Văn hóa Huế | Homepage

Dưới nắng giao mùa

🕔02.Apr 2017

Vẫn là khung cảnh cuối xuân đầu hạ, vẫn là thời tiết mưa nắng gối đầu lên nhau, vẫn là cơn gió yếu ớt thổi về từ thung lũng, vẫn là những đêm xanh bước bộ một mình… Và trong sự lặp lại từng đêm ấy, tôi im lặng lắng nghe sắc đỏ thở tiếng thật thà.

Những cơn mưa mỏng hạt cuối mùa xuân không làm giảm bớt nét rực rỡ của hoa gạo mà có khi còn làm tăng thêm sức quyến rũ chân chất của nó. Để rồi ngay sau đó, nét xuân thì hoa gạo góp thêm một mảng màu đẫy đà nóng bỏng nhưng không thiếu nét duyên thầm vào khung trời bảng lảng của tháng ba. Mảng màu ấy như vết kim châm vào vùng ký ức tưởng đã khuất nẻo của người, như cái cách mà Nhã Ca từng nói, chỉ cần một màu đỏ để nhói lòng.

Bắc bộ, khi mưa xuân ẩm đất nồng nàn, gió lạnh vẫn còn rớt lại từ vụ đông, hoa gạo bung nở như muốn đánh thức sự ngủ quên của khí lạnh cuối mùa. Gạo hay mọc ở bờ đê, bên lò gạch cũ như một sự sánh bước trùng phùng của những di chỉ đồng quê. Chúng ở gần sông, xoã bóng xuống mặt nước bằng sự thản nhiên hiếm có. Bà nội tôi, sau giờ làm đồng buổi chiều hay nhặt hoa gạo rụng để trong nón mê mang về cho lũ cháu xâu tràng hoa hát đồng dao chơi trò đám cưới.

Có lúc muốn giấu kín tràng hoa thơ ấu ấy vào ngăn kéo, để nó mãi là ký ức được ngủ yên. Nhưng bỗng một ngày lang thang trên những con đường xứ Huế, ta ngỡ ngàng nhận ra, bông gạo xưa vẫn còn nguyên trong đáy nón của bà, như chưa từng bị tàn héo một mai.

Gạo Huế thân nhỏ hơn gạo ở ngoài Bắc, thường nở khi những vạt nắng non báo hiệu mùa hạ đang đến rất gần. Nó đứng một mình kiêu hãnh giữa các loài phượng, bằng lăng trên nền trời trong vắt. Những ngày mưa gió sụt sùi, đốm than hồng rực phát ra từ đóa gạo như sưởi thêm sinh khí cho bầu trời Cố đô rêu phong. Tôi hay đứng trên cầu Dã Viên, nhìn hoa gạo thắm đỏ như son dưới bạt đất ngay cạnh sông Hương phía bờ Bắc. Trong ảo ảnh mơ hồ, cảm giác hoa gạo đã cháy đỏ rực rỡ hết sức có thể, như đã nhìn thấy trước thời khắc tàn phai của chính mình.

Mỹ tục truyền thống của người Việt xếp gạo nằm trong số các cây cối tâm linh, ám dụ sự trú ngụ của hồn vía, ma quỷ, “Vía cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”. Cây càng già, hoa càng nhiều. Thân hình càng xù xì thô nhám càng chứng tỏ nó đã hơn một lần sống cuộc đời xanh tốt. Bông gạo bản to, 5 cánh dày, khi rụng nguyên đóa chứ không riêng từng cánh như nhiều loài hoa khác. Và nếu như khi còn ở trên cây, hoa gạo cá tính bản lĩnh bao nhiêu thì khi rụng xuống đất, chúng hiền lành riêng chịu bấy nhiêu. Đó là khí chất của loài hoa mang âm sắc tâm linh này.

Những chiều trống rỗng, không cafe, không âm nhạc, không bạn bè, tôi ngồi một mình dưới gốc gạo. Tôi nhận ra, đằng sau nét rực rỡ ấy là một sự trầm lắng đến độ cô đơn. Cô đơn nhưng đầy kiêu hãnh. Gạo cháy cạn đời mình không cần ước mơ. Đã nở dưới mưa xuân và sẽ tàn dưới nắng hạ. Nghĩa là đã sống và đã chết. Hết mình. Không than van níu kéo.

Tôi thấy hoa đẹp kiểu vô thường không thu xếp, như những chiếc gai lởm chởm ngắn dài.

Nguyên Hương
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose