Văn hóa Huế | Homepage

Bánh khoái cá kình làng Chuồn

🕔10.Jul 2016
Làng Chuồn thuộc xã Phú An (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), nằm cách trung tâm TP Huế 7 km. Làng Chuồn nằm ven đầm Chuồn, rất nổi tiếng về bánh tét, rượu và bánh khoái cá kình.
Cứ vào độ tháng 4 đến tháng 7 Âm lịch là mùa cá kình lại về. Cá kình là loại cá sinh sống ở đầm nước lợ. Hẹn mãi mới được cô bạn tôi (thổ địa ở làng Chuồn) dẫn về đây để được ăn món bánh khoái cá kình làng Chuồn trứ danh này.

Cá kình con to nhất chỉ bằng ba ngón tay, khi ăn cho thịt dai và mùi vị thơm ngọt. Để có được rổ cá kình ngon bán buổi sáng sớm thì thương lái phải dậy từ lúc 4 giờ sáng, chuẩn bị để 5 – 6 giờ đến đầm Chuồn thu mua khi các chủ ô cá mang vào bến.

“Dì buôn bán các loại cá ở đây từ năm mới 25 tuổi. Đầm này nổi tiếng với cá kình, cá dìa, cà đối,… Giá cả phải chăng, 130.000 đồng/kg cá dìa, 160.000 đồng/kg cá kình. Mỗi ngày lời được 100.000 đồng, đủ sống qua ngày. Mọi người thường mua cá kình nơi đây rồi đem lên chợ nhờ người đổ, gì chứ bánh khoái cá kình làng Chuồn có tiếng lâu rồi”, dì Trần Thị Ngoạn (65 tuổi) chia sẻ.


Cá kình đầm Chuồn

Trò chuyện với chú Nguyễn Ngọc (50 tuổi), chủ ô cá đang tất bật cùng vợ đem cá vào bến cho các thương lái. Chú vui vẻ cho biết: “ Mỗi ngày mình bắt đầu đi ra chòi các ô cá lúc 6 giờ tối. 6 giờ sáng thì đem cá vào bến để các thương lái đến mua. Mỗi ô là các loại cá như: cá dìa, cá kình, cá ong,… Làm nghề này hơn 15 năm, tuy vất vả nhưng đủ sống, ăn tiêu mỗi năm dư ra được 20 triệu đồng. Có vậy mới nuôi được 5 đứa con với vợ chồng mình.”

Món ăn này không bán sẵn nên mọi người muốn thưởng thức phải đi ra đầm Chuồn để mua cá kình vừa được người dân đánh bắt ở đầm lên rồi đem đến cho những người phụ nữ chuyên làm nghề đổ bánh khoái ở ven đầm hoặc ở chợ An Truyền để chế biến thành bánh.

Tạm biệt khung cảnh nhộn nhịp, đầy tiếng cười nói, ra giá các rổ cá ngoài bến, tôi ghé vào chợ làng Chuồn để thưởng thức món bánh khoái cá kình do cô bạn tôi tự tay làm. Quan sát thấy khi làm bánh khoái cá kình, cá để nguyên con, bởi ruột của loài cá này rất sạch, gan và mật rất béo, có tác dụng giúp người ăn ngủ ngon (cô bạn tôi nói vậy). Cá kình nguyên con sau khi rửa sạch được bỏ vào chảo đổ thành bánh rồi ăn với nước mắm ruốc và ớt tươi.

Cá kình kết hợp với bột làm bánh khoái nghiền từ thứ gạo cũng ở ruộng làng Chuồn thì không còn gì bằng. Loại gạo này được đem ngâm bốn đến năm tiếng đồng hồ mới đem xay thành bột. Nước mắm để ăn bánh khoái cá kình là mắm ruốc Thuận An hoặc nước mắm cá nục nguyên chất của làng Trài, làng Hà.

Chỉ với 3 thứ đơn giản kết hợp lại là: cá kình, bột và nước mắm ruốc nguyên chất đã làm nên tên tuổi bánh khoái cá kình của vùng quê dân dã đầm Chuồn.

“Nếu khách mua cá đến để nhờ đổ thì mỗi cái bánh tính giá 700 đồng, đó là tiền bột và nước mắm. Còn nếu không thì quán bán mỗi chiếc bánh khoái cá kình với giá 10.000 đồng”, cô bạn tôi “bật mí”.


Bánh khoái cá kình với chén mắm ruốc và ớt đặc trưng đầm Chuồn

Trong lúc chờ bánh chín, được nghe âm thanh xèo xèo của bột khi được đổ vào khuôn dầu nóng, mắt sẽ được thấy màu sắc của bánh, mũi ngửi được mùi thơm và cái miệng chuẩn bị sẵn sàng thưởng thức hương vị đặc biệt thơm ngon, quyến rũ của bánh khoái cá kình.

Bánh làm xong cái nào là ăn cái ấy, nóng nên phải vừa thổi vừa ăn. Thưởng thức món này phải vẻ cá bằng tay, ăn mới ngon và không bị mắc xương, lấy một miếng bột chín cuộn với từng miếng cá, chấm nước mắm ớt làng Chuồn. Mỗi chiếc bánh khoái có một đến hai con cá kình vàng rộm, mùi hương đặc trưng của cá nướng sao mà thơm ngon lạ kỳ.

Nhân bánh là những con cá kình vàng ươm, tươi ngon. Bánh có màu vàng mơ, có vị ngòn ngọt của tinh bột gạo, của cá kình tươi, có mùi thơm quyến rũ của hành tươi phi mỡ, có chén nước mắm ruốc nguyên chất được bỏ thêm những lát ớt cay. Từ tốn ăn từng chút cá, cẩn thận lừa xương ra ngoài, sau đó cầm chiếc bánh khoái còn bột và thịt cá thoải mái chấm nước mắm ăn.

Xuân Đạt
(Theo TRT)

Similar Articles

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc

Từ bé, tôi đã ngưỡng mộ kỹ thuật xắt bột điêu nghệ của các o,

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose