Văn hóa Huế | Homepage

Du lịch vào đông

🕔29.Nov 2016

Ngoài lý do đi du lịch vì được nghỉ đông, có lẽ mùa đông xứ Huế khắc nghiệt thật, nhưng lại là những trải nghiệm mới lạ, mang chất riêng đối với du khách.

Du khách “đội mưa” khám phá di sản

Du khách và mùa đông xứ Huế

Không nơi nào trên đất nước ta, mùa đông lại mang lại cảm giác khó chịu như ở Huế: lạnh và mưa kéo dài, luôn tạo cảm giác ẩm ướt. Cũng vì nguyên nhân này mà vào mùa đông, khách nội địa đến Huế giảm hẳn. Đổi lại, khách quốc tế có xu hướng tăng vài năm trở lại.

Không khó để bắt gặp các đoàn khách “Tây” mặc áo mưa đi khám phá di sản Huế, hay dạo vòng thành phố bằng xích lô, xe đạp. Anh Nguyễn Đình Quyên, hướng dẫn viên (HDV) tiếng Anh cho hay, khám phá di sản vào thời gian này luôn có sự khác biệt. Đối với khách Âu – Mỹ, dù có mưa, lạnh đến đâu họ vẫn muốn đi, họ luôn muốn khám phá, trải nghiệm những cái mới mẻ, độc đáo.

Ông Trương Thành Minh, Trưởng phòng Lữ hành (Sở Du lịch) nhận định, ngắm mưa, trải nghiệm mưa và thưởng thức ẩm thực xứ Huế là những điều du khách không thể bỏ qua khi đến với Huế vào mùa đông. Du khách có thể thưởng thức một tô bánh canh, một tô bún bò nóng hổi vào buổi sáng, kết hợp với một chút sa tế ớt, hay “cắn” một ớt trái đỏ cho ngày đông bớt lạnh. Người Huế luôn ý tứ trong chế biến thức ăn. Đối với những món bánh, khi du khách đến thưởng thức, gia chủ mới bắt đầu hấp. Dù đợi lâu một chút, nhưng đổi lại là những dĩa bánh nóng hổi, vừa ăn vừa thổi. Hay khi đi ăn chè Huế mùa đông, du khách được ăn những món chè bột lọc nóng, đậu ván nóng, khoai môn nóng… cho thêm một chút gừng để cân bằng “âm dương”.

Những năm trước, khách đến Huế vào thời gian này chủ yếu là châu Âu, Bắc Mỹ, châu Úc. Khoảng 2 năm gần đây, dòng khách Đông Bắc Á đến nhiều hơn. Nguyễn Văn Thảo, HDV tiếng Hàn cho biết, nhiều khách Hàn Quốc bảo, nếu xét về thời tiết mùa đông ở Huế so với Hàn Quốc thì ở nước họ còn khắc nghiệt hơn nhiều vì thế, đến Huế du lịch cũng là một hình thứ “trú đông”.

Du khách đến Huế vào những ngày nắng đông, còn có thêm cơ hội tận hưởng được nét quyến rũ của Huế. Ý tưởng khám phá Huế lúc sáng sớm đã được một số doanh nghiệp nghĩ đến. Nét độc đáo ở chỗ, vào những ngày này, Huế chìm trong sương mù, những con phố, những hàng cây trong mắt du khách trở nên huyền ảo, đầy ấn tượng.

Cần chủ động hơn

Huế cần chú trọng, ưu tiên về ẩm thực. Nhà nước tạo cơ chế, lập đề án quy hoạch không gian địa điểm hợp lý, có thể chọn phố cổ Chi Lăng hoặc Bao Vinh và huy động người dân sở tại để làm, không nên giao cho doanh nghiệp. Trước tiên kêu gọi người dân đưa ra các món ăn hợp lý, phù hợp với thời tiết mưa Huế hay có thể tập hợp những gánh hàng rong lại, đây là cách tạo thêm thu nhập cho người dân.

Ông Hoàng Văn Khánh

Hiện, khái niệm cao điểm và thấp điểm trong du lịch Huế hầu như không còn nữa, mà đó là sự chuyển dịch của mùa nội địa và quốc tế. Huế đang tập trung xây dựng các sản phẩm vào mùa nắng, còn mùa mưa thì đang còn thiếu và chưa có những sản phẩm đột phá. Trong lúc đó, chính khách quốc tế mới chi tiêu nhiều, mang lại lợi nhuận cao cho ngành du lịch Huế.

Lâu nay, “mưa” được xem là trở lực của ngành du lịch Huế. Đã đến lúc, Huế biến yếu điểm thành lợi thế, xây dựng các sản phẩm gắn với mưa. Thực tế, từ năm 2011, ngành du lịch Huế đã lên kế hoạch tổ chức các sản phẩm gắn với mưa, mang tính trải nghiệm phù hợp với việc thưởng thức cảnh quan Cố đô Huế: Hình thành các con đường ngắm mưa với nhiều cây xanh; các gian hàng có kiến trúc mái che trong suốt, trưng bày và bán các sản phẩm quà lưu niệm, thủ công mỹ nghệ; phục vụ các món ăn đặc sản của Huế phù hợp với ngày mưa; xây dựng các loại hình vui chơi giải trí trong nhà, các trò chơi dân gian, các buổi trình diễn âm nhạc, nghe ca Huế, triển lãm; nâng cấp và cải tạo các phương tiện vận chuyển giúp du khách ngắm mưa mà không lo bị ướt… Tuy nhiên, đã qua 5 năm, ý tưởng và kế hoạch này chưa thể phát huy hiệu quả. Một số sản phẩm được thực hiện, nhưng không bài bản. Có một khó khăn được chỉ ra là sự biến đổi của khí hậu. Những năm gần đây, mùa đông có thời gian nắng nhiều, dẫn đến thiếu chủ động trong xây dựng tour, tuyến gắn với mưa.

Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel chi nhánh Huế cho rằng, ý tưởng xây dựng các sản phẩm gắn với mưa rất hay. Tuy nhiên, trong những sản phẩm đưa ra có một số chưa phù hợp, không có tính khả thi cao. Nhà thơ Võ Quê góp ý, từ ý tưởng đến thực tế là một quá trình. Để thành công cần có những thí điểm cụ thể. Sản phẩm nào thấy hiệu quả thì mới áp dụng đại trà. Chẳng hạn như khu ẩm thực Huế vào mùa đông đến nay vẫn chưa thấy ngành du lịch Huế thí điểm và triển khai. Không có gì khác, ẩm thực chính là sản phẩm mạnh nhất của Huế khi vào đông.

Đức Quang
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

“Cụ” xà cừ 100 năm ở Huế được giữ “sinh mạng’ nay đã lên mầm xanh

“Cụ” xà cừ 100 năm ở Huế được giữ “sinh mạng’ nay đã lên mầm xanh

Mầm xanh đã hồi sinh trên cổ thụ được trồng lại sau khi bị bão

Xây dựng Huế là điểm đến hạnh phúc

Xây dựng Huế là điểm đến hạnh phúc

Huế đang được cộng đồng du lịch đánh giá là điểm đến để tìm kiếm

Chân dung bếp trưởng mang ẩm thực Huế ra thế giới

Chân dung bếp trưởng mang ẩm thực Huế ra thế giới

Là một trong số những đầu bếp sẽ tham dự Ngày ẩm thực Việt Nam

Du lịch trên những tuyến sông vẫn còn để ngỏ

Du lịch trên những tuyến sông vẫn còn để ngỏ

Chiều đó, khi nhìn những chiếc tàu ngược xuôi với mật độ khá dày đặc

Huế vận động tháo dỡ hàng rào trên đường Lê Lợi dọc sông Hương

Huế vận động tháo dỡ hàng rào trên đường Lê Lợi dọc sông Hương

Đường Lê Lợi dọc sông Hương được mệnh danh là "Phố bảo tàng" và  chính

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose