Văn hóa Huế | Homepage

Vị biển

🕔25.Apr 2017

Ngày chủ nhật, mới hơn 7h sáng mà khu chợ cá đã gần kín chỗ. Tháng trước, trời mưa gió, biển động, hàng họ thưa thớt, chợ trông buồn hiu. Tuần nay nắng mới lên, thuyền ra khơi được là cá tươi tràn về. Người bán, người mua tất bật.

Biển Thuận An đã “vui” trở lại. Ảnh: Phạm Bá Thịnh

Lộc biển đầy chợ

O Dành – thâm niên 30 năm bán cá từ chợ Mai (xã Phú Thượng) cho đến chợ Vỹ Dạ (TP. Huế) cho biết “Để kịp phiên chợ, tui dậy từ 2-3 giờ sáng đi ra Cảng cá Thuận An chờ thuyền về để mua cá. Chừ lớn tuổi tui chỉ bán chợ sáng, chứ hồi còn trẻ, tui còn đi thêm phiên chiều ở chợ Mai nữa. Nghề ni cực nhưng buôn có bạn, bán có phường nên vui”.

Chợ về nhiều loại cá, khách hàng nhờ vậy cũng đông hơn. O Dành nhanh tay chặt cá cho khách, toàn cá mắt trong veo, nhìn là biết cá tươi. Tháng 3 âm lịch cũng là đầu mùa cá nục, cá ngừ. Nào là nục gai, nục bông, rồi những con cá ngừ thân mình tròn lẳn, trên làn da màu xanh đen như còn ánh lên màu nước của đại dương. Những loại cá này, lúc kho nếu cho thêm trái ớt “cao sản” thì hương thơm bay “dậy nhà hàng xóm”.

Chợ đã nhiều cá tươi. Ảnh: X.A

Chị Tâm – 30 tuổi – cũng có hơn 10 năm bán cá, “quảng cáo” cho rổ mực ống của mình “Chị nhìn đi, mực tươi như… đang nói chuyện với nhau”. Thiệt tình, sao có cách liên hệ, ví von “dễ thương” thế. Rồi mời thêm “Mua mắm rò về ăn đi chị. Mắm rò đầu mùa ngon lắm”. Đầu tháng 3 cũng là mùa cá rò, còn nhớ năm ngoái bà con ngư dân Thuận An trúng lớn cá rò. Cá rò sinh sản ở tầng nước ngoài, khi lớn lên, cá theo con nước vào cửa lạch, nổi lên từng đám, ngư dân chỉ việc thả lưới vớt cá. Nhìn thẩu mắm với những con cá rò nho nhỏ dầm trong màu nước ớt đỏ tươi, nhớ ngay đến món mắm cá rò ăn với thịt heo luộc kèm vả, rau thơm. Món này ăn thì chỉ có nước “lủng nồi cơm”.

“Lộc biển” tràn các khu chợ lớn nhỏ ở Huế, ngoài khuyết tươi, tôm, cá các loại, đã xuất hiện nuốc Cầu Hai, loại nuốc có màu xanh mực, thân trong vắt, tròn như hình chiếc chén nhỏ – một đặc sản biển của Huế gắn liền với món bún giấm nuốc. Biển tươi hiện diện trong từng loài hải sản.

Những chuyến tàu đã xuất bến

“Người đi biển thường tránh những ngày trăng tròn vì có trăng con cá không đi ăn”- lão ngư 60 tuổi với 45 năm trong nghề biển Lê Văn Khê ở thôn Lê Bình (xã Phú Xuân – Phú Vang) bắt đầu câu chuyện. Trên chiếc tàu gỗ đóng hơn 2 tỷ đồng đang đậu ở Cảng cá Thuận An của ông, 5 – 6 thanh niên khỏe mạnh đang kiểm tra lần cuối để chuẩn bị cho thuyền xuất bến sáng hôm sau. “Năm ni hy vọng thời tiết thuận lợi để bà con làm ăn. Đã có vài chuyến đi biển và bà con làm ăn cũng khá. Hiện tại ở đây có hơn 30 tàu đánh cá, gần một nửa trong đó do ngư dân tự bỏ vốn, còn lại được vay vốn của dự án. Ngày 18/3 âm lịch vừa rồi, mười mấy chiếc đã xuất bến, những thuyền còn ở cảng là đang chuẩn bị để một, hai ngày nữa ra khơi. Đã bước vào mùa cá biển mà”.

Hai cha con ông Lê Văn Khê trước giờ xuất bến. Ảnh: X.A

Một năm làm ăn với người đi biển được tính thành 2 mùa. Từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch là mùa cá xa khơi. Từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau là mùa mưa, biển động, thi thoảng thời tiết thuận lợi thì mới có chuyến đi xa, còn lại chủ yếu làm nghề dặm, dã cào.

Mỗi chuyến đi biển của ngư dân Thuận An thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày. May mắn gặp luồng cá thì về sớm, nếu không thì ở lại bám biển để chờ. 7 ngày đánh bắt cũng mất 3 ngày đi – về. Tàu đi biển bây giờ được trang bị đầy đủ máy bộ đàm, điện thoại liên lạc. Chỉ cho tôi xem chiếc máy định vị hướng dẫn đường đi 8 triệu đồng vừa mới trang bị, ông Khê cười hớn hở “Bây giờ đi biển thuận lợi hơn trước nhiều, bật chiếc máy này lên là nó vạch một đường, mình cứ theo đó, đi thì đến đích mà về là đúng bến. Chiếc la bàn chừ chỉ để phòng hờ, dùng máy định vị chính xác lắm”.

Tàu của ông Lê Văn Khê còn là tàu thu mua hàng và cung cấp nguyên liệu dầu, nước đá cho các thuyền đánh cá ngoài khơi xa. Bên chiếc tàu lớn còn có chiếc tàu nhỏ hơn trang bị dàn đèn. Khi ra đến ngư trường, ông sẽ bật dàn đèn để thu hút cá, rồi cùng các thuyền bạn đánh bắt. Các thuyền bạn cũng chia sản phẩm với ông theo tỷ lệ thỏa thuận. “Tôi duy trì được đội ngũ bạn nghề cũng nhờ có sự hỗ trợ của nhà nước. Năm ngoái biển khó khăn, tui được hỗ trợ hơn 200 triệu đồng, đã nhận được một nửa. Số tiền còn lại cũng sắp được nhận. Bây giờ đi biển, nếu đi xa hơn 70 hải lý, mỗi chuyến đi dài hơn 3 ngày sẽ được hỗ trợ 40 triệu đồng, một năm được hỗ trợ 20 chuyến.

Có hơn 30 năm đi biển, anh Lê Văn Dũng góp chuyện “Tui là người làm công thôi nhưng nói thiệt là nhờ có hỗ trợ của nhà nước mà các chủ thuyền cũng san sẻ cho anh em. Chúng tôi đi biển có nhau thì mọi chuyện trong cuộc sống đều san sẻ với nhau. Nhiều lúc nguy hiểm, sóng to, gió lớn nhưng mà đã theo nghề thì yêu nghề thôi. Không đi biển là tui nhớ quay nhớ quắt”.

Vị biển

Gió biển lồng lộng mát rượi, dù vẫn ẩn đâu đó chút hơi lạnh còn sót lại của những ngày mưa trước nhưng ở biển Thuận An, nhiều người vẫn tắm, chơi đùa trên biển. Con đường lát xi măng dài từ đầu đến cuối bãi thành đường đi dạo. Những tấm biển nhắc nhở du khách giữ gìn vệ sinh, các nhà hàng hình lục giác, chữ nhật, dài rộng sạch sẽ, ngăn nắp, trật tự. “Tiền cảnh” của những con sóng xô bờ là những bạn trẻ đang chụp ảnh trên bờ biển. Và trong những nụ cười trẻ trung ấy, tôi nhận ra rằng những vùng đất có biển, trong cuộc sống của người dân, biển là một phần quen thuộc, thân thiết vô cùng. Bảo vệ biển cũng chính là bảo vệ đời sống của người dân, không chỉ mưu kế sinh nhai mà còn là phần quan trọng, biển nuôi dưỡng tâm hồn và tình yêu tổ quốc.

Anh Tâm – nhân viên quản lý quán Hải Dòng (Thuận An) cho biết “Năm ngoái biển khó khăn nên mùa biển năm ni chúng tôi được nhà nước miễn thuế một năm. Hy vọng, nhiều hy vọng lắm chị ơi”.

Một đại gia đình về biển trên hai xe hơi. Những cô gái trẻ lục tìm kem chống nắng, tôi nghe tiếng người cha “Thôi, kem chi con, cứ để cho vị mặn của biển ngấm vào da thịt cho chắc chắn, cho rám nắng. Đẹp mà con”. Cô gái như cũng nhận ra sự thật trong câu nói của người cha, chạy ào xuống biển.

Không xuống biển như cô gái trẻ nhưng tôi cũng cảm nhận vị mặn của biển trong gió. Cái vị ấy đã lưu lại trên tóc tôi, hơi rin rít nhưng quen lắm. Ừ, biển thì mặn. Gió đưa hương biển đi khắp nơi, hiền lành như câu hát ru em “Cơm với cá như mạ với con”…

Xuân An
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Theo ghi chép cửa Leopold Cadiere, đường đến lăng mộ Gia Long buộc phải đi

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose