Văn hóa Huế | Homepage

Buồn vui xóm quạt Buồn vui xóm quạt

🕔04.Jun 2016
Xóm lồng đèn, xóm vàng mã, xóm quạt,… mỗi một thời điểm người dân xóm Chùa (Tổ 2, KV 2, Phường Phú Hậu, TP Huế) lại chọn cho mình một nghề chính. Đến bây giờ, trong số những mặt hàng thủ công ấy, chiếc quạt giấy, dù có rẻ đến đâu, vẫn là kế sinh nhai của nhiều người.
Chúng tôi đến xóm chùa sau một trận mưa giông đầu hạ. Cái nắng oi, bức bối mấy ngày trước, giờ cũng dịu hẳn. Khác với gần chục năm trước, khi chiếc quạt giấy được chào đón như một vật dụng không thể thiếu trong các gia đình; thì bây giờ, cũng con hẻm này, những ngôi nhà này, nhưng cái không nhịp, hối hả giờ đã không còn nữa…

Hiện tại, người thợ theo nghề quạt giấy ở xóm Chùa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài những người già, người tàn tật, đau ốm… thì không ai còn muốn duyên nợ với nghề. Mệ Trần Thị Nguyệt (74 tuổi) là thợ làm quạt lớn tuổi nhất xóm này. Mệ cho biết: “Nhà chừ chỉ còn hai mệ cháu, mệ già rồi mà cháu nó còn nhỏ, phải đi học. Không làm quạt thì biết làm chi ăn. Nó một buổi đi học, còn lại ở nhà phụ mệ chẻ tre, bện thép. Hai mệ cháu túc tắc cả ngày may ra mới cũng đủ tiền đong gạo”.

Kế bên mệ Nguyệt là nhà Bà Nguyễn Thị Tâm, cũng là một thợ làm quạt chuyên nghiệp ở xóm Chùa. Bà Tâm bị bại liệt từ nhỏ. Một chân teo quắt, không cử động được nên cũng theo nghề quạt với bà con trong xóm. “Mặc dù chiếc quạt giấy không còn thịnh hành, nhưng với những người già, người tàn tật như chúng tôi thì vẫn còn “duyên nợ” lắm, giúp chúng tôi gắn kết với nhau hơn. Khi buồn cả xóm tập trung lại với nhau, vừa làm quạt vừa chuyện trò. Nhiều lúc làm thâu đêm mà không biết mệt”, Bà Tâm chia sẻ.

Suốt một buổi mải miết theo những người thợ, chúng tôi được chứng kiến quy trình ra đời của một chiếc quạt giấy. Tưởng đơn giản nhưng tính đầy đủ có khoảng 9 công đoạn khác nhau. Đầu tiên là phải chọn tre, thường thì mình mua tre của mấy người làm nón, phần giữa và ngọn họ lấy làm vành, còn phần gốc tre mình mua về đan quạt. Tre muốn để dùng lâu phải ngâm nước, xong cưa theo từng ống, dài chừng 30cm. Mỗi ông tren chẻ được 7 – 8 thanh to. Mỗi thanh lại chẻ tiếp ra thành 14 – 15 nhánh. Tiếp đến là dùng sợi thép bện các nhánh để thành sườn quạt. Công đoạn cuối cùng là phất giấy và đem phơi.

hời tiết bây giờ ít nhiều cũng ảnh hưởng đến nghề. Mới đầu mùa khi trời nắng nóng, khách sỉ trả giá một chiếc quạt là 1.200 đồng, bây giờ mới mấy ngày mưa giông, giá quạt chỉ còn lại 900 đồng. Khách sỉ “lơ” hàng nên tranh thủ nhưng ngày nắng gắt, mệ Nguyệt lại vác đôi quang gánh đi bán quạt rong. “Dù lâu hay mau thì quạt giấy cũng để trong vài tháng, không để lâu được; tre mục, giấy mốc. Nếu bán không hết thì cũng tìm cách bán tháo bán đổ, chứ để lâu hư hỏng coi như mất cả vốn lẫn công”, Mệ Nguyệt nói.

Quạt ế, Bác Trần Văn Bảy, cách mệ Nguyệt bốn nhà, cũng vừa về không vì không bán được hàng. Những năm trước, cứ ba ngày làm, một ngày bán, quạt làm ra không đủ cho khách lấy sỉ, giờ thì ít người mua, giá rẻ nên cứ cách một ngày, bác lại chở hàng về các làng quê chào bán. Bác Bảy cho biết, làm ra cái quạt đã khó, đi bán quạt càng khó hơn. Ở thành phố nhà nào nhà nấy phương tiện máy móc đầy đủ, chỉ về quê mới bán được. Mà phải đi xa lắm, nhiều lúc ra tới Phong Điền. Với lại, đi bán lẻ như ri hơi vất vả tý nhưng được giá, ngày mô may mắn cũng kiếm được vài trăm ngàn”.

Chia tay xóm quạt, nhưng âm thanh xoèn xoẹt đều đặn theo tay người thợ phết, phất cứ xa dần. Những hàng quạt ẩm ướt, ủ mùi hồ bột đang chờ được hong nắng sau mấy ngày liên tiếp mưa giông. Chúng tôi lại thấy ấm lòng, bởi dù có rẻ rúng đến đâu, chiếc quạt giấy vẫn là kế sinh nhai của nhiều người.

Lê Hà
(Theo TRT)

Similar Articles

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Trả lời cho câu hỏi này của tôi, nhiều chủ vườn có nhãn ở Kim

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose