Văn hóa Huế | Homepage

Nhà có 6 xe mì gõ

🕔11.Jun 2016

Con hẻm 128 (tổ 16, đường Nguyễn Chí Thanh, phường Phú Hiệp, TP. Huế) bề ngang chừng già hai làn xe, càng vào sâu hun hút con hẻm càng nhỏ, cũng chẳng biết dẫn ra đường cái quan nào. Nơi này, có khoảng chục hộ chuyên làm nghề kinh doanh hàng ăn uống trên xe đẩy, đặc biệt có gia đình 6 anh chị em đều mưu sinh bằng xe mì gõ.

Sáng tinh mơ. Bà Nguyễn Thị Nghiễm (66 tuổi) đưa chiếc xe đẩy từ trong nhà ra. Dưới hiên nhà, lỉnh kỉnh bao nhiêu thứ rau ngò. Bà bắc nồi nước lên lò củi dương ngồi thổi và đợi. Trời sương bắt lửa chậm, chút khói làm cho con hẻm vốn chật hẹp càng nhá nhem hơn. Ngoài đường lớn, tiếng còi xe bắt đầu inh ỏi, phố phường đã thức giấc. Anh Lê Cương- con trai bà Nghiễm tạt xe ngang nhà, vén màn thơm lên trán đứa con trai hai tuổi rồi ra ngõ đưa cho bà Nghiễm mấy ký xương bò để ninh nhừ, bắt đầu cho một ngày mưu sinh trên xe đẩy.

Bà Nghiễm chuẩn bị cho con trai bán mì, phở

Xóm mì, phở gõ được cư dân thành phố “biết tiếng” đến nhờ “kỹ nghệ” hầm xương, cho ra nước phở ngon, trong hơn các vùng khác. Bà Nghiễm bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng cái “lý lịch trích ngang” – gia đình mình gồm 6 người em, con, cháu của bà như sau: “Từ “ông cụ” nhà tôi, đến tôi là đời thứ hai theo nghề đẩy xe bán mì, phở gõ. Rồi cả các con Lê Nhật, Lê Cương, Lê Thị Yến; em trai Nguyễn Văn Tiêu; cháu gọi dì ruột Đặng Bá Sơn, Nguyễn Thị An đều theo “nghiệp” của gia đình”.

Ký ức tuổi thơ bà Nghiễm là những tháng ngày theo bố trên đôi quang gánh, rảo khắp phố phường bán mì, phở di động. Cũng chẳng nhớ thời gian nào bố bà Nghiễm về đây định cư, chỉ biết rằng, sau năm 1990, khi con phố chưa lấy gì sầm uất, gia đình bà Nghiễm đã có 6 người con theo nghiệp bán mì.

Ngồi canh nồi nước xương, bà Nghiễm bảo rằng, hồi theo “ông cụ” đi bán dạo khắp phố phường, bà nhớ mãi trên đôi quang gánh cái ánh đèn dầu leo lét. Chẳng có đồng hồ xem giờ, bố bà Nghiễm thường nhìn vào nồi nước phở mà đoán giờ cũng như biết hầm bao lâu để có những món phở ngon cho khách. Một đôi ngày, bà theo bố đi về miền biển để mót củi dương. Thứ củi cháy đượm, lâu nhưng ít khói. Giờ thì không đi kiếm củi nữa, chỉ cần ra đầu ngõ là có người bán rồi. Cũng nhờ gánh mì, phở ấy, ông cụ nuôi được cả đàn con khôn lớn.

Khi bố bà Nghiễm già đi, đôi quang gánh không còn theo con ra phố, bà Nghiễm sắm xe đẩy, “trao nghề” lại cho anh Cương. Mỗi chiếc xe đẩy sắm chừng 10 triệu đồng, là cả một “cửa hàng” di động với bao nhiêu đồ đạc từ bàn ghế, nồi niêu, củi, chén bát có thể chất lên xe. Những đứa con trai, con gái bà Nghiễm khi dựng vợ gả chồng, mưu sinh đủ thứ nghề cuối cùng cũng trở lại với chiếc xe mì gõ, mưu sinh khắp phố phường.

Ngồi bên cạnh, chị Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, con dâu bà Nghiễm góp chuyện: “Mình quê ở Phong Điền, về làm dâu ngót 16 năm cũng chừng ấy thời gian theo nghề bán mì, phở dạo của nhà chồng. Bí quyết của gia đình cũng “chẳng có gì to tát” cả. Mấy chục năm, 6 anh em bán phở lấy lòng khách bằng sự chân thành. Y như thời ông ngoại đi bán ấy”.

Đầu giờ chiều. Nồi xương hầm xem chừng đã tới, tranh thủ lúc con trai Lê Cương soạn bàn ghế, chén bát ra lau chùi, bà Nghiễm pha ấm chè, ngồi cho tụi nhỏ nhổ tóc bạc. Thỉnh thoảng, bà quay qua bảo con: “Đi chưa? Nhớ nêm cho đủ nhé!” Cũng đã lâu lắm rồi bà Nghiễm không đi đâu xa, có lẽ từ lúc bà giao lại “nghiệp xe đẩy” cho con cháu. “Phố phường bên bờ Nam chắc giờ sầm uất lắm”, bà Nghiễm buông câu nói bâng quơ.

Con hẻm 128 có 6 hộ gia đình anh em, mưu sinh trên xe đẩy

Bà kể rằng, trước lúc những người con của bà đẩy xe khỏi con hẻm, câu đầu tiên bà luôn nhắc là “nêm cho đủ nhé”. Bởi, với bà đó là kỷ niệm để hoàn thiện tay nghề. Một bác xích lô ghé “tiệm” phở di động, ăn xong bát phở liền góp ý: “Hôm ni nêm thiếu, non lửa nhé”. Quả đúng là bà nêm thiếu. “Khách hàng họ tinh và sành lắm. Món phở, mì nước gia đình tui được ưa chuộng là bởi có cách nêm riêng, xương ống phải tươi, được mua từ những lò mổ lúc sớm tinh mơ. Cứ công thức 5kg xương ống bò, heo là 10kg phở mới ngon”.

Đầu giờ chiều, lũ lượt đoàn xe 6 chiếc-6 anh em trong một gia đình tỏa đi các ngõ phố để bán. Như một sự “thỏa thuận ngầm”, xe nào chỗ nấy, phố xá trăm đường, cứ thế mà mưu sinh. Khách hàng cũng chủ yếu là khách quen, nên cứ mặc định sẵn giờ giấc, địa điểm, họ sẽ chờ sẵn để được mua hàng. Từ kiệt 128 đường Nguyễn Chí Thanh đến đường Huỳnh Thúc Kháng, một đoạn chừng 2km nhưng xe phở của anh Cương, chị Quỳnh dừng đến 4-5 trạm. Mang theo hành trình mưu sinh là tiếng “lốc cốc” đặc trưng mà dân thị thành hay gọi là mì gõ. Thứ thanh âm đều đều dù ở xa tít tắp trên những con phố, đã đi vào ký ức quen thuộc của bao người.

Chị Lê Thị Yến, tâm sự: “12 năm mình theo với nghề, kể cả khi về nhà chồng cũng “dụ” chồng đẩy xe bán phở. Sướng khổ có nhau, mùa nắng còn đỡ, mùa mưa ướt sũng cả tấm lưng nhưng nồi phở thì phải luôn giữ cho nóng. Giữ phở nóng cũng là giữ chân khách”. Ngồi hóng khách, nghe vợ kể chuyện nghề “sướng khổ có nhau”, anh Nguyễn Văn Tổ- chồng chị Yến cười tủm tỉm trông rất hạnh phúc.

Gọi là xe phở gõ nhưng các món ăn được phục vụ rất phong phú, bao gồm cả phở khô, nước, mì xào, hủ tiếu và món xương bò hầm hấp dẫn mà dân nhậu vẫn quen gọi là món xì goách. Không như bún hến, một thứ thức ăn bình dân được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tả có đến 15 thứ gia vị, thành phần của một tô mì, phở đẩy chỉ mỗi thứ một ít nhưng hòa quyện, lấy nước xương làm món chủ đạo. Giá cả thì quá bình dân. “Thường thì một tô mười lăm ngàn đồng, nhưng mà khách ưng mua bao nhiêu cũng được, 10 ngàn đồng mình cũng bán. Phở, mì không chỉ ngon mà luôn được chế biến hợp vệ sinh”, anh Cương chia sẻ.

Tầm 19-20 giờ tối, các xe đẩy không bán dạo nữa mà cố định ở những góc đường, phục vụ khách ăn đêm. Lúc này, chiếc xe đẩy đã trở thành một “gian hàng” thực sự với thứ ánh sáng lập lòe từ bình điện ắc quy. Ở đó, người đầu bếp trở thành tay bồi bàn bưng bê cho khách và kiêm luôn rửa dọn chén bát. Tiếng “lốc cốc” giờ không còn nữa mà thay vào đó là tiếng xì xào của hàng quán với đủ giọng 3 miền Bắc, Trung, Nam của những thực khách vãng lai ăn đêm sau một ngày lao động. Hành trình bán đêm mưu sinh chỉ dừng lại khi các “hàng quán” bán hết thức ăn. “Vất vả nhưng đủ cơm ngày ba bữa nuôi con. May mắn thì chừng 23 giờ đêm là hết. Nếu còn, phải bán ra tận rạng sáng. Dù buổi nào, xe vẫn không ế khách”, chị Yến nói pha lẫn chút niềm vui của một ngày mưu sinh mệt nhọc.

Con hẻm ân tình
Con hẻm 128, đường Nguyễn Chí Thanh, còn được “dân xe đẩy” gọi là “con hẻm ân tình”. Nơi này có khoảng 70 hộ dân, trong đó có gần phần nửa là những người chuyên kinh doanh hàng ăn uống. Sống mấy chục năm chưa bao giờ họ to tiếng với nhau. Bởi, sau một ngày mệt nhọc mưu sinh, trở về đã nhá nhem mặt người, câu chuyện của họ là sự sẻ chia nghề nghiệp, rủi may; của những miền quê xa hun hút với ước mơ của những phận người!

Hà Nguyên
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Trả lời cho câu hỏi này của tôi, nhiều chủ vườn có nhãn ở Kim

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose