Văn hóa Huế | Homepage

Dân dã rau câu

🕔20.Mar 2017

Ăn để mà thấy yêu thêm rất nhiều quê hương nghèo khó mà ngay cả cọng rau câu, cũng cơ hồ thương lấy con người đã bao đời đón gió bên mênh mông sóng nước…

Có người đi xa đầm phá Tam Giang lâu năm, một ngày xứ lạ chợt nhớ quê nhà qua những vần vè đượm sắc dân gian: “Câu cẩu cầu câu/Đi đâu cũng nhớ/Rau câu quê mình/ Nhớ dáng nhớ hình/Dân mình lặn lội/Đầm phá Tam Giang/Trời nắng chang chang/Vớt rau vớt cỏ…”.

Chỉ cần 5.000 đồng là đã có một đĩa rau câu ngon miệng

Ở đầm phá Tam Giang, rau câu là món ăn thân thuộc. Nghề vớt rau câu cũng đã là nghề truyền thống. Những người làm nghề đánh bắt cá mỗi lúc ra khơi lỉnh kỉnh ngư cụ, còn những người vớt rau câu phần lớn chỉ trông cậy vào đôi bàn tay với tài lặn ngụp giỏi giang của mình. Tết nhất xong chừng tuần trăng, hạ tuần tháng giêng là đã vào mùa lặn vớt rau câu. Sáng sớm, chống thuyền ra phá, cứ thấy điểm nào có làn nước màu đen là dừng thuyền. Rau câu dưới đáy nằm từng mảng dày, chỉ cần tìm vài điểm như vậy là trong ngày đã có “lộc đầm”. Lặn rau câu không khó, mò mẫm trong tầng nước sâu, rau câu khiến tay chân có cảm giác nhám, còn các thứ rong tảo khác thì cảm giác trơn hơn, quen là nhận ra ngay. Rau câu lặn về, cái tươi bán lên các chợ, có công thì đem phơi làm rau câu khô bán được tiền hơn.

Ra chợ mùa này thế nào cũng gặp rau câu bán rất rẻ. Mua về nhặt vài cọng cỏ lẫn, ngâm nước muối chừng hơn một tiếng thì đem xả nhiều nước cho sạch. Xả xong, nấu nồi nước sôi cho rau câu vào chần qua, đừng để quá chín sẽ mất cái giòn ngon của nó. Chần xong vớt ra, đã thấy rau câu chuyển từ màu vàng xỉn chuyển qua màu xanh bắt mắt. Dùng tay vắt thật khô thành các vắt tròn, tới lúc kiệt nước thì gỡ tơi ra. Để có đĩa rau câu ngon nên trộn thêm giá đậu xanh, rau thơm, rau ngò, xà lách xé nhỏ, ai ăn được lá diếp cá thì cho thêm vài cọng vào cho đậm hương. Chỉ cần mua chừng 2.000 đồng rau câu, thêm 3.000 đồng rau sống là đã có đĩa rau câu ngon cho bốn người ăn.

Rau câu chỉ ăn ngon với nước chấm tôm kho đánh: tôm lột vỏ giã nhỏ, ướp tiêu, hành, nước mắm; mỡ heo còn da xắt nhỏ để sẵn. Tỏi đập dập phi cho thơm rồi thả một ít ớt bột vào đảo đều, nhớ đừng để ớt cháy, tiếp đó cho mỡ heo vào xào, chờ chín thì cho tôm đã ướp vào xào tiếp. Đến khi tôm chín thì cho nước ruốc (đánh ruốc trong chén nước lạnh khuấy đều, gạn lấy nước trong) đợi sôi trở lại thì tắt bếp. Lấy chén giã ớt trái và tỏi nếu thích ăn cay, rồi múc nước ruốc vừa nấu xong ra.

Bày rau câu trộn rau sống các thứ ra đĩa, cho thêm vài trái ớt đỏ lên trên là sẽ thấy một đĩa rau đủ màu xanh, trắng, đỏ ngon lành cùng chén nước chấm tôm kho đánh bên cạnh, cũng mỡ màng trắng vàng đỏ ngon mắt. Bấy giờ dùng đũa gắp một gắp rau, chấm vào chén nước chấm rồi lấy chén hứng đưa lên miệng. Vị giòn bùi thoảng hương bùn đất của rau câu, giòn cứng của giá, mùi thơm của rau thơm, rau ngò, diếp cá; bấy nhiêu thứ hòa vào nhau cùng với cái béo của mỡ, dai của da, cay của ớt, tỏi… Nhai càng kỹ càng có cảm giác mình đang đi vào ngọn nguồn lạch nước đầm phá. Như thể ngàn năm vạn năm, trời đất này đã bày sẵn món ngon và mình chỉ việc hưởng cái thú dân dã ấy. Ăn để mà thấy yêu thêm rất nhiều quê hương nghèo khó mà ngay cả cọng rau câu, cũng cơ hồ thương lấy con người đã bao đời đón gió bên mênh mông sóng nước…

Thanh Ngọc
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc

Từ bé, tôi đã ngưỡng mộ kỹ thuật xắt bột điêu nghệ của các o,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Cháo gà đêm Bến Ngự

Cháo gà đêm Bến Ngự

Huế vẫn luôn là một điểm ẩm thực hấp dẫn với nhiều món ngon, đặc

Nhớ chi lạ món cá đồng kho tương của mạ

Nhớ chi lạ món cá đồng kho tương của mạ

“Ra làng lấy cá vô kho tương con ơi! Trộ mưa hôm qua, cá về

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose