Văn hóa Huế | Homepage

Lựa chọn phương án khai thác, sử dụng phù hợp

🕔20.Jul 2016

Sau khi giải tỏa, thu hồi những ki ốt, quán cà phê phía bờ Nam sông Hương, cạnh đường Lê Lợi, từ bến Tòa Khâm đến Bảo tàng Hồ Chí Minh, UBND TP. Huế dự kiến sẽ lựa chọn phương án khai thác, sử dụng phù hợp hơn.

Giải tỏa thành công

Theo ông Nguyễn Cẩn, Giám đốc Trung tâm Công viên Cây xanh Huế, đơn vị trực tiếp thực hiện giải tỏa, thu hồi những ki ốt, quán cà phê phía bờ Nam sông Hương, cạnh đường Lê Lợi, việc thu hồi, giải tỏa khá thuận lợi và đến nay chưa nhận được bất cứ đơn, thư khiếu kiện, phản ánh.

Quán cà phê tại công viên Lý Tự Trọng (TP. Huế) đã giải tỏa

Kết quả này, theo ông Nguyễn Cẩn là nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền. Từ sau Tết Nguyên đán năm nay, trung tâm đã gửi thông báo cho người dân về việc chấm dứt hợp đồng cho thuê để người dân chuẩn bị các phương án hoàn trả mặt bằng, chủ động tháo gỡ công trình.

Sau ba lần thông báo, đến trước Festival Huế 2016, chủ quán cà phê Sầu Đông và hai ki ốt đã bàn giao mặt bằng. Hai quán cà phê Cây Si, Lộng Gió và 16 ki ốt còn lại bàn giao mặt bằng vào khoảng tháng 6 năm nay, chấm dứt hoàn toàn việc cho thuê đất các công viên để làm nơi kinh doanh buôn bán, tồn tại hàng chục năm qua.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế khẳng định, thành công này là sự nỗ lực lớn của lãnh đạo TP. Huế trong việc kiên quyết chỉ đạo giải tỏa, cộng với cách làm khá bài bản, hợp lý của các cơ quan liên quan. Song, theo ông Thành, điều quan trọng là, không chỉ giải quyết dứt điểm, tháo dỡ hoàn toàn các công trình đã đầu tư xây dựng trên đất của Nhà nước, mà ở sự chấp hành chủ trương chung của người dân, nhất là không xảy ra khiếu kiện như một số dự án đã và đang triển khai. Nếu không có sự phối hợp đồng bộ, sử dụng các phương án mềm dẻo, chắc chắn người dân sẽ khó đồng thuận, khi có người đã kinh doanh hàng chục năm trời, là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình.

Thuận lợi khác là nhờ Trung tâm Công viên Cây xanh Huế chỉ hợp đồng cho thuê 6 tháng/lần. Khi hết thời hạn hợp, phía trung tâm có quyền cắt, ngừng hoặc không tiếp tục cho thuê nên thông vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ quan liên quan đang xây dựng phương án khai thác, sử dụng quỹ đất trên hiệu quả nhất. Nếu có phương án cho thuê kinh doanh, sẽ xem xét ưu tiên đối với các hộ đã thuê trước đây…

Tìm phương án phù hợp

Ông Nguyễn Văn Thành nêu quan điểm, bờ sông Hương là đất công cộng, tài sản của Nhà nước, do đó, không có lý do gì chỉ dành cho một bộ phận nhỏ người dân được hưởng lợi, mà phải là tất cả người dân đều hưởng lợi. Vì thế, các phương án tính toán đều dựa trên nguyên tắc phục vụ đại đa số người dân.

Quán cà phê Cây Si tại công viên Lý Tự Trọng đã giải tỏa, nhưng còn kinh doanh phía Bảo tàng Hồ Chí Minh

Khi chúng tôi đặt câu hỏi liệu có khả năng sẽ cho thuê kinh doanh trở lại? Ông Nguyễn Văn Thành khẳng định, nếu có cũng không ngoài nguyên tắc bất di, bất dịch nêu trên. Tuy nhiên, hiện nay chưa có bất kỳ phương án nào được phê duyệt. TP. Huế đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi để quản lý tốt hơn.

Việc giải tỏa các hàng quán phía bờ sông Hương ở các công viên phía Nam TP. Huế, nhằm đi trước một bước trong lúc đợi quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương được thông qua. Trên cơ sở đó, TP. Huế sẽ có các phương án sử dụng, quản lý phù hợp.

Sau khi giải tỏa các quán cà phê, ki ốt kinh doanh sách, tranh ảnh lưu niệm, quầy chụp ảnh…, UBND TP. Huế đã chỉ đạo Trung tâm Công viên Cây xanh Huế tiến hành chỉnh trang, trồng cây, hoa để làm đẹp, tạo thêm điểm vui chơi, giải trí, đi dạo hóng mát cho người dân, đồng thời, đầu tư cải tạo các nhà vệ sinh đã xuống cấp, đảm bảo phục vụ người dân và du khách, góp phần thay đổi môi trường du lịch Huế.

Hiện tại, một số nhà vệ sinh công cộng đã được cải tạo, sửa chữa sạch sẽ hơn trước. Vị trí tại các ki ốt và quán cà phê trước đây đã được dọn dẹp vệ sinh. Riêng quán cà phê Cây Si, tuy đã bàn giao mặt bằng phía công viên phía đối diện Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi, song vẫn đang còn kinh doanh phía bờ sông sau lưng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Cẩn, khu vực đó nằm ngoài sự quản lý của đơn vị nên không thể giải tỏa.

Theo hợp đồng thuê mặt bằng giữa người dân với Trung tâm Công viên Cây xanh Huế, một năm, ngân sách chỉ thu được vài chục triệu đồng, bình quân mỗi ki ốt, quán cà phê chỉ vài triệu đồng/năm, trong đó, quán cà phê giá cao nhất cũng chỉ 7 triệu đồng. Trong khi việc sử dụng các quán ki ốt, cà phê gây không ít phiền lụy cho môi trường và du lịch Huế. Việc giải tỏa, thu hồi là chủ trương, việc làm đúng, được người dân đồng tình, ủng hộ.

Tâm Huệ
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Trả lời cho câu hỏi này của tôi, nhiều chủ vườn có nhãn ở Kim

Những “ngôi chùa di động”

Huế là nơi mà Phật giáo vẫn còn giữ được sự trang nghiêm, thiền vị;

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose