Văn hóa Huế | Homepage

Làng nơi ven đầm Cầu Hai

🕔02.Apr 2017

Hơn 500 năm trước, những làng quê đầu tiên đã xuất hiện ven đầm Cầu Hai. Đọc “Ô châu cận lục”, cuốn địa chí đầu tiên viết về vùng Thuận Hóa xưa, đã thấy có những tên làng như Ba Lỗi (Truồi), Cao Đôi ở phía bên này hay bên kia là những cái tên như Diêm Trường, Phụng Chánh, Vinh Hòa, Đông Dương…

Đầm Cầu Hai trong sương sớm (Ảnh: Tấn Thành)

Về Vinh Hiền, trèo lên đỉnh Túy Vân vào buổi chiều tà, nhìn ra đầm Cầu Hai mênh mông sóng nước, tôi lại nhớ tới tác giả “Ô Châu cận lục” với những chấm phá nao lòng: “Đông Dương mấy gian nhà chênh vênh bên bể, góc bể cũng ngời lên áng mây hồng”. Đông Dương là một làng nhỏ thuộc xã Vinh Hiền, nằm ở cuối đầm Cầu Hai, ven cửa biển Tư Hiền nổi tiếng. Cho đến bây giờ, nơi vùng đất này, con người đã hội tụ đông đúc mà vẫn thấy bé nhỏ, lẻ loi và chênh vênh làm sao khi bao bọc xung quanh là sóng nước mênh mông Cầu Hai, huống hồ chi hơn 500 năm về trước. Xin được mở ngoặc, Cầu Hai là tên Nôm. Tên Hán là Cao Đôi, Cầu phỏng âm thành ra Cao, còn Đôi chính là nghĩa của Hai và cũng có nghĩa là hòn đất.

Càng quan sát, càng lần tìm về lịch sử, càng thêm thấy trân quý biết bao những gian nan, vất vả và ý chí hướng về trước mãnh liệt của ông cha ta trong cuộc chinh phục vùng đất ven đầm Cầu Hai này. Đọc những tư liệu lịch sử, được biết sau 300 năm định cư, vào thời Tây Sơn (cuối thế kỷ 18), nhận thấy xung quanh còn nhiều đất đai hoang hóa, có 3 nông dân ở 2 làng Diêm Trường và Phụng Chánh (xã Vinh Hưng) đã đi vào vùng sâu xa ngay trên địa bàn, tiến hành khai phá lùm bụi, dựng nhà tạm và ít lâu sau lập thành 2 phường gọi tên là Diêm phường và Phụng phường. Năm Cảnh Thịnh thứ 9, Diêm phường làm đơn xin tách khỏi Diêm Trường, có phó bản phê cho nhưng gặp sự cố không thực hiện được. Năm Tân Dậu (1801), Diêm phường lại làm đơn xin tách riêng, được trên phê cho làm thôn Nam Trường. Cũng năm này, Phụng phường nộp đơn xin tách riêng khỏi Phụng Chánh. Đến năm 1805, cả hai phường đồng thuận lập giấy tờ xin hợp làm một thôn, lấy tên là Nam Trường, nay thuộc xã Vinh Giang.

Bất ngờ hơn mới đây có dịp đọc gia phả họ Phan ở làng Tân An (xã Lộc Bình), tôi được biết tổ tiên vốn gốc người ở làng Hà Thanh (xã Vinh Thanh) chuyên làm nghề nò sáo. Đến đời con về làm ăn sinh sống ở làng Nam Trường. Sang tới đời cháu, đã vượt đầm Cầu Hai qua khai phá làm ăn, góp phần lập nên ấp Tân An. Mới hay, từ Diêm Trường, Phụng Chánh về Nam Trường, rồi qua Tân An là cả một hành trình của nhiều thế hệ cùng một gốc tích trong cuộc chinh phục vùng đất ven đầm Cầu Hai. Nó không phải là cá biệt mà một nét chung, cho thấy sự liên hệ khăng khít giữa các làng quê nơi mảnh đất “đầu sóng ngọn gió” này.

Bắt đầu bằng những điểm chấm phá, công cuộc khai phá vùng đầm Cầu Hai dần được mở rộng, từ một làng thành hai, rồi ba, rồi bốn, cứ thế cả vùng đất hoang hóa kia bị chinh phục bởi sức mạnh của người Việt ta trong hành trình mở cõi. Còn nữa, với đặc thù một vùng sông nước, ngay từ thời nhà Mạc đã hình thành những xóm chài ở bãi Diêm Trường. Ban sơ chỉ là vài ghe thuyền đánh cá tạm bợ. Theo thời gian, dân cư ngày càng đông đúc và nhiều vạn chài ven đầm Cầu Hai được thành lập. Dưới thời nhà Nguyễn, tổng Võng Nhi ra đời. Đây là tổng có 16 thôn, ấp, giáp, man với đặc điểm chung là sống thủy diện, không có đất định cư. Vùng đầm Cầu Hai là nơi có nhiều làng không đất đó mà tiêu biểu là các giáp Miêu Nha (thượng, hạ, trung, đông).

Nghề đánh bắt thủy sản luôn gắn chặt với người dân Cầu Hai (Ảnh: Tấn Thành)

Dù có đất hay không, nhưng do bởi cùng có chung một gốc gác và không gian sông nước nên dù mỗi làng một vẻ vẫn dễ dàng bắt gặp nơi đầm Cầu Hai những hoạt động kinh tế và các sinh hoạt văn hóa tương đồng. Người dân các làng nơi đây cùng lập vườn, làm ruộng, có thêm ít nghề phụ thủ công và đặc biệt gắn bó với nghề “theo đuôi con cá”. Đất ruộng ven đầm nhỏ hẹp, canh tác khó khăn nên câu thơ của Chính Hữu “quê hương anh đất mặn đồng chua” như cứ vận vào nơi đây. Nghề đánh bắt tôm cá như một mưu sinh gắn chặt với cuộc sống người nên đi đâu cũng bắt gặp những am thờ Bà Ngư, thờ Ông (cá voi)… Rồi nữa là các lễ hội sông nước, như đua ghe, đua tròng… rộn ràng. Hai làng Diêm Trường và Phụng Chánh (Vinh Hưng) có lăng mộ, am thờ và còn lưu lại những tài liệu cổ về bà Trà (Trà Quận công phu nhân, người làm Diêm Trường), được xếp vào hàng khai quốc công thần thời chúa Nguyễn. Cũng là một bất ngờ thú vị khi bắt gặp ở vùng đất mới Tân An thêm một am Bà Trà.

Câu chuyện về làng Tân An ở xã Lộc Bình cho thấy, để trụ vững lại trên mảnh đất thiêng này là cả một quá trình đấu tranh đầy vất vả với thiên nhiên và cả với những thế lực bạo tàn. Hơn 200 năm trước, Tân An đã xuất hiện với tư cách là một ấp của tổng Diêm Trường và sau đó là An Cư. Nơi vùng Rẫm hoang vu và hiểm trở, mãi cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, cả ấp Tân An cũng chỉ có vài chục nóc nhà. Rồi chiến tranh nổ ra, kéo dài từ cuộc kháng chiến chống Pháp sang chống Mỹ, Tân An và cả vùng Rẫm là xã Lộc Bình nay trở thành chiến trường. Đã có một thời gian dài, cả làng Tân An chẳng còn bóng dáng một mái nhà. Thế nhưng, ngay từ năm 1973 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào giai đoạn kết thúc, những con dân của Tân An trong ấp chiến lược ở Phước Tượng (xã Lộc Trì, Phú Lộc) được giải thoát đã nhanh chóng trở về nơi “chôn nhau cắt rốn”, để rồi sau đó quê hương giải phóng, làng quê Tân An hồi sinh và ngày càng phát triển cho tới hôm nay.

Mỗi lần đọc lại “Ô Châu cận lục”, tôi như bị thôi miên bởi những câu chữ của các bậc tiền bối xưa khi viết về các làng quê Thuận Hóa, trong đó có vùng đầm Cầu Hai. Nào là “Cao Đôi lá biếc rườm rà”, nào “chiếu đẹp Diêm Trường lấp lánh những váy gấm như tơ bạc”, rồi “ Vinh Hòa, đầu giường lạnh lẽo, bóng trăng chênh chếch”… Tác giả của “Ô Châu cận lục” rất khiêm tốn khi viết rằng, “văn ở đây chỉ đúng với ý nghĩa của các địa danh chứ chưa chắc đã đúng với thực tế, được chỗ này mất chỗ kia, sao tránh khỏi gượng ép và thiếu sót”. Tôi không luận bàn nhưng hãy cứ đọc lại mà xem, đó không phải là mô tả khô khan mà là sự nắm bắt tinh tế và tuyệt vời. Chỉ qua dăm từ ngữ thể hiện, nét đẹp và đặc trưng của từng làng quê được phô bày.

Tôi có ấn tượng đặc biệt đến những ngôi chùa ven đầm Cầu Hai. Nó không nhiều nhưng thật đáng để ta suy nghĩ. Từ rất xa xưa, trên này đầm Cầu Hai có chùa Hà Trung, Từ Duyên và nơi cửa biển Tư Hiền đã có chùa Thánh Duyên. Chùa Hà Trung thuộc loại danh lam cổ tự trong lịch sử Phật giáo xứ Huế; năm Ất hợi (1695), từng đón tiếp Hòa thượng Thạch Liêm (Trung Quốc) nổi tiếng với tác phẩm “Hải ngoại ký sự”. Còn Thánh Duyên là một trong bốn quốc tự ở xứ Thần kinh (cùng với Thiên Mụ, Diệu Đế và Giác Hoàng). Cứ thử tưởng trong đêm khuya thăm thẳm nơi miền sông nước, cùng lúc vọng lên những tiếng chuông chùa… Người đời đã có nhiều truyền tụng về tiếng chuông chùa đầy ngân vang nơi đầm Cầu Hai đó. Nó như sợi dây linh thiêng, gắn bó và liên kết những làng quê và những con người nơi vùng sông nước giàu tiềm năng nhưng đầy cách trở và cả sự khát khao vươn xa…

Đình Nam
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose