Văn hóa Huế | Homepage

Mấy chợ đượm chất Huế xưa

🕔17.Jan 2016
Ở Thừa Thiên – Huế vẫn còn mấy chợ lưu giữ những nét văn hóa xưa của chốn Thần kinh.
Hội bài chòi tại làng Thanh Thủy Chánh. Người hô thai đang rao những câu vè để các người chơi đoán. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn.
Hội bài chòi tại làng Thanh Thủy Chánh. Người hô thai đang rao những câu vè để các người chơi đoán. 

Thừa Thiên – Huế là Thủ phủ của Ðàng Trong, kinh đô của Tây Sơn và kinh đô của nhà Nguyễn. Do quá trình đô thị hóa rất mạnh và chịu nhiều ảnh hưởng của Hoa Kiều, Huế phát triển chợ theo dạng phố chợ chứ không phải là chợ làng.

Bên cạnh đó, vì vị thế trung tâm nên sản vật, nhân tài vật lực khắp nơi phải cung ứng đầy đủ cho vùng đất này, Huế không có tình trạng thiếu thốn hàng hóa như các địa phương khác mà thường rất dư thừa. Ðặc biệt, lúa gạo Gia Ðịnh phải chở về Huế và thợ thủ công giỏi đều tập trung về kinh sư.

Chợ Ðông Ba đem ra ngoài giại

Mấy chợ đượm chất Huế xưa - ảnh 1Chợ Ðông Ba hình thành từ năm 1899, dưới thời Thành Thái, từng mang tên Quy Giả Thị, nghĩa là chợ cho những người trở về.

Chợ Ðông Ba hình thành từ năm 1899, dưới thời Thành Thái. Ðến nay, chợ vừa đúng 115 năm.Trước khi có Chợ Ðông Ba, bên ngoài Cửa Chánh Ðông (tức Cửa Ðông Ba theo cách gọi dân gian) dưới thời Gia Long có một chợ lớn mang tên Quy Giả Thị, nghĩa là chợ cho những người trở về.

Tên chợ đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân Nhà Nguyễn khi đánh thắng Nhà Tây Sơn. Năm 1885, kinh đô thất thủ, Quy Giả Thị bị Thực dân Pháp đốt sạch.

Năm 1887, Vua Ðồng Khánh cho xây dựng lại và đổi tên thành Ðông Ba Thị hay Chợ Ðông Ba. Ðến năm 1899, trong công cuộc chỉnh trang đô thị theo phong cách phương tây, Vua Thành Thái chuyển Chợ Ðông Ba ra địa điểm ngày nay. Ðình chợ cũ trở thành Trường Pháp – Việt Ðông Ba. Bởi thế mới có câu: “Chợ Ðông Ba đem ra ngoài giại”.

Chợ Ðông Ba thời Thành Thái gồm có bốn dãy quán tiền- hậu-hữu-tả (trước, sau, phải, trái). Mặt trước một dãy tám gian. Mặt sau một dãy 12 gian. Dãy phía tay phải 13 gian đều lợp ngói.

Giữa chợ có một toà lầu vuông ba tầng. Tầng dưới có bốn bức tường, mỗi tường có hai cửa. Tầng trên bốn mặt đều có cửa và mặt đồng hồ để điểm giờ khắc.

Trong chợ xây một giếng đá, có hệ thống máy giúp cho việc múc nước. Khi cần lấy nước dùng tay quay máy và nước trong giếng sẽ tràn lên, phun ra.

Ðầu thế kỷ XX, Ðông Ba được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn giữ cốt cách cũ. Ðến năm 1967, chợ bị triệt hạ và xây lại chợ mới. Công trình đang dang dở thì bị bom Mỹ trong chiến dịch Huế Xuân Mậu Thân (1968) bắn phá tan tành. Sau đó, chính quyền Sài Gòn cho sửa chữa tạm để buôn bán.

Ðến năm 1987, chợ Ðông Ba được đại trùng tu. Ngoài lầu chuông ở trung tâm, Chợ Ðông Ba mới có chín dãy nhà bao quanh cùng bốn khu hàng mới như chợ cá, khu hàng tự sản, tự tiêu, khu hàng dịch vụ.

Ngày nay, chợ bắt đầu từ múi Cầu Tràng Tiền đến Cầu Gia Hội, một mặt là Phố Trần Hưng Ðạo, mặt sau là Sông Hương.

Phiên chợ Gia Lạc độc đáo

Mấy chợ đượm chất Huế xưa - ảnh 2
Chợ Gia Lạc do Ðịnh Viễn Công Nguyễn Phước Bình, hoàng nam thứ tư của Gia Long, lập nên từ thời Minh Mạng (1820-1840), lúc đầu chủ yếu phục vụ gia nô trong phủ đệ chứ không phải là do nhu cầu của bá tánh. 
Ở Thừa Thiên – Huế còn có phiên chợ Gia Lạc ở ở Xã Phú Thượng, Huyện Phú Vang, cách trung tâm Thành phố Huế chừng 3 km.

Chợ này do Ðịnh Viễn Công Nguyễn Phước Bình, hoàng nam thứ tư của Gia Long, lập nên từ thời Minh Mạng (1820-1840).

Nguyên nhân họp chợ cũng xuất phát từ ý muốn cá nhân vị hoàng thân này, lúc đầu chủ yếu phục vụ gia nô trong phủ đệ chứ không phải là do nhu cầu của bá tánh.

Phiên chợ đầu tiên lập ra đầu tiên là vào Tết Nguyên đán năm Bình Tuất (1826). Sau thấy vui, dân quanh vùng cũng đến mua bán, rồi bày ra các trò chơi dân gian. Chợ cũng chỉ họp trong ba ngày tết.

Thứ hàng quan trọng nhất là cau trầu. Trầu ở Chợ Gia Lạc là trầu hương rất thơm, lá lục. Cau ở chợ là cau Làng Nam Phổ, nổi tiếng ngon ngọt ở xứ Huế. Cau trầu ở đây được người Huế đặc biệt chuộng dù giá cao hơn cau trầu vùng khác.

Vì thế, người Huế có câu “Cau Nam Phổ mỗi trái mỗi giác. Trầu chợ Dinh mỗi lá mỗi tiền”.

Trong Phủ biên Tạp lục, Lê Qúy Ðôn mô tả về người Ðàng Trong thế Kỷ thứ XVII, nhất là vùng thủ phủ các chúa như sau: “Quan viên lớn nhỏ không ai là không có nhà cửa chạm gọt, tường vách, gạch đá, the màn, trướng đoạn, đồ đạc đồng thau, bàn ghế gỗ đàn, gỗ trắc, chén mâm đồ sứ, đò hoa, yên cương vàng bạc, y phục gấm vóc, chiếu đệm mây hoa, phú quý phong lưu đua nhau khoe đẹp.

Những sắc nụa ở dân gian cũng mặc áo đoạn hoa, bát ty và áo sa, lương địa làm đồ mặc ra vào thường, lấy áo vải mộc làm hổ thẹn. Binh sĩ đều ngồi chiếu mây, dựa hoa, tựa quả, ôm lò hương cổ, om chè hảo hạng, ống chén sứ bịt bạc và nhổ ống ngổ thau… Ðàn bà con gái thì mặc hàng the, hàng hoa, hàng thêu hoa cổ tròn”.

Chợ quê có bài chòi

Từ cầu ngói Thanh Toàn nhìn sang phía bên kia con hói Thanh Thủy, một chợ quê.

Ðó chính là chợ của Làng Thanh Thủy Chánh, Xã Thủy Thanh, Huyện Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế. Thường là vào 10 ngày Tết Âm lịch và các kỳ Liên hoan Huế, lễ hội bài chòi lại được tổ chức tại chợ này.

Vào khoảng thời gian đó, dân chúng tụ tập quanh những cái chòi tranh nhỏ nhắn. Gọi là bài chòi bởi người chơi ngồi trong các chòi bằng cỏ tranh và tre. Mỗi hội bài chòi gồm có 11 chòi, năm chòi đặt hai bên, một chòi ở giữa, còn phía trên là bàn điều khiển.

Mỗi hội bài chòi được chia thành chín cờ, mỗi cờ là một ván, khi kết thúc cờ được cắm cho một chòi thắng trong ván đó. Nét độc đáo của hội bài chòi là những câu rao để đánh đố người chơi về các con bài.

Ðiểm thú vị của hội bài chòi chợ quê cạnh Cầu ngói Thanh Toàn là người chơi không phải đến để ăn thua vì số tiền cược rất nhỏ. Các bạn trẻ yêu nhau có thể ngồi chung một chòi để cùng giúp nhau giải mã các câu rao của người hô thai (người rao) khiến tình cảm càng được vun đắp, mặn nồng.

Nguyễn Văn Toàn
(Theo Tiền phong)

Similar Articles

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose