Văn hóa Huế | Homepage

“Dòng sông vua” và sự ứng xử văn hóa

🕔24.Jul 2016
Có một nhánh cũ của sông Hương chảy từ chợ Kim Long đến Bao Vinh, xưa gọi là sông Kim Long. Ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long xây dựng và mở rộng kinh thành Huế, một phần con sông này nằm trong lòng thành, dòng chảy không thông.
Năm 1805, do nhu cầu vận chuyển hàng hoá ra vào kinh thành, vua cho khơi đào nạo vét đoạn từ Đông Thành Thủy Quan đến khu vực kho tàng của triều đình, gọi là sông Thanh Câu. Năm 1825, vua Minh Mạng tiếp tục cho đào đoạn từ khu vực kho tàng của triều đình đến Tây Thành Thủy Quan, nhập với sông Thanh Câu. Sông nối liền sông Đông Ba với sông Kẻ Vạn, chia kinh thành ra hai phần Nam và Bắc. Tên gọi của dòng sông là Ngự Hà, nghĩa là “dòng sông vua”.Bao bọc kinh thành, thuở ấy vào những chiều mát mẻ hay những ngày xuân đẹp trời là nơi dạo chơi bằng thuyền rồng của các vua nhà Nguyễn. Cái cảm giác thú vị khi dạo thuyền rồng trên dòng Ngự Hà trong một đêm trăng đã được vua Thành Thái ghi lại qua những vần thơ: “Trăng sáng treo lơ lửng giữa trời/ Ngự Hà nước biếc cả dòng khơi…”. Còn nữa một thuở, nước sông Ngự Hà trong xanh, có nơi sâu đến vài mét, cá tôm nhiều và thuyền ra vào nhộn nhịp. Xưa lúc trời vào hạ, sen Ngự Hà tưng bừng hoa nở, khoe sắc toả hương cả một vùng.“Dòng sông vua” đã trở thành một trong những phần chính của di sản văn hóa Cố đô Huế được UNESCO công nhận.

Rồi cũng dòng sông ấy, một thời lại được nhắc với cái tên đầy xót xa: “Dòng sông chết”. Bởi nhiều lý do khác nhau, dọc hai bên dòng sông, lâu ngày không được ngó ngàng, chăm sóc nên tha hồ cỏ dại, choán hết không gian thoáng đãng. Mang tiếng là sông mà dòng chảy hầu như không thể lưu thông được do lòng sông quá cạn vì ít khi được nạo vét tới nơi tới chốn. Thêm vào đó, khó lòng thấy được màu xanh của dòng sông khi mà rau muống, rác thải và nhiều chất ô nhiễm khác tồn đọng khiến Ngự Hà ngày càng ô nhiễm trầm trọng.

Nhắc lại chuyện xưa và cách nay không lâu để thấy rằng, “dòng sông vua” của một thời đã trở lại. Con sông đã trở về với dáng vẻ của ngày xưa, mặt nước trong xanh, cảnh quang đôi bờ thoáng đãng. Thấp thoáng đâu đó con thuyền của những người thả câu. Trên những đoạn kè đã được sửa chữa khang trang, sạch sẽ, buổi sáng tinh mơ hay buổi chiều tà có bao người ngồi ngắm sông. Rồi nữa, các lễ hội sông nước như đua ghe cũng bắt đầu được trở lại. Đổi thay đó là kết quả của dự án cải tạo sông Ngự Hà mới đây. Lần thứ ba trong vòng 40 năm thực hiện chỉnh trang, sông Ngự Hà không chỉ được nạo vét triệt để mà còn được chú ý đến vấn đề xử lý nước thải nhằm hạn chế ô nhiễm và cùng với đó là thái độ cương quyết lập lại trật tự, giáo dục ý thức giữ gìn vẻ đẹp dòng sông cho người dân đôi bờ và cả những du khách.

Chuyện về “dòng sông vua” được hồi sinh đặt ra vấn đề về thái độ, sự quyết tâm và cách ứng xử văn hóa đối với những giá trị truyền thống mà cha ông để lại. Nó cần được phát huy và nhân rộng ở một đô thị văn hóa như Huế.

Đan Duy
(Theo Thừa Thiên Huế)

 

Similar Articles

“Cụ” xà cừ 100 năm ở Huế được giữ “sinh mạng’ nay đã lên mầm xanh

“Cụ” xà cừ 100 năm ở Huế được giữ “sinh mạng’ nay đã lên mầm xanh

Mầm xanh đã hồi sinh trên cổ thụ được trồng lại sau khi bị bão

Xây dựng Huế là điểm đến hạnh phúc

Xây dựng Huế là điểm đến hạnh phúc

Huế đang được cộng đồng du lịch đánh giá là điểm đến để tìm kiếm

Chân dung bếp trưởng mang ẩm thực Huế ra thế giới

Chân dung bếp trưởng mang ẩm thực Huế ra thế giới

Là một trong số những đầu bếp sẽ tham dự Ngày ẩm thực Việt Nam

Du lịch trên những tuyến sông vẫn còn để ngỏ

Du lịch trên những tuyến sông vẫn còn để ngỏ

Chiều đó, khi nhìn những chiếc tàu ngược xuôi với mật độ khá dày đặc

Huế vận động tháo dỡ hàng rào trên đường Lê Lợi dọc sông Hương

Huế vận động tháo dỡ hàng rào trên đường Lê Lợi dọc sông Hương

Đường Lê Lợi dọc sông Hương được mệnh danh là "Phố bảo tàng" và  chính

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose