Văn hóa Huế | Homepage

Nếu có những ngày mọi phụ nữ Huế đều mặc áo dài…

🕔03.Sep 2016

Nếu có những ngày toàn thành phố tràn ngập áo dài, Huế sẽ đẹp hơn, ấn tượng hơn. Đây cũng là mong mỏi của những người yêu Huế, yêu chiếc áo dài.

Huế sẽ đẹp hơn

Cô Nguyễn Khoa Diệu Huyền, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng và là cựu nữ sinh Đồng Khánh kể lại: “Thế hệ của chúng tôi quen thuộc với hình ảnh áo dài, từ các cô nữ sinh hiền hòa với màu trắng tinh khôi, những thiếu phụ nhẹ nhàng trong những tà áo màu đến những người buôn bán gánh gồng tất tả ngược xuôi vẫn không quên khoác lên mình chiếc áo dài. Mỗi khi có khách đến nhà, các bà, các mẹ, các chị cũng khoác áo dài để tiếp khách. Một thời, báo chí và du khách nước ngoài mệnh danh Huế là “thành phố áo dài”. áo dài đã làm phong phú thêm bản sắc của Huế”.

Áo dài nữ sinh lên sân khấu

Cuộc sống đổi thay, dẫu không còn phổ biến như xưa nhưng bây giờ áo dài vẫn hiện diện nhiều trên đường phố và làm đẹp thêm cho Huế. Trong mỗi kỳ Festival Huế, lễ hội áo dài luôn là lễ hội “đinh” và được nhiều người đón đợi. Điều đó chứng tỏ người ta vẫn nghĩ về Huế, tìm đến Huế với hình ảnh áo dài. Nhắc lại chuyện xưa, cô nữ sinh Đồng Khánh năm nào Nguyễn Khoa Diệu Huyền mong ước: “Nói đến Huế, không thể không nói đến áo dài. Nên chăng, làm cách nào đó phát huy được cái hồn Huế qua hình ảnh chiếc áo dài. Không mong tất cả mọi ngày như ngày xưa vì bây giờ cuộc sống cần nhanh gọn hơn, nhưng tôi vẫn ước mơ có những ngày phụ nữ Huế cùng mặc áo dài khắp phố phường”.

Không chỉ phụ nữ mà nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa bày tỏ mong ước ngày nào ra đường cũng được gặp những tà áo dài tung bay trên phố. Nhiều người cho rằng, đó là một hình ảnh đẹp tạo dấu ấn với khách du lịch. Chưa đến tuổi hoài niệm nhưng nhà thiết kế áo dài Đoan Trang, Giám đốc DNTN Thêu may Đoan Trang vẫn cùng mong ước: “Trong một lần hiến kế ý tưởng làm cho Huế đẹp hơn, tôi đã phát biểu rằng, Huế sẽ đẹp hơn nếu có những ngày mọi phụ nữ đều tự nguyện mặc áo dài khi ra đường. Khách du lịch rất thích chiếc áo dài, không cần tạo dấu ấn xa xôi, chỉ cần cả thành phố thơ mộng này tràn ngập áo dài thì sẽ tạo ấn tượng đẹp trong mắt du khách. Áo dài rất đẹp, nếu không phát huy và làm đẹp cho Huế thì thật uổng. phải tạo được phong trào mặc áo dài”.

Chị Đoan Trang kể, nhiều khách hàng của chị thích và may rất nhiều áo dài nhưng không có dịp mặc, một chiếc áo chỉ mang được 1-2 lần rồi cất vào tủ. Mỗi khi có dịp đi đâu đó, họ thích “diện” áo dài nhưng ngại và thấy lạc lõng vì chẳng mấy người mặc. Đây là lý do khiến chị Trang có ý tưởng thành lập hội áo dài để tô điểm cho Huế. Chị Trang cho biết: “Mỗi lần cả hội cùng mặc áo dài đi chơi, khách du lịch rất thích chụp hình. Nếu nhóm được tạo điều kiện vào các điểm di tích miễn phí, chúng tôi sẵn sàng bỏ công làm đẹp thêm cho Huế. Khi tôi đưa ra ý tưởng này, rất nhiều người yêu áo dài muốn đăng ký tham gia”.

Nên truyền thống hay cách tân?

Mùa xuân năm nay, áo dài được ưa chuộng trở lại. Trong số những cô gái xuống phố du xuân, xuất hiện những tà áo dài cách tân nhiều màu sắc, năng động, trẻ trung. Tuy nhiên, trong số ấy, có những thiết kế dường như chưa được phù hợp. Cũng vì quá yêu tà áo dài, những người lớn tuổi lo lắng, áo dài cách tân sẽ làm mất đi bản sắc vốn có của chiếc áo dài. Cô Diệu Huyền bày tỏ: “Mọi người đang muốn đổi thay, cách tân cho hợp với gu thẩm mỹ hiện đại. Việc cách tân áo dài là nên làm, nhưng vẫn phải giữ được vẻ mềm mại, duyên dáng của tà áo dài. Cách tân áo dài theo kiểu áo ngắn trên đầu gối, tay cộc kết hợp với quần thun bó, tuy trẻ trung nhưng chưa phù hợp với vẻ mềm mại của áo dài”.

Theo cách nhìn của nhà thiết kế Đoan Trang, tuy không thể sánh với áo dài truyền thống nhưng áo dài cách tân cũng rất đẹp nếu được thiết kế phù hợp, lại thuận tiện để mặc khi đi chơi. “Tôi nghĩ tùy vào trường hợp, tình huống cụ thể mà lựa chọn trang phục phù hợp. Trong những dịp bình thường hoặc đi chơi, nếu mặc áo dài truyền thống đôi khi quá trịnh trọng và áo dài cách tân là sự thay thế phù hợp. cách tân mà vẫn giữ được vẻ đẹp của tà áo dài, đừng quá thay đổi, làm biến dạng chiếc áo dài, quan trọng là phối với quần thật phù hợp”, chị Đoan Trang cho hay.

Trong xu hướng phát triển, có những chiếc áo dài cách tân bị biến tấu quá mức không phù hợp, không giữ được sự kín đáo, tế nhị, duyên dáng của áo dài Việt Nam đã vấp phải những phản ứng của dư luận. Nhiều người cho rằng, cách tân áo dài là việc nên làm, phù hợp với quy luật vận động và phát triển nhưng phải giữ được hồn cốt của chiếc áo dài truyền thống. Với những trang phục truyền thống có lịch sử lâu đời như áo dài, sự cách tân, đổi mới phải dựa trên nền tảng văn hóa.

Theo TS. Thái Kim Lan, áo dài đang dần trở lại trong cuộc sống thường nhật và trở thành mốt thời trang. Vấn đề là chúng ta làm thế nào để chiếc áo dài trở lại với cái gu, thị hiếu thẩm mỹ đặc biệt, thích hợp với nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Tuy vậy, đã nói về áo dài thì người ta đều nghĩ đến truyền thống, cho dù áo dài cách tân có đẹp đến thế nào thì áo dài truyền thống vẫn luôn có vị trí trong lòng của mỗi người phụ nữ Việt Nam. Nhà thiết kế Đoan Trang kể, dù nhiều mẫu áo dài cách tân khá đẹp nhưng khi khách hàng nhờ tư vấn lựa chọn giữa áo dài cách tân hay truyền thống, chị vẫn khuyên họ nên may áo dài truyền thống.

Trang Hiền
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Trả lời cho câu hỏi này của tôi, nhiều chủ vườn có nhãn ở Kim

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose