Văn hóa Huế | Homepage

Ghi ở hai ngã ba sông

🕔06.Jan 2016

Chắt chiu từng giọt nước từ triệu năm của “đá mẹ” Trường Sơn, hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch vượt bao thác ghềnh hợp lưu tại ngã ba Bằng Lãng (còn gọi ngã ba Tuần) tạo thành sông Hương thơ mộng. Trước khi đổ ra đầm phá, sông Hương một lần nữa “thủy tụ” tại ngã ba Sình, khép lại cảnh thác nguồn hùng vĩ để về phố xá phồn hoa…

Màu xưa giấy cũ trong tranh làng Sình thể hiện sự công phu của tiền nhân

Vùng đất trù phú

Dịp cuối năm, anh bạn người thành phố có chút kiến thức phong thủy bảo tôi rằng: “Mi để ý coi, nơi mô vùng đất thủy tụ, hợp lưu các nhánh sông thì nơi đó đất đai trù phú, quần cư đông người.” Không biết cái kiến thức phong thủy “nửa vời” của anh bạn đến đâu, tôi cũng xách xe một chuyến “xê dịch” lên vùng thượng du Thủy Bằng (Hương Thủy)!

Đứng trên cầu Tuần, nhìn xuống làng quê nơi ngã ba Bằng Lãng, cảnh trí yên tĩnh lạ. Tên gọi ngã ba Tuần đã đi vào lịch sử, thơ ca. Nơi đây xưa triều Nguyễn từng bố trí một lực lượng đồn trú để bảo vệ cho phía Tây kinh thành Huế. Nếu dòng Hữu Trạch là “thủ phủ” của người Tà Ôi trên miền thượng du A Lưới; dòng Tả Trạch là của người Cơ Tu dũng mãnh thì ngay ngã ba Bằng Lãng là chỗ trú chân của người Kinh khi buổi đầu lên vùng bán sơn địa này khai ấp lập làng.

Anh Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng tự hào: “Thủy Bằng có nhiều “đặc sản” lắm. Ngoài cây gừng, chè lừng danh một thuở thì còn có thanh trà, tăm hương, trầm dó. Thu nhập từ những vườn cây cùng nghề tiểu thủ công nghiệp được quy hoạch để sản xuất tập trung đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.”

Nghề tăm hương hiện có khoảng 40 hộ dân tham gia làm ở hầu hết các thôn nhưng sản xuất tập trung ở thôn Vỹ Dạ. Với đặc thù địa phương có nguồn nguyên liệu dồi dào là tre lồ ô (dân địa phương gọi là nứa), qua thời gian, do nhu cầu thị trường đặt mua tăm nứa để làm mành, làm tranh, một vài hộ gia đình đã tranh thủ thời gian nông nhàn chẻ tăm bán cho các bạn hàng và đã hình thành lên một làng nghề tiểu thủ công nghiệp cho thu nhập bình quân 2,5-3 triệu đồng/lao động/tháng.

Nghề tăm hương ở đây phát triển khá thuận lợi, bởi ở địa phương còn có nghề làm trầm hương từ cây dó trầm hỗ trợ nguyên liệu. Hiện, địa phương đang xúc tiến hồ sơ để UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống tăm hương Vỹ Dạ.

Lên Thủy Bằng, đi qua các thôn vùng bán sơn địa từ An Ninh, Dương Phẩm, Tân Ba, Võ Xá, Vỹ Dạ, du khách thường thấy thích thú trước vườn cây thanh trà xanh ngút mắt. Cây thanh trà ở vùng đất Thủy Bằng hiện có diện tích 80 ha, khá nổi tiếng thơm ngon bởi được phù sa sông Hương bồi đắp quanh năm.

Ngã ba Sình, điểm hợp lưu cuối cùng của sông Hương và sông Bồ, trước khi đổ ra đầm phá đã kịp “gửi trao” những giọt phù sa đậm chất núi rừng cho biền bãi hạ nguồn. Nơi đây cũng là vùng “thủy tụ” để kết thúc hành trình gần 200km của sông Hương và sông Bồ kể từ khi khởi nguyên từ ngọn A Lu ở vùng thương du A Lưới.

Thành cổ Hóa Châu- nơi lưu dấu cuộc chiến chống quân Minh của quân và dân ta một thuở sau bao cuộc thiên di của lịch sử chỉ còn lại tàn tích. Thế nhưng, trên nền thành cổ ấy, ngay giữa thành nội giờ là cả vùng rau quả mang thương hiệu rau sạch Thành Trung. Gặp nhà “Hóa Châu học” Đào Lý, ông bảo rằng, rau Thành Trung không chỉ nổi tiếng thơm ngon hiện tại mà xưa kia nguồn rau nơi đây còn dùng để tiến vua với tên gọi “rau phường Thành”. Nó còn là “vùng rau lịch sử” bởi đây là nơi sản xuất rau chuyên canh truyền thống nằm trong nội thành, lớp phù sa bồi đắp nơi ngã ba sông đã cho cây rau ở đây có hương vị không lẫn với vùng đất nào.

Ông Nguyễn Văn Ty, một hộ dân trồng rau phấn khởi: “Được sự hỗ trợ từ các dự án, bà con ở đây tham gia mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn nên được trang bị những kiến thức về quy trình, cách thức sản xuất rau sạch. Vì thế, người trồng rau rất yên tâm vì có nguồn thu nhập ổn định, sản xuất bền vững hơn.”

Hội tụ văn hóa độc đáo

“Nơi giao lưu của các dòng sông như ngã ba Tuần, ngã ba Sình xưa kia là điểm tụ, trao đổi hàng hóa sản vật giữa các vùng miền, kể cả các hoạt động trong lĩnh vực chính trị, quân sự… Từ sự giao lưu, trao đổi đó cũng hình thành nên vùng quần cư đông người sinh sống với các luồng văn hóa khác nhau thông qua sự tiếp nhận từ từ cái mới của những cư dân bản địa.”- Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, nhận định. Một trong những đặc sắc đó phải nói đến tranh làng Sình.

Từ ngã ba Sình, nhìn phía bên kia dòng Hương là cả một vùng đất trù phú với lễ hội vật Sình, tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên.

Nguyên liệu quan trọng làm nên tranh làng Sình là giấy dó cùng những chất liệu màu tự nhiên của cây cỏ, không lẫn bất kỳ hóa chất nào. Bởi thế nên tranh làng Sình rất “sạch”, xưa người dân dùng để thờ cúng rồi đốt đi. Dù kỹ thuật làm giấy thủ công, chiết xuất màu vẽ đến nay ít ai dùng đến do mất nhiều thời gian và công sức, nhưng cũng cho thấy bàn tay tài hoa của nghệ nhân xưa.

Thời trước, trước nhà cư dân làng Sình thường có những tấm lưới vuông với nhiều kích cỡ khác nhau. Những người thợ lấy vỏ cây bìa lời bỏ vào cối giã chắt lấy nước rồi trộn với bột giấy (chất liệu được làm từ cây dó), sau đó quét đều, tráng bằng lên từng vuông lưới. Hợp chất trên sẽ tạo ra giấy dó. Giấy dó được dùng sò điệp quét lên trên làm cho giấy vừa cứng, không bị thấm ở mặt sau khi tô màu và tạo ra sắc màu óng ánh cũng là nét đặc trưng của tranh dân gian làng Sình.

Chiều cuối năm, chợt nhớ câu thơ “Đi hết một dòng sông để ra biển lớn”. Chuyến xê dịch lên miền thượng du của tôi cũng để thấy hành trình “gian khổ” của dòng Hương Giang khi trải qua bao thác ghềnh để góp nên hạt phù sa cho biền bãi hạ nguồn…

Hà Nguyên
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose