Văn hóa Huế | Homepage
Ốc gạo biển

Ốc gạo biển

🕔12.Jun 2017

Trong số các loại ốc biển, ốc gạo có giá trị kinh tế thấp, và vỏ của chúng cũng không thể áp vào tai mà nghe tiếng gió, tiếng lòng của biển. Nhưng, thứ ốc dân dã đó lại gắn với tuổi thơ của không ít người dân miệt biển.

Hôm vừa rồi đứa bạn cùng quê sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh đăng ảnh tô ốc gạo nhỏ trên trang facebook cá nhân với lời chú thích ngắn gọn “ai thèm không”, và chỉ cần thế thôi là những ai được “thừa hưởng” mùi biển cứ xốn xang trong lòng.

Ốc gạo là món ăn dân dã mà biển cả ban tặng

Nhìn hình ảnh tô ốc của bạn trên facebook lại nhớ về tuổi thơ. Đó là những mảnh ghép lấp lánh của từng ô trong trò chơi dân gian ô ăn quan; là những đỉnh cườm, vòng đeo tay được kết nối bằng sợi chỉ nhỏ để mỗi lần tan trường, học trò xứ biển lại giành nhau khoe với đám bạn…

Ốc gạo biển (khác với loại ốc gạo sông xuất hiện nhiều ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long) hay còn gọi là ốc ngũ sắc bởi chúng đủ màu đen, trắng, đỏ, nâu… tựa như nút áo nhỏ lấp lánh. Thường sang hè, vào mùa nước biển cạn loại ốc này xuất hiện, nhiều đến nỗi ở các vùng biển bãi ngang chỉ cần đứng ở nơi có mực nước ngang ngực người lớn có thể cảm nhận được từng lớp ốc sền sệt dưới lòng bàn chân.

Vào mùa, đám trẻ con miền biển quê tôi tự đan lấy một cái vợt bằng lưới xăm, miệng vợt được làm bằng kim loại cứng, đường kính độ 30 phân. Cứ mỗi sáng hay chiều, khi thủy triều bắt đầu hạ, đám trẻ con tập trung tắm, sau đó mang vợt lặn xuống đáy biển để cào, rồi chao ốc trên nước cho sạch cát. Có lẽ, việc cào ốc thường chỉ dành cho trẻ con nên đó là cơ hội để chúng rèn “cột hơi” cho việc đối đầu với sóng dữ trong những chuyến vươn khơi sau này.

Ốc gạo không quý và đến mùa thì rất nhiều, hễ ai thèm vị biển chỉ cần lặn vài ngụm là có thể đủ ăn đến mỏi đầu lưỡi. Nói mỏi đầu lưỡi là bởi để thưởng thức ốc gạo, người ta phải dùng một vật nhọn bé bằng cái kim thêu hay tăm nhọn, gai bưởi để khêu. Khi đưa ốc vào miệng dùng phải đầu lưỡi loại bỏ nắp miệng ốc bé xíu ra khỏi phần thịt bằng cỡ chiếc tăm. Nó có thể phức tạp với người bình thường nhưng với dân miệt biển, việc ấy cực kỳ dễ dàng, thậm chí đứa trẻ lên 10 cũng có thể thuần thục tách nắp miệng ốc ra khỏi thịt.

Cũng như bao món ăn dân dã khác như, cá khoai, cá trích… thời xa ngái, ốc gạo chỉ là thứ quà hết sức bình thường, có chăng chỉ là trò vui của đám trẻ con hay phương pháp giết thời gian của người lớn khi ngồi nghe một tuồng cải lương vài tiếng đồng hồ. Nhưng nay, loại này được nhiều người tìm mua, thậm chí ở những ngôi chợ trong thành phố bán đến mấy nghìn đồng/lon. Cách chế biến ốc gạo rất đơn giản, ngày trước, ốc sau khi cào từ đáy biển, ngâm nước mặn khoảng nửa ngày cho sạch cát rồi luộc độ 5-10 phút là chín, rồi cứ thế mà khêu. Bây giờ, ốc gạo được chế biến đủ món, luộc, xào sả ớt, lá chanh, gỏi ốc….

Không biết vui hay buồn khi cứ mỗi lần về quê, đám bạn thuở thiếu thời thường “phán” rằng, thứ gì của biển ngày xưa nhiều, ít người thèm muốn thì giờ lại quý…

Lê Thọ
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Kim Long có gái mỹ miều

Kim Long có gái mỹ miều

Đất Huế một thời đế đô, giai nhân dập dìu tụ hội đã đành. Mãi

Những khoảng Huế xanh

Những khoảng Huế xanh

Rong ruổi trên những con đường xứ Huế thật chậm mới nhận ra màu xanh

Phước Tích – Những vết dấu thời gian

Phước Tích – Những vết dấu thời gian

Thiên nhiên ưu đãi cho xứ Huế nhiều thắng cảnh nên thơ và những con

Xin đi từ thơ ấu

Xin đi từ thơ ấu

Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi thời thơ ấu đọng lại bây giờ là

Ngao bung – “bung là ăn”

Ngao bung – “bung là ăn”

Lâu lắm mới gặp bạn ở quê lên thành phố chơi. Bạn nằng nặc đòi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose