Văn hóa Huế | Homepage

Dĩ vãng dầu chuồn

🕔11.Sep 2016

Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) không chỉ được biết đến với nghề làm gốm lâu đời mà còn có nhiều nghề phụ, nổi bật là nghề chế biến dầu Chuồn.

 

Ông Lương Thanh Khiếu giới thiệu các dụng cụ chế biến dầu chuồn (cái nêm bên trái và giá đỡ bên phải)

Dầu “made in Phước Tích”…

Khi dầu hỏa còn chưa phổ biến, điện chưa có, các làng quê Việt chủ yếu dùng các loại dầu thực vật để thắp sáng, sinh hoạt hằng ngày. Riêng ở làng cổ Phước Tích dùng loại dầu làm từ trái cây chuồn.

Nghề làm dầu chuồn xuất hiện ở làng Phước Tích từ bao giờ không ai còn nhớ rõ. Ngày nay, những người làm nghề chế biến loại dầu này còn rất ít. Ông Lương Thanh Khiếu (76 tuổi, người làng Phước Tích) là người từng làm dầu chuồn cho biết, cây chuồn là loài thực vật họ dầu, trái có hình dáng giống hạt sen, vỏ mỏng và cứng. Cây chuồn mọc nhiều trên rừng khu vực Thừa Thiên Huế, Quảng Trị. Để chế biến dầu chuồn phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, kéo dài khoảng 6-7 tháng.

Chiếc dĩa đựng dầu chuồn

Theo đó, vào tháng 10 hằng năm, các gia đình làm nghề chế biến dầu chuồn lên núi hái lượm hoặc thuê người hái về, đem phơi rồi chà sạch vỏ, ngâm trong nước trước khi nấu chín. Khi trái chuồn chín thì vớt ra rồi đem ủ kín.

Sau đó khoảng 5-7 tháng, khi chuồn đã kết lại thành khối lớn thì đem ra xắn thành từng phiến mỏng để phơi nắng, rồi chà bằng tay, sau đó giã nhỏ bằng chày tạo thành bột. Cuối cùng đem phơi nắng thêm lần nữa và đem đi hấp chín.

Tiếp theo, lấy ra gói thành từng bánh to bằng bàn tay người lớn cho vào cái bộng (khúc gỗ lớn trông như cái trống cơm dài chừng 3 mét, giữa thân được khoét lõm, mỗi bộng chứa khoảng 25-30 bánh). Có khoảng 6 thanh niên trai tráng của gia đình hoặc được thuê làm dầu dùng vồ lớn đứng hai bên bộng để thúc các nêm (vật dụng bằng gỗ) để ép dầu chảy ra.

Khi dầu chảy ra hết, người thợ nghiêng bộng lại lần lượt tháo nêm và lấy bánh dầu xải (xác dầu sau khi ép). Cứ thế, mỗi ngày ép được khoảng 12 bộng dầu. Sau khi chế biến xong, thu được chất loãng và nhờn nhưng đặc hơn dầu phụng, màu nâu sẫm đó chính là dầu chuồn.

Ưu điểm của dầu này là dễ dùng, không có khói, không hôi, không độc hại. Hạn chế của nó là khi thắp sáng thì lâu lâu phải khêu bấc đèn cho lửa đỏ”, ông Khiếu nói.

Dầu được bỏ vào dĩa nhỏ có lòng sâu (dĩa dầu chuồn do người Phước Tích đúc ra), miệng trề ra để tim đèn (làm bằng vải xe lại) cháy sáng. Dĩa dầu được đặt trên giá đỡ, thắp sáng được khoảng 3-4 tiếng tùy vào kích cỡ của tim đèn.

Chỉ còn là dĩ vãng

Không chỉ để thắp sáng, dầu chuồn còn được dùng làm thuốc để trị các bệnh ngoài da, dịch bệnh… cho trâu bò bằng cách lấy dầu này bôi vào chỗ bị thương thì bệnh sẽ lành. Bánh dầu xải đem phơi khô làm thức ăn cho gia súc.

Nghề làm dầu chuồn một thời mang lại nguồn kinh tế cho người dân làng Phước Tích. “Một số hộ gia đình trong làng một thời giàu có, thịnh vượng cũng nhờ một phần từ việc chế biến dầu chuồn”, ông Khiếu cho biết.

Trong nhà ông Lê Trọng Diễn (69 tuổi, người làng Phước Tích) hiện cũng còn lưu giữ những cái dĩa đựng dầu chuồn. Ông Diễn nghe bố mẹ ông kể lại rằng, ngày xưa gia đình ông cũng có làm dầu chuồn, dầu chủ yếu dùng để thắp sáng và đem bán.

Ngày nay, dầu chuồn đã trở thành ký ức của người già, với một thời gắn bó, giúp ích cho cuộc sống của người dân những năm tháng khó khăn, cơ cực. Ở đây có câu “Đêm khuya thắp dĩa dầu đầy/ Dầu vơi bao nỗi dạ em sầu bấy nhiêu” diễn tả dầu chuồn đã gắn bó với đời sống tâm hồn người dân làng Phước Tích như thế nào!

Dầu chuồn đã trở thành dĩ vãng trong đời sống, nhưng ngày nay nó vẫn được người dân Phước Tích tự hào giới thiệu cho nhiều du khách trong và ngoài nước khi tham quan, để họ biết thêm về nét đẹp văn hóa, nghề truyền thống của làng quê bên dòng Ô Lâu này.

Tuấn Hiệp
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose