Văn hóa Huế | Homepage

“Chạy còng”

🕔03.Jul 2017

Dịp hè, tại các bãi biển vùng bãi ngang còng nhiều vô số kể, và nó từng là món ăn không thể quên của một thời khốn khó.

Còng là món ăn dân dã tại các vùng biển bãi ngang

Về quê đúng dịp nắng rát mặt người, thời điểm các cô cậu học sinh bước vào kỳ nghỉ hè. Tối đến, cả đám cắp “tư trang” đến bãi biển ngủ tránh cái nóng như thiêu đốt. Sực nhớ, non 20 năm trước, tôi cũng như tụi nhỏ, khi mặt trời ghé nấp sau phía cồn cát, bữa cơm tối còn nguyên trong dạ dày là đã lân la khắp xóm tìm “đối tác” ngủ biển.

Nói là ngủ nhưng thật ra chong mắt cả đêm bởi dõi theo tiếng lạo xạo của lũ còng chạy rần trên bãi cát tìm bạn tình. Thuở trước, trên bãi cát dài, lũ trẻ con hằng đêm lại lên đèn, chia địa điểm lặp (theo) dấu chân còng. Thời ấy không có đèn pin, “lên đèn” nghĩa là đốt một chiếc lốp xe đạp bị bỏ đi hay miếng phao mùa biển động trôi dạt để lại trên bờ. Phát hiện dấu dân là phải “lặp” đến tận khuya, tìm cho được nơi lũ còng đang “hú hí”. Rồi thoảng trong đêm khuya, vài đứa bỗng thức giấc, giật mình hét toáng khi phát hiện còng di chuyển… trong quần, trong áo. Đó là trò chơi quái ác của lũ trẻ con thời ấy…

Còng biển nhát bóng người, lúc di chuyển đổi hướng liên tục và có khả năng đào hang không khác gì loài dúi miền ngược. Ngoài “xe cát”, chúng còn vờn nhau trên bãi cát dài trắng xóa, có khi ở khu vực mà người dân quê tôi gọi là “sóng lừa”, nghĩa là vùng tiếp xúc giữa con sóng và bãi cát. Sóng xa bờ, thủy triều hạ vùng “sóng lừa” ướt sũng, màu xám, nền cát nén chặt như khối bê tông, dấu chân còng cũng thật khó để nhận ra. Bắt còng ở “sóng lừa” sẽ chẳng thể phụ thuộc vào dấu chân nữa mà khi đó thay bằng phương pháp “chạy còng”.

“Chạy còng” rất đơn giản, chỉ cần một tay lưới có độ dài vừa phải, mắt lưới đủ dày, dùng dây buộc hai đầu lưới vào chân, một người đứng ở phía gần con sóng, người kia phía đối diện rồi cứ thế mà chạy. Lũ còng “hú hí” trên “sóng lừa” tha hồ dính bẫy.

Ngoài “chạy còng”, còn có nhiều cách khác bắt còng như, đào hang, đặt bẫy. Song, đào được còng là cả một nghệ thuật. Hang chúng không quá sâu nhưng có nhiều ngóc ngách, thông thường còng có một miệng hang “dự bị”, phòng khi bất trắc. Nên đào suốt tiếng đồng hồ không bắt được còng là chuyện bình thường.

Còng biển nhiều nơi gọi là còng gió vì chúng chạy rất nhanh, xuất hiện quanh năm nhưng nhiều nhất vào dịp hè. Còng có 2 loại mà quê tôi gọi là còng kền và còng rú. Còng kền chuyên ăn cá, tôm nên thịt thơm ngon; còng rú chủ yếu sống ở trên bờ, thức ăn là phân động vật nên chẳng ai ngó ngàng đến.

Không như những loại hải sản khác mà biển ban tặng, còng biển không được nhiều người ăn. Thế nhưng một thời, lúc biển “bạc”, ngư dân mỗi sớm mai hay lúc màn đêm buông xuống họ lại đến bãi biển “chạy còng” để tìm vị mặn từ con sóng. Còng biển dễ chế biến, chỉ cần rửa sạch bằng nước lạnh, lột mai, bỏ mắt, cắt đốt chân cuối rồi có thể đem nấu canh chua, rang me, nướng, nấu cháo…với vị thịt thơm và cái mằn mặn của biển.

Lạ lùng là ở thực đơn các nhà hàng, quán ăn chẳng hề có món ăn dân dã này. Muốn thưởng thức còng chỉ còn cách phượt hay du lịch bụi đến những vùng đất đầy nắng gió ven biển. Nơi có cả bầu trời ký ức về thứ chẳng ai đem bán bao giờ.

Lê Thọ
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Người “giữ hồn” bánh đúc mật xứ Huế

Bánh đúc mật là thức quà quê hương bình dị gắn liền với tuổi của

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose