Văn hóa Huế | Homepage

Đoàn tụ với mưa Huế

🕔19.Dec 2016

Bên trái, bên phải tôi rỗng đến mấy hàng ghế. Phía sau hình như cũng thế vì chẳng nghe thấy điều gì. Tiếng động cơ mỗi lúc một quen đi và ngoại trừ nó ra, không gian trên khoang bay có vẻ khá mịn màng.

 1. Chuyến bay VJ từ Huế đi TP Hồ Chí Minh hôm ấy “delay” 20 phút, cộng với chừng 40 phút đến sớm, đủ là lý do để tôi gọi một ly café đen đá to bự chảng. Lý do đơn giản nhất là để có một chỗ ngồi dễ chịu hơn trong sảnh chờ trên tầng 2, sân bay Phú Bài. Thêm Không ai qua sông của Nguyễn Ngọc Tư là thấy mọi thứ có vẻ được lấp đầy. Truyện của Tư, nghe nhỏ nhẹ mà xót. Những câu nghe bơ thờ thế thôi, sao cứ làm lòng mình nhoi nhói.

“Góc” Huế trong mưa. Ảnh: Hoàng Hải

Khi đang chay vay với cái Nút áo, nghĩ mình có thể lúc nào đó, lì lợm chịu đựng nỗi đau của cô gái tên Tím trong câu chuyện ấy không và nghĩ về một sự tha thứ, xem nó có đáng để có không thì người phụ nữ ấy ghé vào. Giọng Huế đã chần chừ giữa âm sắc Nam bộ và cách dùng từ “Chị ngồi đây dzới nghen, có được hông?”. Một lúc thì chuyện “nở”. Là vì tôi bắt chuyện khi thấy chị hay nhìn sang. Rồi biết chị về nhà. Kỵ ba. Nhưng mà Huế mưa phát rầu. Bạn bè thì cũng không còn đủ để thân nên buồn quá, chị bỏ vé VNA, lấy chuyến này. Rẻ òm à. Nhưng mà ngán nó hay “delay”. Biết chị làm việc cho một group nào đó chuyên về kinh doanh khách sạn. Ờ, có cái khách sạn đầu đường Thủ Khoa Huân nữa đó, cách Kelly có chút xíu thôi à…

Một lúc thì chuyện ngưng vì chị có điện thoại. Tôi quay trở lại với cô gái tên Tím của mình. Nhưng ghế gần đến nỗi nghe tiếng chị than, là Huế buồn quá, chịu hổng nổi. Cũng hổng biết đi đâu ráo trọi. Ngay sau đó là những cuộc chốt lịch gì đó không rõ.

Tôi đứng dậy, vác balo đi lòng vòng quanh mấy shop lưu niệm. Cũng chẳng có gì để mua. Chỉ là một cách im lặng tán gẫu khác. Nhưng chắc hơn, là tôi muốn chị có một không gian nói chuyện điện thoại dễ chịu hơn, phần nữa, là vì tôi có chút mếch lòng nhẹ. Chị 30 năm xa Huế, có chừng một ngày một đêm với mưa thôi mà đã không chịu nổi, còn tôi thì sao? Mà mưa Huế, 40 năm mà tôi sống cùng, dù có lúc này hay lúc khác nhưng vẫn dai dẳng vậy thôi. da diết vậy thôi, dù cũng có lúc vì nó mà phiền muộn.

Tôi không gặp lại chị kể từ lúc rời đi. Ly café dang dở trên bàn.

Đoàn tụ. Ảnh: Tấn Khang

Trên khoang máy bay, tiếng rì rầm ban đầu cuối cùng rồi cũng trỗi dậy khi đèn bật sáng. Con nhìn kìa, đẹp chưa? Sài Gòn buổi tối nhìn từ trên cao xuống đã không? Một giọng Huế phai ngay sau lưng. Tiếng cậu nhóc trầm trồ về những vệt đèn dài và sáng chạy liên miên trên đường. Má, chỗ nào là sông? Biết chỗ nào là nhà mình hả má? Giọng Huế phai từ tốn, chỗ đó, mình vừa bay qua sông. Giờ tối nên nhìn ánh sáng chỗ nào cũng đẹp. Ngày thường, ngó xuống toàn thùng tôn chứa nước của người ta không hà. Một lúc thì giọng Huế phai trầm xuống, chút xíu nữa là về đến nhà rồi đó. Không biết chừng mô mình mới lại về quê được. Má nhớ bà ngoại rồi…

2. Quay về nhà trên chuyến bay của VNA lúc 19h35. Cũng muộn 20p cho sòng phẳng với chuyến đi. Chắc là đã có nhiều chuyến đưa khách về Huế nên thấy khoang vắng. Chắc còn vì không phải là của hãng giá rẻ. Sự tham gia của Jestar và Vietjet thật sự đã mang đến lựa chọn hơn, cho nhiều người.

Bên trái, bên phải tôi rỗng đến mấy hàng ghế. Phía sau hình như cũng thế vì chẳng nghe thấy điều gì. Tiếng động cơ mỗi lúc một quen đi và ngoại trừ nó ra, không gian trên khoang bay có vẻ khá mịn màng. Tôi bật đèn đọc cá nhân. Không phải là Nguyễn Ngọc Tư nữa mà là sự hiện diện của Patrick Modiano – tác giả của giải Nobel văn chương năm 2014 với Từ thăm thẳm lãng quên của ông. Những cái tên nhân vật không dễ nhớ, nhưng tôi không thích ngay cách kể chuyện theo lối tự sự là mấy. Dù sao thì những chi tiết của các nhân vật chính, nhất là Jacqueline, sau nữa là Van Bever và một vài cái tên khó gọi khác cũng mang đến sự cảm nhận về sự ngột ngạt, những lựa chọn, trốn tránh, tìm kiếm và có thể, là một tình yêu phải khó khăn lắm mới nắm bắt được. Nói có thể là vì, tôi đã và cho đến bây giờ, vẫn còn đang dừng lại ở trang 109. Trong một cuộc trốn chạy nào đó của hai nhân vật chính.

Là tôi đã gập lại nỗi thắc thỏm của chính họ để nghĩ về một sự dễ hiểu hơn, vui nhộn hơn và cũng đơn giản hơn trong cuốn phim mà mình xem ở tầng 10 tòa nhà Pakson gần Tân Sơn Nhất trong khi chờ giờ vào làm thủ tục. Những nhân vật hoạt hình của Đấu trường tranh tài trong một kịch bản rất đời, hơi nhân văn quá nhưng vì thế mà nó không làm người xem nặng đầu. Rồi lại nghĩ đến những chuyến bay khác, đâu đó trên tầng trời, chở những người mà tôi đã nhìn thấy trong phòng chờ về mọi phía.

Quá sớm để ai đó có thể ngủ trên đường bay. Cái tĩnh lặng và bình yên đến độ mà tôi chắc rằng, hình như mọi người đa phần là về nhà, với một kiểu cách rất Huế. Sợ phiền không gian của ai khác, nên lặng lẽ, nhún nhường và nhu mì. Hay là tôi, với 40 năm sống cùng mưa Huế, đã tự mặc định ý nghĩ của mình?

Gần 20h30 phút. Phú Bài lấp loáng mưa trong những quầng sáng. Phải chờ rất lâu trên xe vì chuyến bay có người phải nhờ đến sự giúp đỡ của các tiếp viên hàng không và cả nhân viên mặt đất. Nhưng cuối cùng thì, tôi vẫn thấy ông cười, rạng rỡ trên xe lăn với một bên tay líu quíu khi được đẩy ra cửa chính.

Cả B. nữa, hơi chút mỏi mệt vì cuộc vui từ 8h sáng với bạn bè ở Sài Gòn sau khi hoàn thành khóa học ngắn ngày ở Singapore, đang cùng tôi trên chuyến xe về nhà. B. bảo, lớp em 31 đứa, còn mỗi mình em ở Huế. “Em là hàng độc mà” – tôi nói, chỉ đùa một nửa.

Và chúng tôi đã trở về, đoàn tụ cùng mưa Huế.

Hoàng Mai
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose