Văn hóa Huế | Homepage

Góp phần giải mã bức ảnh về Ngọ Môn

🕔12.Aug 2016

Vừa qua, sau khi tấm hình chụp về Ngọ Môn không có 8 bộ mái lợp ngói thanh lưu ly ở lầu Ngũ Phụng xuất hiện trên các trạng mạng xã hội đã lôi cuốn một lượng lớn độc giả quan tâm tìm hiểu, đã có nhiều ý kiến bình luận đưa ra khác nhau.

Góp phần giải mã bức ảnh về Ngọ Môn
Hình chụp Ngọ Môn không có 8 bộ mái lợp ngói thanh lưu ly ở lầu Ngũ Phụng (trên), và Ngọ Môn hôm nay (dưới)

Có ý kiến cho rằng bức ảnh đã bị chỉnh sửa bởi photoshop, có ý kiến cho rằng 8 bộ mái xây dựng thêm vào các đời vua triều Nguyễn sau này hoặc 8 bộ mái bị phá sập do cơn bão năm Thìn (1904), v.v.

Qua quá trình tìm hiểu, tôi muốn chia sẽ ý kiến riêng của mình như sau:

Thứ nhất, tôi muốn khẳng định tấm hình về Ngọ Môn là ảnh gốc do nhà nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp Pierre Dieulefils (1862 – 1937) chụp nên không có việc bức ảnh đã được chỉnh sửa, tẩy xóa. Nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils đã hoạt động tại Đông Dương từ năm 1888 – 1925 và để lại một gia tài đồ sộ là hàng nghìn tấm bưu thiếp ghi lại hình ảnh đặc sắc về con người và phong cảnh tại các địa điểm khác nhau ở Đông Dương.

Thứ hai, sử sách triều Nguyễn ghi chép rõ: Ngọ Môn được xây dựng năm Minh Mạng 14 (1833), khi triều Nguyễn tổ chức quy hoạch lại toàn bộ mặt bằng kiến trúc Hoàng thành. Nguyên tại vị trí này trước kia là Nam Khuyết Đài, xây dựng đầu thời Gia Long. Về mặt kiến trúc, Ngọ Môn gồm hai phần chính: đài – cổng và lầu Ngũ Phụng. Vì thế không có chuyện 8 bộ mái ở lầu Ngũ Phụng được xây dựng thêm bởi các vị vua sau này.

Thứ ba, đúng là vào năm 1904 ở Huế đã hứng chịu trận bão với mức độ tàn phá khốc liệt không thua kém cơn bão hồi năm 1999 làm hư hỏng nhiều công trình kiến trúc lúc bấy giờ. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa tìm thấy một dòng tư liệu nào, kể cả ca dao dân gian phản ánh sự kiện lầu Ngũ Phụng bị cơn bão phá sập. Vì vậy, giả thuyết cho rằng 8 bộ mái bị phá sập do cơn bão năm Thìn là không đáng tin cậy.

Thứ tư, dựa vào những cứ liệu thu thập được tôi phỏng đoán nguồn gốc bức ảnh này ra đời vào thời vua Thành Thái (1889 – 1907) khi Pierre Dieulefils đến Huế. Sau chuyến đi này, ông đã cho ra đời nhiều bức ảnh nổi tiếng về Huế và triều Nguyễn, đặc biệt là bức ảnh chân dung vua Thành Thái chụp vào năm 1897.

Chân dung vua Thành Thái do nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp Pierre Dieulefils chụp 1897

Thứ năm, căn cứ vào sách Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên của Quốc Sử Quán triều Nguyễn do nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh dịch cho chúng ta biết được sự kiện vào năm Thành Thái thứ 12 (1900) triều đình cho phép tiến hành trùng tu lầu Ngọ Môn.

Từ đó, kết nối những thông tin có được tôi cho rằng bức ảnh nêu trên được Pierre Dieulefils chụp vào thời điểm kiến trúc Ngọ Môn đang trong quá trình trùng tu nên 8 bộ mái lợp ngói thanh lưu ly đã được những người thợ cung đình hạ giải để tu bổ. Vì thế sau khi hoàn thành công việc trùng tu Ngọ Môn thì hệ thống cột và bộ khung gỗ chắc chắn không bị cơn bão năm Thìn (1904) phá sập, (trong khi đó cơn bão đã làm gãy cả cầu Trường Tiền). Hiện nay, chúng ta quan sát kiến trúc trang trí lầu Ngũ Phụng sẽ nhận thấy sự khác biệt của bộ mái chính giữa lợp ngói hoàng lưu ly và tám bộ còn lại lợp ngói thanh lưu ly vì nghệ thuật trang trí trên nóc có sự khác nhau nhiều về phong cách qua đợt đại trùng tu này. Đặc biệt, bức ảnh Ngọ Môn không có 8 bộ mái thanh lưu ly đã ngẫu nhiên làm cho hậu thế nhận thức được về tầm nhìn, tính sáng tạo của vua Minh Mạng và tài năng của những nghệ nhân cung đình xưa khi xây dựng Ngọ Môn: Nếu không có 8 bộ mái thanh lưu ly thì Ngọ Môn giống như một bản sao thu nhỏ của kiến trúc Thiên An Môn.

Thiên An Môn (Trung Quốc)

Nhưng ở đây, Ngọ Môn với mái tầng trên chia thành 9 bộ, với rất nhiều hình chim phụng trang trí ở phần bờ nóc, bờ quyết, khiến tòa lầu trông rất nhẹ nhàng, thanh thoát, thể hiện rõ phong cách kiến trúc dân tộc. Ngọ Môn xứng đáng được xếp vào hàng những công trình kiến trúc nghệ thuật xuất sắc nhất của triều Nguyễn nói riêng và của nền kiến trúc cổ Việt Nam nói chung.

Trần Văn Dũng
(Theo Tạp chí Sông Hương)

Similar Articles

Đệ Ngọc Lâm công chúa và những câu chuyện lịch sử

Đệ Ngọc Lâm công chúa và những câu chuyện lịch sử

Cổng và bình phong đệ Ngọc Lâm công chúa 1. Mở đầu Hệ thống phủ đệ xưa

Tìm thấy lời giải cho bức tranh thứ sáu trên tường cung An Định

Tìm thấy lời giải cho bức tranh thứ sáu trên tường cung An Định

âu chuyện bí ẩn của bộ tranh tường trong cung An Định vẫn bỏ ngỏ

Bức cảnh dựng trên bàn thờ gia tiên vùng Huế

Bức cảnh dựng trên bàn thờ gia tiên vùng Huế

Theo truyền thống, cảnh dựng là một trong những vật phẩm thờ cúng quan trọng

Nghiên cứu Tái thiết Điện Cần Chánh, Hoàng Thành Huế – Phần 1: Lịch sử Quần thể Di tích Cố đô Huế và Hành trình Di sản

Nghiên cứu Tái thiết Điện Cần Chánh, Hoàng Thành Huế – Phần 1: Lịch sử Quần thể Di tích Cố đô Huế và Hành trình Di sản

Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản Văn hoá đầu tiên của

Con ngựa trong các khu lăng mộ vua Nguyễn biểu tượng cho điều gì?

Con ngựa trong các khu lăng mộ vua Nguyễn biểu tượng cho điều gì?

Vào tham quan lăng mộ các vua nhà Nguyễn ở Huế, du khách thường bắt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose