Văn hóa Huế | Homepage

Mùa xuân là để nhớ nhau

🕔07.Feb 2016
“Chào nguyên xuân” là tên một bài thơ của thi sĩ Bùi Giáng. Di sản thơ ông để lại cho đời được những người yêu mến ông sưu tập lại và cho in năm 2011 được 82 bài. Thực tế chắc chắn sẽ nhiều hơn nhưng đọc cho “thấu” hết 82 bài thơ của ông là một điều không dễ dàng gì. Chỉ cảm được rằng đi trong thế giới thơ của ông, ta như đang rong chơi ở một miền trong trẻo, trong mênh mông bao la của đất trời, vũ trụ. Mỗi khuôn mặt người đều mang nét trẻ thơ: hồn nhiên cười đùa, chạy nhảy , nghịch ngợm. Những khuôn mặt của một đời sống tinh thần đã đạt đến độ thấu hiểu: hiểu quy luật cuộc sống nên đón nhận cuộc sống với tất cả niềm vui, không lo âu, không băn khoăn, đau khổ…Nói như nhà Phật là “ chấp nhận” để sống hạnh phúc trong hiện tại. Và với Bùi Giáng thì ông cho qua tất cả, ông ngó lơ tất cả, để vui. Thế thôi.
Nhưng đó là cái vui của một học giả ở bậc thượng thừa. Ngay trong lời chào “chào nguyên xuân” cũng đã bao hàm cả một sự tuần hoàn vô thủy vô chung của đất trời. Và con người hiện lên, là một nét xanh giữa bạt ngàn xanh của thiên nhiên, của cây cỏ. Một lời chào dài miên man và sâu thăm thẳm:

“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng”
( Chào nguyên xuân)

Trong vô thủy vô chung của đất trời, cuộc đời con người xuất hiện chỉ dài bằng một sát na. Giữa thế giới bao la hỗn độn ấy, nếu được gặp nhau là một điều vô cùng hiếm và may mắn nên hãy chào nhau đi, hãy mỉm cười với nhau đi vì đâu dễ được gặp lại nhau. Hãy nắm lấy phút giây hiện tại:

“ Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống bao la
Bên bờ nước có bóng ta bên người…”
( Chào nguyên xuân)
Cho nên hãy chào nhau bằng lời chân thật, bằng lời của trái tim :
“ Xin lời nói ở trên môi
Là lời ở lại bên đời quên nhau
… linh hồn ấy xin kham
Lời sai trên miệng sẽ không là lời”
( Lời xuân)

Bởi lẽ mùa xuân đẹp quá, dưới chân trời “ mặt đất mở thênh thang”, nên hãy chạy chơi và hãy để lại trên mặt đất này hai hàng gót ngọc:

“ Nắng Nguyên đán lục lam hay hồng đỏ
Tía vi vu hồng lục cũng bao hàm
Chạy đi em! Sương gió nắng thênh thang
Trời đất đẹp từ bình minh vũ trụ
Nắng Nguyên đán của nguyên xuân đầy đủ”
( Nắng Nguyên đán)


Ảnh: internet

Người ta bảo Bùi Giáng là “ Thi sĩ kỳ dị”. Có lẽ nên hiểu chữ mà mọi người đặt cho ông là “lạ”, ông là “thi sĩ lạ”, thế thôi. Ông có những câu thơ, bài thơ, chữ thơ rất lạ. Lạ đến độ, đọc xong chỉ biết cúi đầu thán phục như ta đứng trước biển, trước núi, trước một cánh hoa dại mong manh, chỉ biết cúi đầu:  sao tạo hóa khéo sinh những điều lớn lao, sâu thẳm haybé nhỏ mà có sức lay động tâm can con người đến vậy? Nó lạ như Bùi Giáng có bài thơ hai câu rất nổi tiếng về Huế :

“ Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”.
( Dạ thưa xứ Huế bây giờ)

Nó cũng lạ như Bùi Giáng đang dẫn ta rong chơi giữa mùa xuân sơ khai, chỉ có cỏ cây, đất trời và lòng người thánh thiện, bất ngờ, ông dừng lại, đưa ta đến với cõi thực:

“ Những nhành mai sớm sương bên lá
Những nhành liễu chiều gió bên cây
Cũng lay lắt bởi đời xuân em ạ
Thế nên chi anh cũng viết giòng này”
( Những nhành mai)

Cho nên, đừng nghĩ rằng sau ánh mắt trong trẻo, những câu thơ không che dấu nổi nụ cười nghịch ngợm đùa chơi trong cõi tạm của ông, là hết. Nếu chỉ có như thế thì Bùi Giáng “ quá xa” chúng ta. Ông rất gần và rất thật:

“ Vì ngọc trắng cát lầm thu xiêu lệch
Gió băng trời xin thổi bụi bay theo
Ngàn xuân vô ngần trong bóng nguyệt
Đầu xanh em tư lự suối thông đèo”
( Màu xuân)

Ông cũng rất dân gian. Hãy ngắm ông trong hình ảnh chàng trai trẻ với “ Xuân thôn nữ”:

“ Gà mô mấp mé bãi cồn
Lá lơ thơ xuống bên tồn sinh bay
Mép rìa vòm cỏ hoa phai
Con chim mùa cũ hẹn ngày giờ sang
…. Em người thôn nữ bờ mương
Ngồi nhìn cá nhảy lên vườn như chim
Ta người viễn khách đưa tin
Bỗng đờ đẫn đứng chợt nhìn nhận ra”

Sinh thời, Bùi Giáng từng viết “ Đi vào cõi thơ theo lối ngẫu nhiên tao ngộ. Cơ duyên sẽ dun dủi… chẳng nên gò ép cưỡng cầu”. Trước thềm năm mới, chúng ta cũng vừa đi vào vườn thơ xuân của Bùi Giáng như là một cơ duyên, một sự dun dủi. Không gò ép, cưỡng cầu nhưng đã cùng nhau đi đến giây phút này thì :

“  Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng: những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau”
Xin hãy nhớ nhau! Đời này đâu dễ gặp nhau./.

Diệu Hà
(Theo TRT)

Similar Articles

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose