Văn hóa Huế | Homepage

Du xuân

🕔23.Jan 2016

Tục du xuân có từ thế kỷ XV, thời Lê. Sử sách cho biết: ngày đầu năm mới, sau khi đón tiếp đình thần vào cung chúc Tết, nhà vua thân hành du xuân đi thăm phố phường và xem dân chúng kinh đô ăn Tết. Vua mặc hoàng bào, cưỡi ngựa đi trước, hoàng thân quốc thích, quan viên văn võ, lính tráng mang cờ quạt, khí giới theo hầu phía sau.

Từ cung đình, tục du xuân lan ra chốn dân dã, trở thành một “nếp” xuân. Sau một năm làm lụng vất vả, Tết đến xuân về là lúc người dân có thời gian để nghỉ ngơi và thụ hưởng thành quả lao động trong năm của mình. Đó cũng là lúc vạn vật sinh sôi, cây cối đâm chồi nảy lộc, trời đất giao hòa, nên người ta thích được chuyển dịch, thích được đi đó đi đây để khám phá non sông, chiêm ngưỡng cảnh vật và tham gia hội hè. Cư dân Bắc Bộ có câu “Mùa xuân trẩy hội” là vậy.

Sau khi làm cỗ cúng đưa, tiễn ông bà về lại cõi trên vào trưa mồng Ba Tết Nguyên đán, người ta đã lục tục chuẩn bị cho những chuyến du xuân. Gần thì ra đình dự hội làng mình hay sang làng bên xem hội làng người ta. Xa thì trẩy hội chùa Hương, hội Yên Tử, hội Cổ Loa… lễ Phật viếng Thánh; hay đi đền Bà Chúa Kho vay nợ cầu may, về chợ Viềng mua đồ cũ lấy khước, qua đền Trần xin ấn cầu đỗ đạt, mong thênh thang quan lộ… Lễ hội ở miền Bắc diễn ra suốt tháng Giêng cho thỏa câu ca: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi…”. Cá biệt, có lễ hội chùa Hương kéo dài trọn vẹn mùa xuân, thu hút khách du xuân tứ xứ đổ về nơi được chúa Trịnh mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động” này.

Người dân miền Trung ít có những chuyến du xuân dài ngày, vì họ chăm lo việc lễ nghi, cúng tế hơn là hưởng thú tiêu dao. Bởi lẽ cư dân nơi đây tuy đa phần là lưu dân từ miền Bắc, nhưng khi đến sống ở miền đất lạ, vốn được coi là hoang địa, là nơi lắm thần nhiều thánh nên việc tế lễ, cúng bái thần linh và gia tiên được đặt lên hàng đầu để cầu cho năm mới được mưa thuận gió hòa, phong đăng hòa cốc. Không chỉ người dân mà các bậc đế vương dường như cũng có cùng suy nghĩ. Vì thế, trong suốt 143 năm tại vị, triều đình nhà Nguyễn thường xuyên tổ chức các lễ lượt trong dịp năm mới như: Ban sóc, Phất thức, Xuân tiết, Đoan dương…, nhưng lại không có hội du xuân. Chỉ có vua Đồng Khánh (1885 – 1889) tổ chức một cuộc du xuân duy nhất vào Tết Bính Tuất (1886). Song đây lại không phải là cuộc du xuân đúng nghĩa, mà chỉ là trò do người Pháp bày ra, để ông vua An Nam “diễn”, cốt cho người dân xứ Huế thấy ông vua hư vị thời mất nước vẫn được tự do và thảnh thơi du ngoạn.

Trong khi đó, mùa xuân phương Nam là mùa khô. Trời nắng nóng, không có cái lạnh se sắt của miền Bắc hay những cơn mưa xuân lất phất của miền Trung nên không tạo ra sự kích thích khiến người miền Nam thích… xê dịch khi mùa xuân đến. Dân Nam Bộ thích được quây quần với gia đình, người thân, bạn bè bên những bữa tiệc đoàn viên hơn là những chuyến lãng du xứ người trong dịp Tết. Vì thế mà những chuyến du xuân của người phương Nam thực là hiếm hoi.

ad4482fd3d7734cb6f85462853817785_du-xuan-tet-6e9d7[1](Ảnh: Internet)

Nhưng đó là chuyện của ngày trước, của những người lớn tuổi. Còn với giới trẻ ngày nay, thì du xuân chính là “phượt”, cho dẫu “phượt” có thể thực hành quanh năm, nhưng “phượt xuân” mới là thú vị nhất. Người trẻ ít chọn cho mình những đình chùa đền miếu, những hội làng hội nước làm đích đến của cuộc du xuân. Có chăng đó chỉ là những điểm dừng bất chợt trên cung đường “phượt xuân” của họ. Núi xanh đèo cao, vực sâu hun hút, biển đảo lộng gió… mới là nơi họ cần khám phá, chinh phục. Đó có thể là những ngọn đèo hiểm trở như Ô Quy Hồ, Mã Pí Lèng, Khau Phạ, Pha Đin ở vùng Tây Bắc; là Cột cờ Lũng Cú ở địa đầu Tổ quốc, hay đỉnh Phan Xi Păng “nóc nhà Đông Dương”… Đó có thể là mỏm Kê Gà, đỉnh đèo Ngoạn Mục, hồ thủy điện Yaly… nơi khúc ruột miền Trung; là rừng đước Nam Căn hay mũi Cà Mau tận cùng đất nước; là Cù Lao Chàm hay Cù Lao Ré, quê hương của những “hùng binh Hoàng Sa” năm xưa… Nơi nào có đường, nơi đó có vết bánh xe của dân “phượt”. Nơi nào không có đường, nơi đó có dấu chân của dân “phượt”.

Mùa xuân đã đến bên khung cửa. Vậy thì còn chần chừ gì nữa mà không làm một chuyến du xuân đến những “miền cỏ thơm” của nước Việt, bạn ơi!

Trần Đức Anh Sơn
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose