cầu ngói Thanh Toàn. Theo anh Thảo, việc các công ty du lịch thông báo lịch phục vụ khách trước một tháng tạo ra tính chủ động để anh và những người trong đội thuyền dễ dàng sắp xếp công việc, phân công nhiệm vụ. Tương lai, nếu có nhiều đối tác, đây là sẽ cơ hội để người dân quê tự làm giàu trên chính quê hương mình với ngành công nghiệp không khói.
Trao đổi với chị Ngô Thu Sang, cán bộ điều hành ở Công ty du lịch Văn hóa con người – đơn vị phối hợp với người dân Thủy Thanh làm dịch vụ trải nghiệm trên sông, được biết, sau một thời gian hoạt động, hình thức du lịch này đang cho thấy hiệu quả và có nhiều tiềm năng để phát triển. Chị Sang tiết lộ: “Nhiều vị khách nói với chúng tôi, nếu không có chuyến trải nghiệm như vậy thì quả là đáng tiếc”.
Chèo thuyền trên sông Như Ý để du khách trải nghiệm đời sống của người dân quê là một trong 4 dịch vụ du lịch trải nghiệm (3 dịch vụ khác là ẩm thực, làm nón lá và gói bánh tét) gắn với cầu ngói Thanh Toàn đang được triển khai. Bên cạnh cơ hội được tập huấn nghiệp vụ làm du lịch, bơi lội, cứu hộ, vai trò của người dân trong việc tạo ra sự thân thiện để chiếm được cảm tình của du khách có thể được xem là giải pháp hiệu quả để thu hút khách đến lần 2, khi con số thống kê của anh Thảo cho thấy hơn 70% lượng khách trải nghiệm là người nước ngoài. Hơn nữa, trong tương lai, cầu ngói Thanh Toàn vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Triển vọng đó có thể như nhận định của ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Sau khi khơi thông Đập Đá, nếu tiến hành nạo vét sông Như Ý và tạo tour đưa khách bằng thuyền chèo hoặc thuyền máy từ Đập Đá về cầu ngói Thanh Toàn, trên đường đi có ca Huế hay hò giã gạo thì có thể đây là một hình thức du lịch trải nghiệm”.

 

Similar Articles

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose