Văn hóa Huế | Homepage

Cầu qua sông

🕔07.Dec 2016
Nhớ hồi sinh viên, niềm vui cuối tuần là được đạp xe về thăm nhà.Có lần đạp xe từ Huế về quê ngày thứ bảy, tôi đã không rẽ vô bến đò quen thuộc Cồn Tộc- Vĩnh Tu để qua đò ngang như mọi khi mà đạp thẳng luôn theo con đường tỉnh lộ 4 qua các xã Quảng Lợi, Quảng Thái, Phong Chương để rồi rẽ về bến đò quê thân thuộc. Hồi đó, tuyến đường này còn là nỗi kinh hoàng của người đi xe đạp với những bãi đá lổm chổm, xe cứ nhảy lóc cóc ê cả người…
Không hiểu sao hồi đó tôi lại có ý thích lạ lùng vượt một đoạn đường hơn 20 cây số mệt mỏi như thế; rồi đến đoạn từ đường cái rẽ tới bến đò, qua còn đường khá lầy lội và cả mấy cái cống nước nên phải vác xe lên vai mà đi nữa. Nhưng chừ nghĩ lại thấy rất thú vị vì chuyến đi này. Đạp xe về tới bến sông quê thì trời đã nhập nhoạng tối. Cũng may là gặp mấy người làng đi làm đồng bên kia sông cũng đang chờ đò.

Sông Ô Lâu đoạn chảy qua làng tôi khá hẹp nên có thể đứng bên ni bờ mà kêu thiệt to để gọi đò bên nớ. Thích nhất là nghe tiếng chèo quẫy nước thật yên lành. Lái đò là một người quen, chắc là đã lai rai mấy ly rượu buổi chiều rồi nên hơi gật gà: “ Chà đò ni chỉ đưa người đi làm rọn( ruộng) chơ không đưa người từ côi Huế về nghe!”.Qua sông tôi rút tiền ra trả, eng cười: “nói vui rứa thôi chơ tui biết sinh viên làm chi có tiền!”.  Đó cũng là lần cuối cùng tôi  đi đò qua bến sông quê…

Chiếc cầu Hòa Xuân bắc hai bờ sông quê tôi đã ra đời hơn 10 năm rồi. Có cầu, người lái đò gác mái chèo chuyển sang nghề nuôi cá lồng, trồng sen trên sông. Nông dân vác nông cụ chạy xe thong thả qua cầu làm ruộng. Mỗi lần qua cầu, nhìn bến đò năm nao bây chừ đã trở thành những cánh đồng sen mà nhớ chuyến đò cuối qua sông năm nào…

Nhớ cứ đến những ngày gió nam nắng gay gắt, trong câu chuyện đêm hè hóng gió trước sân  nhà của ba và mấy bác, mấy chú trong xóm có nghe nói nước mặn đã lên tới đập cửa Lác rồi…Nghĩa là  nước sông Ô Lâu sẽ bị mặn.Trời đang hạn, lúa thiếu nước mà nước sông mặn thì nông dân chỉ còn cách ngửa mặt lên trời trông mưa…

Cửa Lác là cửa sông Ô Lâu chảy ra phá Tam Giang. Có lẽ  cái tên cửa sông này là cửa Lác vì ở đây loài cỏ lác mọc um tùm. Chim chóc bay về trú ngụ dày đặc trên những thảm cỏ lác xanh miên man hai bên biền sông, biền phá.Mỗi lần đi trên chuyến đò dọc chiều ngang qua cửa Lác thấy từng đàn chim sải cánh rập rờn giăng kín cả mặt nước tìm tôm cá. Ngư dân sống bên con phá gần cửa Lác có nghề cắm câu không phải để bắt cá mà là bắt chim, chỉ qua một đêm là có đầy cả bội chim mang đến chợ quanh vùng để bán.

Hồi trước khi hệ thống đập cửa Lác chưa được xây dựng kiên cố, mấy xã trong vùng thường tổ chức đi làm thủy lợi đắp đập cửa Lác để chống mặn. Tôi có đi theo chơi một lần thấy mấy thanh niên nam nữ làm thủy lợi bốc đất hàn đập khơi khơi cho có, đến giờ nghỉ trưa tán tỉnh nhau, rồi mặt trời chưa tắt đã nghỉ làm tiếp tục tán tỉnh nhau.Nhưng cũng nhờ vào công trình thủy lợi này mà không ít người thành đôi thành lứa…

Rồi công trình thủy lợi cửa Lác được xây dựng kiên cố hoàn thành kết hợp làm cầu giao thông nối xã Điền Hòa với xã Quảng Thái. Sau cầu Thuận An thì đây là chiếc cầu thứ hai bắc qua phá Tam Giang rồi sau đó không lâu mới có những chiếc cầu lớn hiện đại như cầu Trường Hà, cầu Ca Cút. Chỉ có điều cầu cửa Lác  là cầu trên đập thủy lợi nên hẹp chỉ dành cho người đi xe máy, xe đạp hay đi bộ còn ô tô thì không qua được…Cửa Lác cũng là một điểm ngắm phá Tam Giang rất đẹp.

Qua cầu cửa Lác bữa ni  không còn thấy chim chóc bay  kín cả một vùng sông nước như  năm nào mà chỉ còn lơ thơ mấy chú cò, chú vạc lạc bầy đang kêu tìm bạn. Nhưng cửa Lác còn đó một món đặc sản đó là con trìa nằm dưới đáy phá. Trìa có nhiều trên phá Tam Giang nhưng ở cửa Lác là ngon nhất bởi vì đó là nơi giao thoa giữa hai làn nước ngọt và nước lợ…

Phi Tân
(Theo TRT)

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose