Văn hóa Huế | Homepage

Sông Như Ý – một năm sau ngày được khai thông

🕔01.May 2017

Sau hơn một năm đưa vào sử dụng, công trình cải tạo Đập Đá đã khơi thông dòng sông Như Ý, góp phần cải thiện môi trường, chất lượng nước và bổ sung nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ đây, sinh kế của người dân vùng hạ du Nam sông Hương cũng thay đổi.

Một tác phẩm tung chài trên sông Như Ý- Ảnh: Văn Huy

Hồi sinh làng mạc

Đầu thế kỷ 20, sông Như Ý bị chặn dòng ngay điểm nối với sông Hương, nhằm ngăn sự xâm nhập mặn từ sông Hương vào sông Như ý, bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho đồng ruộng Phú Vang, Hương Thủy. Theo đó, một trong những dòng sông thơ mộng của Huế “héo mòn” dần theo năm tháng. Sông Như Ý có tên chữ là Thiên Lộc giang, được đào- nối từ các kênh rạch thời các chúa Nguyễn nhằm chia lũ cho vùng hạ du Nam Sông Hương cũng như phục vụ sản xuất nông nghiệp, quốc phòng…

Sau gần một năm UBND tỉnh đầu tư và đưa công trình cải tạo Đập Đá vào sử dụng, sông Như Ý được khai thông trở lại, nước sông Hương đẩy về, dòng nước trong sạch, đã mở ra nhiều sinh kế cho cư dân vùng dạ du.

Sông Như Ý nhìn từ cầu Vân Dương

Ông Nguyễn Văn Châu, Tổ trưởng TDP 14B, khu vực 5, phường Vỹ Dạ (TP. Huế) bảo rằng, xưa làng chài Phao Võng (tổ 14B hiện nay), là một trong những làng chài nổi tiếng của xứ kinh kỳ, được vua Minh Mạng ghi tên trên bia chủ quyền đánh cá. Qua thời gian, làng chài hiện nay chỉ còn khoảng 25-30% số hộ dân (khoảng 40 hộ) còn theo nghề ngư. Con cá nước ngọt, dọc sông Như Ý từ Vỹ Dạ về tới Thủy Thanh, Phú Hồ rồi đổ ra dòng Đại Giang cứ bỏ dần ngư dân mà đi do dòng sông ô nhiễm. Từ khi sông Như Ý được khơi thông, nối dòng đầu nguồn, 700m sông chảy qua địa bàn không còn ô nhiễm, nghề cá cũng được ngư dân làm trở lại nhiều hơn.

Ngư dân Ngô Ở (TDP 14B, khu vực 5, phường Vỹ Dạ) cho biết, đối với ngư dân làng chài Phao Võng xưa, sông Như Ý không chỉ là cứu cánh mưu sinh cho ngư dân trong làng, mà còn là mạch giao thông đường thủy, giúp ngư dân kết nối với các vùng hạ du phía Nam. “Tuy bình quân mỗi hộ dân thu nhập từ 100-150 nghìn đồng/ngày từ con cá nước ngọt, nhưng sống ở vùng “nước sông gạo chợ” cũng là sinh kế đắp đổi qua ngày. Từ ngày dòng sông khơi thông, bà con cũng sắm thêm ngư lưới cụ, không chỉ đánh bắt gần cầu Vân Dương mà con đi xa hơn về cuối nguồn đầm phá”, ông Ở trải lòng.

Nuôi cá lồng, thay đổi sinh kế của người dân ven sông Như Ý

Có một điều làm ông Châu cũng như nhiều ngư dân ở đây khấp khởi mừng là mô hình nuôi cá lồng, trước đây chỉ được vài hộ nuôi- vì như lời ông Châu nói “thả con chi xuống nuôi cũng chết”, thì nay làng chài Phao Võng xưa đã có 45 hộ tham gia mô hình nuôi cá rô đầu vuông, trê phi, ếch lồng với thu nhập từ 8-10 triệu đồng/lồng/năm. “Mỗi hộ dân nuôi từ 3-4 lồng, cho sử dụng thức ăn công nghiệp và các loại cá tạp. Thông qua nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn phi chính phủ, địa phương cũng hỗ trợ thêm cho 15 hộ nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên sông Như Ý, góp phần cải thiện sinh kế, tăng nguồn thu cho người dân”, ông Châu khẳng định.

Nghề nuôi cá lồng ở xã Thủy Vân (TX Hương Thủy) cũng phát triển sau khi sông Như Ý được khai thông. Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Thủy Vân thông tin, đến nay trên địa bàn xã đã có 25 hộ nuôi cá lồng, ếch bể, cho thu nhập tương đối ổn định. Chính quyền địa phương tích cực vận dụng, lồng ghép các nguồn vốn, hỗ trợ và kiếm đầu ra ổn định cho ngư dân. “Thông qua việc thả, tải tạo nguồn lợi thủy sản từng đợt của Chi cục Thủy sản trên sông Hương, sông Như Ý ngày một sạch hơn đã giúp ngư dân có việc làm, tăng thu nhập. Chính quyền địa phương cũng cấm các hình thức đánh bắt hủy diệt như rà điện, thả lưới lừ mắt nhỏ, để tạo sinh kế lâu dài cho một bộ phận ngư dân”.

Nông dân làm du lịch

Cũng giống như sông An Cựu (có tên là Lợi Nông), nối sông Hương với đầm Cầu Hai ở Cống Quan thông qua sông Đại Giang, sông Như Ý sau khi từ phường Vỹ Dạ chảy qua xã Thủy Vân, Thủy Thanh (TX Hương Thủy), rồi lần lượt bỏ lại sau lưng nhiều làng xã khác, đổ qua sông Đại Giang trước khi hòa mình vào đầm phá.

Sau khi được khơi thông đầu nguồn, môi trường nước đã khởi sắc, việc tưới tiêu nông nghiệp, phục vụ du lịch ở một số địa phương đang thay đổi theo chiều hướng tích cực cùng sự thay đổi của dòng sông. Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh bảo rằng, sông Như Ý chảy qua địa bàn với chiều dài 7,5km, từ thôn Vân Thê Thượng qua Vân Thê Đập rồi kết thúc ở Lang Sá Bàu. Từ ngày khơi thông dòng chảy, không còn tình trạng ruộng đồng thiếu nước vào mùa hạn, môi trường nước thay đổi bằng việc người dân có thể tắm trên con sông và các loài thủy sản nước ngọt phát triển.

Công trình cải tạo Đập Đá do Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Nông nghiệp Phát triển nông thôn (thuộc UBND tỉnh) làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 19,2 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2016. Công trình với mục đích cải tạo môi trường chất lượng nước, bổ sung nước tưới nông nghiệp cho hệ thống sông Như Ý, tăng cường khả năng thoát lũ cho hệ thống sông vùng Nam Sông Hương.

Theo ông Hòa, trước đây, để phục vụ sản xuất 800 ha lúa/năm với hàng trăm ha lúa chất lượng cao, Thủy Thanh năm nào cũng khá “chật vật” với dòng nước phục vụ thủy lợi, tưới tiêu. Có năm hạn nặng, hồ Truồi phải tháo nước để cứu ruộng đồng. Mỗi năm không chỉ Thủy Thanh mà còn các địa phương khác như Thủy Vân, Thủy Châu (Hương Thủy), Phú Hồ, Phú Thứ (Phú Vang) tốn bình quân 15-20 triệu đồng/địa phương để giải quyết vấn nạn bèo Nhật Bản trên sông hói, gây ách tắc đường thủy, ô nhiễm môi trường thì nay không còn nữa.

Ngoài nuôi cá lồng, hiện nay, do dòng sông sạch nên ở những vùng bãi cát bồi, nhiều hốc đá đã xuất hiện dày đặc các loại ngao, hến và nhiều loài cá nước ngọt phát triển sinh sôi. Dòng sông sạch hơn, các nhánh hói, rạch cũng thông thoáng, chính quyền và người dân đang hưởng ứng tích cực để làm cho sông Như Ý ngày một sạch, đẹp hơn.

“Hiện nay địa phương ngoài phát triển du lịch cầu gói Thanh Toàn với trải nghiệm nấu các món ăn dân dã, làm nón lá, còn có trải nghiệm đánh bắt cá trên sông. Đa phần du khách thích thú với việc ngắm cảnh đẹp và tạo được những không gian, cuộc sống nơi thôn dã”, ông Hòa thông tin.

Ông Hòa cũng cho biết thêm, từ năm 2015, các công ty du lịch, lữ hành trên địa bàn cùng chính quyền địa phương đã khảo sát và tổ chức tour du lịch trải nghiệm trên sông Như Ý cho du khách cùng người dân. “Điều thú vị là khi nông dân biết làm du lịch. Khi du khách về Thủy Thanh, không chỉ biết đến cầu ngói Thanh Toàn, nhà trưng bày nông cụ mà còn được trải nghiệm đi thuyền trên dòng sông Như Ý. Việc đa dạng các loại hình du lịch Thủy Thanh là yếu tố cần thiết”, ông Hòa khẳng định.

Hà Nguyên
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose