Văn hóa Huế | Homepage

Ăn hàng ở chợ

🕔19.Mar 2017

Ngày nhỏ, có ai không muốn theo mẹ, theo bà đi chợ để được… ăn hàng? Cứ tưởng, sở thích ấy chỉ dành cho những ngày thơ bé, nào ngờ lại đeo bám đến tận mấy chục năm sau.

Cuối tuần về thăm mạ. Buổi sáng, thấy mạ xách giỏ ra đầu ngõ, mình liền lật đật chạy theo. Đi chợ với mạ, là để xách giỏ giúp, vậy mà mạ lại cười cười: “Bây đi chợ để ăn hàng chớ chi”. Thật là uổng công mình có ý tốt.

Ăn hàng ở chợ, nhất là chợ quê, vừa ngon vừa rẻ

Chợ quê nằm bên mé sông. Nơi hai nguồn nước đổ về hợp thành một dải. Con đò cũ kĩ chòng chành, vậy mà năm dài tháng rộng vẫn cặm cụi đưa dân làng mình qua bên kia sông họp chợ. Sông Hương phía đầu nguồn không rộng lắm. Đò vừa được chống sào đẩy ra khỏi bờ, người đi chợ chưa kịp hỏi han nhau mấy câu, đò đã cập bến. Tiếng ồn ào xôn xao vọng xuống, như thể cả thế giới đã bị thu nhỏ bằng cái chợ trước mắt.

Mạ xách giỏ te te xuyên qua hàng cá, đến hàng rau, rồi vượt qua hàng khô. Mình lật đật chạy theo. Chỗ chợ cá có dải nước đen đen chảy ngang, mạ sải chân dài hơn một chút, mình tí nữa thì lãnh đủ. Ở hàng rau lối đi hơi chật, trên sàn lồi lõm còn có mấy cái ổ gà, ổ vịt nữa mới ghê. Mạ quay lại dặn: “Đi đứng nhớ nhìn đường cho kỹ”. Chợ nhỏ, người đông, chen chen lấn lấn, mình cố nhìn kỹ thì vẫn “xỉa” ổ gà như thường. Ai bảo, lâu lâu mới về đi chợ với mạ, không quen đường quen sá là phải.

Tưởng mạ đi tìm mua thứ chi, ai dè mạ đi thẳng tới hàng ăn, làm mình cứ ngơ ngác rồi hì hụi chạy theo. Mạ cười, đã sang đây rồi thì kiếm cái chi ăn đi, có sức mà “lũi” chợ. Nói xong mạ xách giỏ đi, bảo lát nữa mạ mua về ăn cùng ba. Mình còn đang tần ngần nhìn quanh quất, chưa biết ở hay đi, rồi lại nhủ, “lắm món thế này, biết ăn cái chi”, thì o Huế bún bò đã đon đả: “Chà, lâu rồi mới thấy đi chợ. Cuối tuần lên thăm nhà hả con?”. Mình dạ rõ to. Rứa là kéo ghế ngồi thôi.

Tô bún giò nghi ngút khói, nước dùng trong vắt, móng giò trắng giòn, mùi hành ngò thơm phức nhanh chóng được bưng đến. Đũa còn chưa kịp cầm, đánh mắt sang trái thấy gánh bèo – nậm – lọc của dì Bảy xanh xanh đỏ đỏ, nhìn sang trái là gánh cháo lòng thơm nức mũi của chị Lan. Rồi bánh canh, bánh mì, cơm hến, thôi thì đủ thứ, mới nhìn đã chảy nước miếng, nhưng cái bụng có hạn. Biết làm răng.

Hàng ăn ở chợ, chỗ nào cũng kín người ngồi. Chợ quê, nên chủ quán, khách ăn đều là người quen cả, thế nên cứ tự nhiên mà nói cười xôn xao. Dì Hai vừa ăn bún vừa tỉ tê, chiều hôm trước chịu khó, lặt lặt ngắt ngắt mớ rau trong vườn, sáng nay mang ra chợ bán, rứa là dư tiền ăn hàng. Chị Lan thì lùa vội tô bún, bảo còn phải về gấp, chồng chị lên rẫy cuốc đất sớm, giờ phải xách “hàng lỡ” lên.

Ăn ở chợ quê vui lắm. Mới ngồi ăn còn chưa vơi tô bún đã nghe đủ thứ chuyện trong làng, ngoài xã. Từ chuyện chị ở làng kia bị người ta giật hụi tìm cách tự vẫn không thành. Rồi chị làng này… cầm dao rượt chồng, vì anh này đánh bạc bay mất mấy sào ruộng sau nhà. Rồi chuyện con Én, con Dần đi làm ăn tận “Xì Gòn”, mới gửi tiền về cho mạ nó xây nhà…

Ăn hàng ở chợ, nhất là chợ quê, vừa ngon vừa rẻ, lại được “khuyến mãi” tin tức, ai mà không ham. Mình lâu lâu mới về quê một lần, nên càng khoái. Nhưng mà, ngồi ăn ở chợ, nhiều khi còn được khuyến mãi nhiều thứ lắm, có khi là sợi nắng lọt qua tấm nilong che trên đầu, là mấy giọt mưa tạt ngang khi bất chợt có con gió lùa qua. Nhưng mà, người quê mình, ai đến chợ mà… không ăn hàng, thì xem như chưa đặt chân đến chợ. Thế mới nói, ngày trước ở chợ có quán bún bò mụ Dân, ngon đáo để. Người ta đi chợ, cứ chọc nhau là đi “kéo ghế mụ Dân” đó thôi.

Nói đến chuyện ăn hàng ở chợ, đâu có mỗi chợ quê mình. Chợ trên phố còn đông khách dữ, mà thức ăn thì đa dạng vô cùng. Nếu chợ quê lèo tèo vài món, thì những hàng ăn ở chợ Đông Ba, chợ Tây Lộc phải gọi là “thiên đường” ẩm thực. Bún thì có bún thịt nướng, bún mắm nêm, bún trộn, bún xào, bánh xèo, bánh đúc, bánh nậm, bánh lọc, bánh cuốn, bánh tôm, bánh tráng trộn. Rồi chè, kem, trái cây nước mía… đủ cả.

Một dì bán hàng ăn bảo, cứ có đi chợ là có ăn hàng. Chợ lớn, chợ nhỏ chi cũng rứa. Cứ dạo quanh quanh cho mỏi chân, xong lại mò vô ăn hàng. Như hôm rồi mình cùng mấy đứa bạn vô chợ Đông Ba mua vải. Lủi chợ có một vòng mà khát nước muốn khô cả cổ. Ghé hàng chè trong chợ. Trời ơi khách đông ơi là đông. Chắc người ta cũng lủi chợ mệt, nên nghỉ lấy sức như mình. Hết ghế, nên mình còn ngồi nhầm sang hàng bên cạnh, khiến chị chủ phải líu ra líu ríu “níu” khách về. Mà đi ăn ở chợ cũng chuẩn bị tâm lí nghe. Mấy chị bán hàng miệng cứ ngọt xớt: “Ngồi xuống đây ăn bún/ăn chè/ ăn bánh đi em ơi”. Giọng mời chào ngọt lịm rứa, răng bỏ đi cho đành.

Ăn ở chợ, người ta cũng ít “kiểu cách” hơn thì phải. Đừng ngạc nhiên khi thấycó người bưng tô bún lên húp cái rổn, hay nghe ai đó nhai cục xương chong chóc, rồi có người nhiệt tình hút ly nước cái rột đến cạn đáy. Ăn uống đôi khi phải thoải mái vậy mới ngon. Chứ vào hàng quán sang chảnh, nhiều khi còn mãi “giữ hình tượng” nên vị giác cũng giảm đi vài phần. Thế mới có cảnh ở chợ, chị kia mang giày cao gót, váy dài thướt tha, vẫn ung dung ngồi chồm hổm ăn xâu thịt nướng. Anh nọ sơ vin, giày tây, cũng khoan thai ngồi gặm chân gà trong chợ. Hóa ra, ăn hàng ở chợ, đâu chỉ có chị em phụ nữ chúng mình.

Mình ngồi ăn chè, mà tai cũng dỏng lên nghe ông khách Tây bi bi bô bô. Ổng bảo, ăn ở chợ, mới hiểu hết được văn hóa của vùng miền. Rồi ông hỏi giá từng món, rồi lại xuýt xoa bảo rẻ quá, rẻ quá. Cũng may mấy năm đi làm, vốn tiếng Anh cũng không tệ, nên giờ mới có cơ “ra vẻ” với người ta.

Ăn ở chợ, phần lớn thức ăn cứ để chơ hơ ra, nhiều khi nhìn cũng ngại. Nhưng mà ai bảo ngon làm chi, đã vậy giá rẻ muốn té ghế nên chi cũng liều.

Linh Chi
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose