Văn hóa Huế | Homepage

Trở lại chuyện 4 cây chà là Canary

🕔31.Jul 2016

Mừng là bởi cây đã không chết như từng lo lắng. Còn buồn và tiếc thì… Nó cứ như cảm giác thấy một cô gái đẹp bị dập vùi, không ai biết, chẳng ai thương…

4 cây chà là Canary khi còn ở sân Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế

Khoảng cuối những năm 1980, tôi dẫn ông chú công tác ở Bộ Nội thương từ Hà Nội vào Huế ghé Công ty Xăng dầu thăm người bạn là anh Thắng giám đốc. Trong lúc 2 ông nói chuyện, tôi xuống sân chơi và để ý thấy ở bồn hoa giữa sân công ty có 4 cái cây rất lạ, cọ chẳng phải cọ, đoác chẳng ra đoác. Hỏi là cây gì, nhiều người dấm dẳng không có câu trả lời chắc chắn. Ngắm qua thì thấy từa tựa cây vạn tuế. Thời điểm ấy, cây vạn tuế đang rất quý, nhiều nhà vườn ở Vỹ Dạ trồng được mấy cây trong chậu đã phải mua thép cỡ phi 8, phi 10 về “cùm” lại vì sợ mất trộm. Thậm chí, nghe nói có người “kỹ tính”, buổi tối còn mắc điện vào cho… yên tâm. Nhưng vạn tuế thì cây nhỏ thôi chứ không thể lớn “hiện ngụy” như mấy cây ở sân công ty xăng dầu. Thời gian trôi đi, và tôi cũng quên luôn thắc mắc của  mình, dù qua về vẫn thấy 4 cây “vạn tuế to hiện ngụy” bình thản xanh tốt như nhiều năm rồi chúng vẫn thế…

Bẵng đi một thời gian, một hôm gặp ông Phan Đình Ngôn, lúc ấy ông Ngôn đang là Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế (CVCX), trong câu chuyện, tình cờ ông Ngôn đề cập đến 4 cây “vạn tuế” ở công ty xăng dầu. Theo ông Ngôn cho biết đó là 4 cây chà là Canary, là giống cây rất hiếm ở Việt Nam. Nghe đâu, ngoài 4 cây ở Huế ra, toàn cõi Việt Nam chưa nơi nào có giống cây này. Căn cứ đặc tính sinh trưởng, có thể khẳng định 4 cây chà là Canary đã có tuổi thọ cả trăm năm rồi. Ông Ngôn cho biết, đơn vị ông đã chủ động đặt vấn đề để xin lấy giống về gieo ươm. Trong 4 cây chà là nói trên, hết 3 cây là đực, chỉ có một cây cái cho quả. Trung tâm CVCX phải cho xe thang đỗ tại mé cổng công ty phía đường Hà Nội, từ đó nhẹ nhàng đẩy thang vào tiếp cận cây để lấy quả. Tránh hết sức sự làm phiền vì sợ “gia chủ”… đổi ý. Tuy nhiên, giống đưa về gieo ươm có tỷ lệ sống sau nảy mầm không cao. Một cán bộ của Trung tâm CVCX cho hay, một số cây sau khi gieo ươm đã được đưa ra trồng tại khu vực vườn Sinh vật cảnh (cũ) dọc Hộ thành hào, song lớn rất chậm. Nghe… đồn giống cây này khi trồng phải “có cái có đực” mới chịu lớn, song làm sao để phân biệt cây cái cây đực khi chúng đang còn chưa… “dậy thì” thì vẫn là thách đố.

Những cây chà là Canary vẫn đang còn gửi tạm tại khuôn viên văn phòng Hội Văn hóa Việt Nhật 

Theo thông tin mà thầy giáo Đỗ Xuân Cẩm, một chuyên gia cây xanh có tiếng ở Huế, chia sẻ trên báo chí về cây chà là Canary thì cây có nguồn gốc ở quần đảo Canary, thuộc vùng biển tây bắc châu Phi; tên khoa học là Phoenix canariensis Hort. ex Chabaud., thuộc họ cau (Arecaceae). Cây thân gỗ dạng cột, chiều cao có thể đạt tới 20m, đường kính thân tới trên 0,6m, vỏ thân được bao bọc bởi những vết hình vảy lớn do cuống lá sau khi rụng để lại trông tựa những viên kim cương, đẹp một cách độc đáo. Sự hiện diện của 4 cây chà là Canary tại Huế suốt cả trăm năm qua là một chứng tích lịch sử về sự di thực, chúng là tài sản chung của Huế, rất đáng được bảo tồn cả về mặt khoa học lẫn văn hóa.

Cách đây chừng 8 năm, trụ sở Công ty xăng dầu Thừa Thiên Huế được di dời, nhường chỗ để triển khai dự án đầu tư xây dựng khách sạn Petrolimex Huế, 4 cây chà là Canary được bứng đi, đưa về gửi và hợp đồng người chăm sóc tạm trong khuôn viên văn phòng Hội Văn hóa Việt Nhật ở đường Lâm Hoằng, phường Vĩ Dạ, TP.Huế. Dự kiến khi công trình khách sạn Petrolimex xây xong, sẽ đưa chúng trở về chốn cũ. Việc di dời 4 cây chà là Canary quý hiếm về gửi tạm ở Vĩ Dạ khiến nhiều người lo lắng bởi sợ cây chết do không chịu được ngập úng, mà Vĩ Dạ lại là nơi thấp trũng có tiếng. Sự suy giảm kinh tế cộng với chấp hành chủ trương của Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp, dự án khách sạn Petrolimex dừng bước. Những cây chà là Canary ban đầu dự kiến chỉ di tản tạm thời 3 năm, nay đã 8 năm vẫn cam phận “ăn nhờ ở đậu”. Nhiều lần từ quán cà phê ở trước Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi trên đường Lâm Hoằng, nhìn sang bên kia đường, thấy mấy cây chà là Canary cố gắng chen chúc vươn lên giữa không gian chật hẹp, chợt thấy vừa mừng vừa buồn và tiếc. Mừng là bởi thấy cây đã không chết như nhiều người đã từng lo lắng. Còn buồn và tiếc thì… Nó cứ như cảm giác thấy một cô gái đẹp bị dập vùi, người đời không ai biết, chẳng ai thương… “Cần có chủ trương đưa chúng ra khỏi phạm vi của một doanh nghiệp. Đặt chúng ở vị trí công cộng phù hợp để phát huy hết giá trị thẩm mỹ, lịch sử cũng như giá trị về nguồn gen quý hiếm.”- Chợt thấy đề xuất của thầy giáo Đỗ Xuân Cẩm cách đây mấy năm càng hữu lý và càng cấp thiết vô ngần.

Giữa tháng 5 vừa rồi, nhân lãnh đạo Công ty xăng dầu Thừa Thiên Huế (XD TTH) đến làm việc về kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, chúng tôi đã ướm hỏi về tương lai của 4 cây chà là. Rất vui là lãnh đạo công ty rất ủng hộ việc hiến tặng chúng cho Huế và mong chúng sẽ được trồng ở một vị trí tương xứng, phù hợp để vừa tôn thêm vẻ đẹp cho thành phố xanh, vừa tạo điểm nhấn cho thành phố văn hóa, thành phố du lịch. Chỉ hơi “vướng” là bây giờ 4 cây chà là nói trên không còn thuộc quyền quyết định của XD TTH  nữa. Tuy nhiên, rất hy vọng và tin rằng thiện ý của XD TTH cũng là thiện ý của công ty mẹ tại Hà Nội. Vấn đề bây giờ là sự “đánh tiếng” của Huế cũng như sự chọn lựa địa điểm xứng đáng cho “gia đình chà là Canary” từ các cơ quan tham mưu…

Diên Thống
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Trả lời cho câu hỏi này của tôi, nhiều chủ vườn có nhãn ở Kim

Những “ngôi chùa di động”

Huế là nơi mà Phật giáo vẫn còn giữ được sự trang nghiêm, thiền vị;

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose