Văn hóa Huế | Homepage

Những cỗ bài dân dã

🕔07.Feb 2016
Bài Tổ Tôm và bài Tam Cúc khi xưa được nhiều người ưa chuộng, chơi lúc rảnh rỗi sau khi thu hoạch lúa xong. Nhất là mỗi dịp Tết được nhiều người chơi nhất vì mang lại không khí vui vẻ sau những ngày lao động vất vả. Không biết tự bao giờ mà bài Tổ Tôm và Tam Cúc lại được dân gian ưa chuộng như vậy.
Ở xã Hương Phong có ông Nguyễn Khôi, 69 tuổi là người am hiểu về những loại bài này. “Bài Tổ Tôm rất khó nhớ, trong khi Tam Cúc chỉ có 32 quân chia là 2 loại đỏ – đen và dễ gọi tên lá bài hơn nhiều thì Tổ Tôm lại có đến 120 quân chia làm 30 loại với 3 hàng Vạn, Văn, Sách. Các hàng quân này được viết bằng chữ Nho và cách nhận biết 3 hàng quân này theo câu “Vạn vuông, Văn chéo, Sách loằng ngoằng”, bên phải các quân bài có chữ số từ Nhất đến Cửu. Loại quân đặc biệt có tên gọi là Thang Thang, Lão và Chi Chi. Các quân bài đều có hình minh họa, có thể ghi nhớ bằng hình nếu như không thuộc được hết chữ Nho. Bài Tổ Tôm được làm bằng bìa hình chữ nhật dài, nhỏ”, ông Khôi chia sẻ.


Ông Nguyễn Khôi bên bộ bài Tổ Tôm của mình

“Chơi Tổ Tôm dành cho người lớn tuổi, bởi có biết chữ Nho. Chơi mà biết chữ Nho là sướng lắm, vừa đánh vừa hô khiến cho không khí sôi nổi và náo nhiệt. Tuy nhiên, có người phải mất 1 năm mới nhớ được chữ Nho, không thì nhờ vào hình vẽ để chơi. Nếu nhanh thì cũng phải mất 7 – 8 tháng để ghi nhớ mặt chữ”, ông Khôi cho biết thêm.

Cũng theo ông Khôi thì Tổ Tôm có hai hình thức chơi, đó là: chơi Thất kiệu (2 người) và Ngũ kiệu (3 người). Tùy theo người chơi mà  mỗi ván chơi nhanh là 10 phút, chậm thì mất 30 phút.

Cách chơi của Tổ Tôm cũng khá phức tạp, chúng tôi phải được ông Khôi hướng dẫn kỹ mới hiểu sơ qua. “Bài Tổ Tôm có vô số hàng, trong đó nếu xếp được hàng Kiệu, đủ 5 loại (mỗi loại 3 lá bài) này thì thắng cả ván bài: Nhất văn, Nhị văn, Tam văn; Nhất vạn, Nhất sách, Cửu văn; Thang Thang sách, Lão sách, Cửu sách; Bằng văn, Cửu vạn, Bát sách; Bát văn, Nhì vạn, Nhì sách. Hàng Suốt cũng được người chơi cố gắng xếp được 9 lá: Nhất văn đến Cửu văn (23 điểm),… Cách chơi phức tạp và lắm công phu, đòi hỏi tính toán kỹ”, ông Khôi chia sẻ.

Bài Tam Cúc thì lại khác, đây là bài mà trẻ con và phụ nữ thích chơi vì luật khá đơn giản. Theo tìm hiểu, phụ nữ và trẻ con thích chơi Tam Cúc nhiều hơn vì ít quân bài, dễ nhớ, đàn ông đa phần thích chơi Tổ Tôm hơn.

Ông Khôi cho chúng tôi biết bộ bài Tam Cúc có 32 lá bài gồm hai loại quân là quân đỏ và quân đen. “Mỗi loại gồm các quân tướng (vẽ hình vị tướng có gắn cờ sau lưng), sĩ (vẽ hình ông quan đội mũ cánh chuồn), tượng (vẽ hình con voi), xe (vẽ hình cỗ xe), pháo (vẽ hình khẩu súng thần công), mã (vẽ hình con ngựa), tốt (vẽ hình người lính)”, ông nói.

“Hình vẽ quân đều giống nhau, phân biệt quân bài đỏ hay đen qua các dấu đỏ tròn in lên chữ hai đầu quân đỏ. Các lá bài cùng tên có giá trị đỏ lớn hơn đen. Mỗi loại bao gồm các ký hiệu được phân định lớn nhỏ như sau: Tướng > Sĩ > Tượng > Xe > Pháo > Mã > Tốt. Trừ quân Tướng chỉ có 1 lá và quân Tốt có 5 lá, các quân khác đều có 2 lá mỗi loại”, ông Khôi giảng giải để chúng tôi hiểu.

Quân bài Tướng đỏ được gọi là Tướng ông hoặc Tướng điều, quân bài Tướng đen được gọi là Tướng bà. Hai Sĩ đỏ được gọi là Sĩ điều, hai Sĩ đen được gọi là Sĩ thâm,… các quân khác đều gọi theo tên kèm màu sắc của loại quân. Tên gọi và số lượng các quân bài khá giống với các quân trong cờ Tướng.

Được biết, bài Tam Cúc có thể chơi từ 2 đến 4 người: Nếu chơi 2 người thì mỗi người được chia 16 lá. Hai bên biết bài của nhau. Nếu chơi 3 người thì mỗi người được chia 9 lá, bỏ đi 5 lá (Tướng ông, Tướng bà, Sĩ đen, Sĩ đỏ, Tốt đen). Và chơi 4 người thì mỗi người được chia 8 lá.


Cỗ bài Tam Cúc (ảnh: Internet)

“Lá bài Tam Cúc cũng làm bằng bìa mỏng, hình chữ nhật dài và hẹp, ở trên có ghi các tên bài bằng chữ Hán và có hình vẽ minh họa. Mặt sau thì giống hệt nhau cho cả 32 lá bài. Bài Tam Cúc khá dễ nhớ, dù người không hiểu hết chữ viết trên lá bài vẫn có thể dễ dàng nhận ra quân bài bằng các hình vẽ đơn giản. Luật chơi bài Tam Cúc đơn giản: quân to hơn được chặt quân bé hơn. Ví dụ: quân đen yếu hơn quân đỏ, Sĩ mạnh hơn Tượng,… Đáng tiếc bộ bài Tam Cúc đứa cháu lấy chơi rồi để đâu không biết”, ông Khôi tiếc rẻ nói.

Bộ bài Tam Cúc khá giống với bộ bài Tổ Tôm, nhiều người nhầm lẫn quân bài Tam Cúc và quân bài Tổ Tôm là một. Những người đàn ông thích chơi Tổ Tôm bởi thể hiện sự tính toán, trí nhớ tốt.

Hiện tại, những bộ bài Tổ Tôm và bài Tam Cúc chỉ còn trong kí ức của những người già, lớp trẻ chúng tôi có thấy cũng khó lòng mà chơi thành thạo được. “Giờ chỉ để ngắm thôi, chứ chơi thì ít lắm. Mấy ông già thỉnh thoảng gặp nhau làm vài ván Tổ Tôm giải khuây, còn Tam Cúc thì trẻ con không ai chơi nữa”, ông Khôi tâm sự. Thú vui dân dã này hiện đang dần bị quên lãng, đó là điều mà những người già như ông Khôi tiếc nuối.

Xuân Đạt
(Theo TRT)

 

Similar Articles

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Trả lời cho câu hỏi này của tôi, nhiều chủ vườn có nhãn ở Kim

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose