Văn hóa Huế | Homepage

Lầu may ở chợ Đông Ba

🕔25.Apr 2017
Tồn tại gần nửa thế kỷ qua, lầu may ở chợ Đông Ba cứ như một nốt trầm lặng lẽ giữa huyên náo của khu chợ lớn nhất Huế. Lối cầu thang nhỏ và tối dẫn lên lầu may, những bức tường loang lỗ, ẩm mốc và cả những bàn máy khâu với âm thanh “ tạch, tạch” đều đặn, cần mẫn của những thợ may ở chợ cứ gợi cho mỗi ai đến đây về sự cũ kỹ, xa vắng…
Có gần 50 thợ may nhiều lứa tuổi đang mưa sinh hàng ngày ở lầu may này. Có người đã bước vào tuổi 85 như bác Chúc, bác Thể. Gần như cả đời của họ gắn bó với lầu may này. Bác Chúc kể rằng, từ năm 14 tuổi đã ngồi may ở chợ Đông Ba. Hồi những năm 1950 thế kỷ trước,  bác may ở tầng trệt. Sau này, chợ xây thêm lầu và từ đó đến nay bác trở thành người thợ già nhất, ngồi may lâu năm nhất ở lầu may này. Bác Chúc là thợ may áo địa (trang phục áo dài mà đàn ông mặc trong những dịp lễ tết, cưới hỏi). Khách hàng ở khắp nơi biết tiếng bác đều đến đây đặt may. Khi thì mấy tiệm may  nổi tiếng ở Huế như Mỹ Lệ, Tân Hiệp có người đặt may loại áo này thường chuyển giao cho bác may. Bác Chúc nói rằng: “ Đã qua tuổi bát thập, hơn 60 năm làm nghề rồi mà mắt vẫn sáng, lưng vẫn thẳng để ngồi may là trời cho sức khỏe. Tui ngồi đây ngày kiếm vài chục ngàn khỏi phải phiền con cái lo lắng lại có được niềm vui từ nghề…”


Bác Chúc từ năm 14 tuổi đã ngồi may ở chợ Đông Ba

O Tằm được bà con lầu may bầu  là lầu trưởng của lầu may này. O trước đây là nữ sinh của trường Đồng Khánh- Huế. Học hết phổ thông thì Huế giải phóng. O không học tiếp mà lấy chồng và kiếm một công việc để mưa sinh. Nhờ vào những kiến thức nữ công gia chánh trong nhà trường, o Tằm đã đến với lầu may ở chợ Đông Ba này. Rứa mà cũng đã hơn 40 năm. O Tằm nói: “May ở chợ không được đẹp như ở tiệm nhưng được cái là việc chi cũng làm hết, từ may đồ tây, áo dài đến sửa áo, sửa quần, đơm nút, cắt lai nên cũng có nhiều khách hàng…Ngày qua ngày cũng đủ tiền để nuôi con cái trưởng thành!”. O Tằm còn kể thêm là chồng o đã mất 20 năm rồi, một mình o với cái bàn máy may ở chợ mà nuôi ba đứa con tốt nghiệp đại học và chừ đã yên bề gia thất. Mấy đứa con cuộc sống đã ổn định cả cứ nói mẹ nghỉ ngơi đừng đi may nữa để tụi con lo cho mẹ, nhưng đã quen với không khí lầu may ni rồi nên xa một ngày là o đã thấy nhớ lầu may…

Anh chồng tên là Đen, chị vợ tên là Tiểu Bích. Hai người quen nhau ở lầu may mà nên gia thất. Bây chừ họ đã có 4 mặt con. Hai đứa lớn đi học. Hai đứa nhỏ, một đứa mới lên ba, một đứa còn nằm nôi nên anh chị đưa luôn lên lầu may để vừa làm việc vừa chăm con, tiện cả đôi bề. Chị Bích nói: “ Hai cái máy may nuôi 6 miệng ăn, lại còn tiền học hành của con cái nữa. Thôi thì đưa con lên lầu may cùng ba mẹ luôn đỡ tháng cũng hơn triệu bạc lại tiện lợi nhiều thứ…”

Mỗi người mỗi lô riêng với giá thuê 60.000 đồng/tháng của ban quản lý chợ; việc của ai người nấy làm, khách của ai nấy quen.  Nhưng như lời của o Tằm: “Hồi trước lầu may ni lên đến 80 người. Qua thời gian có người già nên nghỉ, có người đã mất nên lầu may chỉ còn gần 50 người. Bà con đều coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Ai có hàng nhiều thì san sẻ cho người không có hàng. O may ở đây hơn 40 năm rồi vẫn chưa thấy ai giàu lên từ cái máy may ở chợ; nhưng cũng  chưa  bao giờ thấy ai to tiếng, tranh giành  với nhau cả!”.

Thanh An
(Theo TRT)

 

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose