Văn hóa Huế | Homepage

Mâm kỵ ở làng

🕔17.Aug 2016

Trẻ con làng tôi có câu: vui nhứt là Tết nhì là lụt. Đó là nói chuyện chơi; còn nói về chuyện ăn uống thì phải là vui nhứt là Tết, nhì là đi kỵ giỗ.

Cứ nhớ mãi cảnh thằng Bỏm, em trai tôi, với thằng Bệt cùng xóm cứ cầm cái đùi tre lái chiếc xe tự chế làm bằng vành xe đạp chạy quay tròn từ đầu xóm xuống cuối xóm và nói oang oang: “loa loa loa… ngày ni nhà tui kỵ”, khi nhà tôi có kỵ. Mỗi năm, nhà ở nông thôn có ít nhất cũng vài ba cái kỵ lớn kỵ nhỏ. Kỵ nhỏ thì chỉ vài con gà, con vịt làm một đến hai mâm mời bà con gần gũi trong gia tộc; kỵ to thì mổ heo, gà, vịt đến cả chục mâm mời cả bà con, hàng xóm, bạn bè, thông gia…

Nhớ một lần nhà ông Tời hàng xóm kỵ to lắm. Đến giờ trong nhà lên mâm cúng, Chú Oi, con út ông Tời, đã kiếm mô ra một sợi dây bẹ chuối to cột ngang cây xoài đến bụi tre trước cửa đường rồi nói: “Ngày ni nhà tau kỵ, đứa mô có bà con thân thiết với nhà tau thì cho vô, mấy đứa khác không được vô!”.

Tôi thuộc diện bà con nên được vô nhà chú Oi ăn kỵ. Có mấy đứa không được vô vì là không bà con hoặc là có bà con nhưng chú Oi không ưa chơi. Thế mà tụi nó không chịu bỏ đi chơi chỗ khác mà cứ quyết tâm lẩn vẩn trước cửa ngõ nhà chú Oi chờ cơ hội. Chú Oi đứng chống nạnh một chập cũng mỏi chân mỏi tay, với lại mâm cỗ đã dọn ra trước hiên rồi nên rồi đến lúc bỏ vô nhà. Người lớn vô mâm trong nhà, trẻ con cũng được lót chiếu trước hiên ngồi hai dãy dài. Mới cầm đũa lên, thấy chú Oi đứng dậy chỉ ra trước sân: “Ê mấy đứa bây tau đã nói không bà con thì về đi, tới đây ăn chực à?”. Thì ra mấy đứa thuộc diện bị loại đã có mặt “đúng giờ hoàng đạo”. Tất nhiên, tất cả đều được người lớn kêu vô ngồi chung mâm con nít cho vui. Chú Oi nói thì nói rứa nhưng cũng chẳng phải là hẹp hòi chi, vừa khới cái cẳng gà vừa nói: “Mấy đứa bây ăn chực nhà tau mai mốt nhà bây kỵ nhớ kêu tau nghe!”.

Ngày kỵ là ngày để con cháu nhớ về người thân đã khuất, cũng là thời gian và không gian để con cháu, xóm giềng quây quần trong tình thân. Cũng vì thế mâm kỵ bao giờ cũng được bày biện với những món ăn ngon nhất của làng quê. Thịt heo thì phải là thịt mông nhiều nạc, ít mỡ. Vịt thì phải là vịt cỏ, vịt bầu nuôi trong nhà. Gà thì phải là gà kiến thả vườn… Nhưng mâm kỵ không phải giản đơn như mâm chạp họ hay mâm liên hoan đội đoàn mà các món ăn phải tinh tế hơn, cầu kỳ hơn. Mâm kỵ ở làng quê xứng đáng là một tác phẩm ẩm thực dân gian với đủ màu sắc, hương vị vừa ngon mắt, ngon mũi và ngon miệng…

Ngoài món thịt heo luộc chấm nước mắm ớt, thịt vịt luộc chấm nước mắm gừng, gà bóp rau răm; còn phải thêm mấy món canh, món xào, món chiên. Canh thì có canh bún nấu lòng gà vịt cộng thêm tô măng xáo xương gà, xương vịt. Món xào thì nhiều hơn từ mướp đắng, măng, su le, da trâu khô xào với giá rồi có cả thêm món bột lọc nhồi, viên thành từng con rồi xào với ném. Món chiên thì cá thu chiên, tôm chiên. Rồi thêm dĩa rau sống, mấy trái ớt xanh đỏ… Cứ thế từng tầng thức ăn xếp trên đĩa con rồng nho nhỏ và giữa là mấy tô canh được đặt lên mâm cúng. Mà xếp mâm cúng cho đẹp không phải dễ, món chi đặt ở giữa mâm, món chi đặt hai bên mâm làm răng cho đều, cho vừa mắt mấy ôn, mấy mệ phải là mấy chú lớn tuổi có kinh nghiệm…Đặc biệt, không được quên chén nước mắm đặt giữa mâm, nếu lỡ quên thì coi như mâm kỵ chưa chu đáo…

Tôi thấy oai phong nhất là mấy cụ già ở quê đi ăn kỵ, khi mô cũng khăn vành, áo thụng, đầu che dù. Tới nơi, chủ nhà phải lo thưa gửi đàng hoàng, ngồi mâm sáu người giữa nhà, đúng vị trí với vai vế để mời ngồi trong, ngồi ngoài. Trước khi các cụ cầm đũa, chủ nhà phải thưa trình thiệt lễ phép. Xong bữa ăn phải múc sẵn một thau nước để các cụ rửa tay rồi mời nước…

Ở quê tôi có lệ rất hay, thể hiện sự tương thân tương ái đó là mỗi lần nhà có kỵ, khi mô chủ nhà cũng để lại vài ba dĩa chi đó để bưng cho nhà hàng xóm hay mấy người già yếu thân thuộc. Hồi nhỏ cứ mỗi lần đi kỵ nhìn người lớn ngồi mâm trên tôi cứ ao ước răng cho mau lớn để được ngồi vô mâm; chừ lớn rồi nhìn mấy đứa nhỏ ở quê ngồi hai hàng trước hiên vừa ăn vừa cười nói, cãi nhau tự nhiên ưa nhỏ lại để được đi “ăn chực” ngày kỵ như hồi nào…

Phi Tân
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose