Văn hóa Huế | Homepage

Làng nghề vào vụ Tết

🕔28.Jan 2016

Khói bếp um lên trên những nóc nhà, mùi thơm của mứt, bánh… tỏa khắp đầu làng cuối xóm. Những ngày này, các làng nghề truyền thống đang tất bật sản xuất hàng để kịp cung ứng cho thị trường.

Bánh tráng Lựu Bảo tăng công suất

Những làn khói trắng tỏa ra từ những bếp lửa đỏ rực, bao trùm cả một không gian. Bếp nhà nào cũng đỏ lửa từ sáng cho tới tối khuya, bánh tráng phơi đầy sân. Hơn 30 lò bánh trong làng Lựu Bảo (Hương Hồ, Hương Trà) đang hoạt động hết công suất để kịp giao hàng cho khách.

Mùa Tết tất cả các lò bánh trong làng Lựu Bảo đều hoạt động hết công suất

Ông Thạnh (52 tuổi) không biết nghề làm bánh tráng truyền thống của làng có từ bao giờ, nhưng chỉ riêng nhà ông đã có bốn đời theo nghề này. Ông Thạnh bộc bạch: “Chỉ sợ mình không có sức mà làm thôi, chứ làm ra bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Ngày thường, làm khoảng 50kg gạo, dịp giáp Tết làm 70-80kg gạo cũng không đủ bánh cung cấp cho nhu cầu thị trường”

Bên bếp lửa, chị Võ Na (40 tuổi) thoăn thoắt tráng bánh, vớt bánh. Cả gia đình bốn người đều tay, mỗi người mỗi việc, không khí hết sức khẩn trương. Luôn tay chụm lửa cho thật đều, thêm nước, thêm củi rồi sấy bánh ở lò than, anh Hoàng (chồng chị Na) cho hay: “Từ đầu tháng 11 âm lịch đã phải chuẩn bị sẵn củi, vì từ đầu tháng chạp là bếp đỏ lửa từ 4 giờ sáng, gần 9 giờ tối mới nghỉ. Trời nắng thì đưa bánh ra sân phơi, trời mưa phải mất thêm công đoạn sấy bánh. Bánh làm ngày nào là giao cho các mối buôn ngày đó. Tuy vất vả, chẳng có thời gian nghỉ ngơi nhưng thu nhập từ nghề này cũng khá nên nhà nào cũng ráng làm kiếm thêm đồng vô đồng ra”.

Trời đã chập choạng tối, nhưng tại lò bánh của dì Lệ (50 tuổi) hai bếp vẫn hoạt động hết công suất. Theo dì Lệ, nghề làm bánh lấy công làm lãi là chính, thường thì 100 cái bánh lãi khoảng 20-30 ngàn đồng. Nếu chịu khó một ngày thu nhập 300-400 ngàn đồng là chuyện bình thường.  Tất cả hộ làm bánh trong làng đều tìm được đầu ra ổn định nên có việc làm quanh năm.

Bánh tráng Lựu Bảo có mặt ở nhiều tỉnh miền Trung, một số hộ gia đình có mối hàng sản xuất bánh làm kẹo cu đơ  gửi ra tận Hà Tĩnh. Bác Trần Văn Ba, hơn 30 năm theo nghiệp làm bánh cho biết: “Bánh tráng Lựu Bảo được ưa chuộng vì tất cả các hộ làm bánh đều sản xuất bánh bằng loại gạo dẻo thơm và không pha bột mì. Mỗi ngày, trung bình mỗi lò sản xuất 1.000 chiếc bánh. Riêng tháng Chạp, sản lượng tăng gấp đôi có khi gấp ba”.

Mứt gừng, bánh in Kim Long vào vụ

Nếu bánh tráng là món ăn luôn có mặt trong thực đơn bữa ăn ngày tết thì mứt gừng là món được nhiều người lựa chọn để tiếp khách. Nói đến mứt gừng phải kể đến mứt gừng Kim Long ngon nức tiếng. Mứt gừng Kim Long vốn thơm, cay hơn mứt các vùng vì được chế biến từ củ gừng Tuần, vùng đất đồi pha sỏi phía tây bắc TP Huế. Chị Nguyễn Thị Nguyệt (chủ cơ sở sản xuất gừng lớn nhất tại Kim Long) cho hay: “Đến tháng chạp, gừng vừa độ, không quá non và quá già, được thu hoạch để chế biến mứt. Đặc biệt, gừng được làm trắng bằng nguyên liệu tự nhiên như chanh và quất, không dùng phẩm màu, không chất bảo quản. Tất cả các đoạn từ cạo vỏ, luộc gừng, đãi sạch, ngào đường, đóng gói đều làm thủ công”. Ông Trương Đình Thử (70 tuổi, ở đường Phạm Thị Liên) cho biết, đây là nghề truyền thống mấy đời của gia đình ông. Hằng năm, cứ đến tháng chạp là cả nhà tất bật chuẩn bị vào vụ làm mứt tết. Năm nào ông cũng thuê thêm 10 nhân công mới làm kịp tiến độ. Ông cho biết thêm, hiện ở Kim Long có khoảng 10 cơ sở sản xuất mứt gừng với quy mô khoảng 3-4 tấn mỗi vụ tết.

Không chỉ nổi tiếng với mứt gừng, Kim Long còn biết đến với thương hiệu bánh in “tiến vua”. Cho đến nay, nghề  làm bánh in ở đây đã trải qua mấy trăm năm. So với trước, bánh in Kim Long đã có thêm nhiều hình dáng khác nhau rất bắt mắt như: bánh tháp, bánh hạt sen, bánh ngũ sắc… nguyên liệu chủ đạo là đậu xanh và đường. Đang khẩn trương chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để giao hàng cho khách chị Vân (30 tuổi, đường Lý Nam Đế) tâm sự: “Gia đình chị vẫn sản xuất bánh in quanh năm để nhập cho các mối quen, riêng đến vụ Tết thì sản lượng tăng gấp ba. Với số lượng đơn đặt hàng nhiều, phải làm việc cật lực cho tới giáp tết nhưng đổi lại thu nhập từ công việc làm bánh cũng đủ để lo cho cái Tết sung túc, ấm cúng”.

Tuy công nghệ làm bánh tráng, mứt gừng… bằng máy ngày càng phát triển, nhưng với những ưu thế riêng những món ăn truyền thống này vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Những người làm nghề vẫn tiếp tục truyền nghề cho những thế hệ sau với hy vọng, nghề truyền thống của ông cha được giữ gìn và ngày càng phát triển.

Trần Thanh Thảo
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

“Cụ” xà cừ 100 năm ở Huế được giữ “sinh mạng’ nay đã lên mầm xanh

“Cụ” xà cừ 100 năm ở Huế được giữ “sinh mạng’ nay đã lên mầm xanh

Mầm xanh đã hồi sinh trên cổ thụ được trồng lại sau khi bị bão

Xây dựng Huế là điểm đến hạnh phúc

Xây dựng Huế là điểm đến hạnh phúc

Huế đang được cộng đồng du lịch đánh giá là điểm đến để tìm kiếm

Chân dung bếp trưởng mang ẩm thực Huế ra thế giới

Chân dung bếp trưởng mang ẩm thực Huế ra thế giới

Là một trong số những đầu bếp sẽ tham dự Ngày ẩm thực Việt Nam

Du lịch trên những tuyến sông vẫn còn để ngỏ

Du lịch trên những tuyến sông vẫn còn để ngỏ

Chiều đó, khi nhìn những chiếc tàu ngược xuôi với mật độ khá dày đặc

Huế vận động tháo dỡ hàng rào trên đường Lê Lợi dọc sông Hương

Huế vận động tháo dỡ hàng rào trên đường Lê Lợi dọc sông Hương

Đường Lê Lợi dọc sông Hương được mệnh danh là "Phố bảo tàng" và  chính

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose