Văn hóa Huế | Homepage

Đặc điểm Kiến trúc Pháp tại Huế

🕔18.Jul 2017

Khi nhắc đến Huế, hầu hết chúng ta thường nghĩ đến mảnh đất Thần kinh với sự hiện hữu của kiến trúc Kinh thành, Lăng tẩm và cung điện của triều đại nhà Nguyễn cùng với kiến trúc nhà vườn Huế, cảnh quan danh thắng dọc bờ sông Hương.

Đặc điểm Kiến trúc Pháp tại Huếpage42_image1-25758
Khách sạn Morin năm 2016

Tuy nhiên, Huế vẫn còn đó một thể loại kiến trúc rất có giá trị, đó chính là quỹ kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc với sự du nhập của các phong cách kiến trúc phương Tây nói chung và kiến trúc Pháp nói riêng.

Nhìn chung, có khá nhiều phong cách kiến trúc Pháp du nhập vào Việt Nam như phong cách Tiền thực dân, Tân cổ điển, kiến trúc địa phương Pháp, Art Deco, kiến trúc Đông Dương, kiến trúc Pháp-Hoa và kiến trúc Neo-Gothic (Trần Quốc Bảo, 2009). Ở Huế, người Pháp quy hoạch khá bài bản. Dòng sông Hương đóng vai trò là dải ngăn cách giữa 2 bờ Bắc và Nam. Ở bờ Bắc, khu vực Kinh thành Huế cơ bản thuộc quyền quản lý của triều Nguyễn trừ đồn Mang Cá do người Pháp chiếm đóng. Sau này, một số công trình được xây dựng chịu ảnh hưởng kiến trúc Pháp như điện Kiến trung, lầu Tứ phương vô sự và một số nhà vườn truyền thống (bên trong là hệ Rường được bọc ngoài bằng tường trang trí kiến trúc Pháp).

Ở bờ Nam, người Pháp tạo nên khu phố “Tây” với nhiều công trình mang phong cách kiến trúc Pháp (xem thêm ở Phan Thuận An, 2008). Điểm đáng nói là người Pháp cho xây dựng những công trình này rất bài bản và tuân theo các nguyên tắc kiến trúc trong quy hoạch và xây dựng. Các công trình nằm dọc bờ sông Hương (trục đường Lê Lợi) luôn có khoảng phân cách là cây xanh, cảnh quan giữa sông và công trình, độ cao từ 2 đến 3 tầng, có độ lùi tạo tầm nhìn và bảo vệ cảnh quan và giá trị của sông Hương. Các trục đường khác như Hoàng Hoa Thám, Lý Thường Kiệt,… có bề rộng lớn hơn hẳn so với các đường trong khu vực Kinh thành. Hệ thống cấp thoát nước, vỉa hè được thiết kế và xây dựng đầy đủ.

Một số loại hình kiến trúc Pháp ở Huế

* Kiến trúc công trình công cộng

Loại hình này bao gồm các công trình như khách sạn, nhà ga, bảo tàng, văn hóa, y tế, giáo dục,… Ở Huế những công trình tiêu biểu cho loại hình kiến trúc này có thể kể đến như khách sạn Morin, nhà ga Huế, Đại học Huế, Đại học Khoa học, trường Quốc Học,…

Khách sạn Morin, Huế ra đời vào năm 1901 tại 30 Lê Lợi (xem thêm ở Nguyễn Đắc Xuân, 2001). Nhìn tổng thể, khách sạn có bố cục hình chữ nhật với sân trong ở giữa. Tuy nhiên, nếu nhìn ở phía cầu Trường Tiền vào mặt chính công trình thì ta có thể thấy khách sạn có tính đăng đối theo phong cách kiến trúc Tân cổ điển. Các trang trí mặt đứng sử dụng thức cột cổ điển Corinth của Hy Lạp cùng với những trang trí gờ chỉ trên dưới. Trước đây khách sạn chỉ có 2 tầng và sau này được nâng cấp thành 4 tầng như hiện nay. Sau khi nâng cấp thì khách sạn có hơi hướng của phong cách kiến trúc Art Deco với vật liệu mới như hệ thống mảng kính ở cửa sổ, hoa văn lan can sắt trang trí ở các ban công,…

page43_image2
Nhà ga Huế năm 2017

Nhà ga Huế được xây dựng vào khoảng 1902 và hoàn thành năm 1906. Kiến trúc nhà ga chịu ảnh hưởng phong cách kiến trúc Tiền thực dân. Mặt đứng đơn giản với hệ thống cửa sổ hình chữ nhật. Cửa sổ 2 lớp (trong kính ngoài chớp) cùng với hệ thống gờ chỉ trang trí không cầu kỳ. Hành lang chạy dọc công trình với hình thức vòm cuốn hình bán nguyệt.

page43_image3
Cổng trường Quốc Học, Huế

Trường Quốc Học Huế được thành lập vào năm 1896 theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương. Kiến trúc trường là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Pháp với kiến trúc truyền thống Việt Nam. Tổng thể trường có bố cục đối xứng với trục “thần đạo” chính giữa. Hình thức cổng chịu ảnh hưởng kiến trúc cổng tam quan 2 lớp mái thường gặp ở chùa và cung điện Huế. Bên cạnh đó những trang trí truyền thống như hoa sen, ngói ống cùng những họa tiết hoa văn thường gặp cũng được vận dụng ở cổng trường và hàng rào(1). Các công trình bên trong trường Quốc Học mang phong cách Tân cổ điển và địa phương Pháp, thể hiện qua những đặc trưng như: thức cột Doric, hệ thống cửa 2 lớp (trong kính ngoài chớp), con sơn gỗ hình tam giác trang trí dưới mái, tường gạch dày, hành lang rộng che nắng, hệ thống phào chỉ trang trí,…

page44_image1(3)
Tòa nhà số 13 – Bệnh viện Trung ương Huế

Bệnh viện trung ương Huế được thành lập năm 1894, là bệnh viên Tây y đầu tiên dưới thời Nguyễn (Nguyễn Đắc Xuân, 2013). Hiện vẫn còn một số công trình xây từ thời Pháp thuộc hiện hữu trong bệnh viện. Ví dụ tòa nhà số 13 (Khoa Viêm gan, tại đường Ngô Quyền) vẫn còn nguyên vẹn và đang hoạt động. Hình thức kiến trúc nhìn chung chịu ảnh hưởng phong cách Tiền thực dân với trang trí mặt đứng khá đơn giản. Hệ thống cửa vuông vắn trong kính ngoài chớp. Mái đưa ra ngoài và được đỡ bằng các con sơn gỗ hình tam giác.

* Kiến trúc công trình biệt thự

Quỹ công trình Pháp có dạng biệt thự, nhà ở còn khá nhiều ở Huế. Thể loại công trình này nằm rải rác trong thành phố nhưng tập trung nhiều vẫn ở bờ Nam như bảo tàng Điềm Phùng Thị (1 Phan Bội Châu), Bảo tàng Văn hóa Huế (23-25 Lê Lợi), biệt thự số 5 Lý Thường Kiệt (vừa bị phá dỡ năm 2017), trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (26 Lê Lợi),… Nhìn chung, các công trình này mang của phong cách kiến trúc địa phương Pháp và kiến trúc Đông Dương. Đặc điểm nhận dạng chính là thường có 2 – 3 tầng. Tầng dưới hoặc đế có thể bằng đá, tầng trên bằng gạch theo nguyên lý cân bằng ổn định trong kiến trúc. Mái dốc nhô ra khỏi tường và được đỡ bằng các con sơn gỗ. Hệ thống cửa vòm cuốn có gờ lanh tô trang trí phía trên. Tường gạch dày có tác dụng chống nóng và chịu lực. Hệ thống cửa trong kính ngoài chớp. Bậu cửa và lanh tô hơi dốc và có gờ móc có tác dụng thoát nước nhanh chóng.

page44_image2(1)page44_image1(3) page43_image3
Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị (cũ)

* Kiến trúc công trình khác

Ngoài những loại công trình nêu trên, một số dạng công trình khác có thể kể đến như Kinh thành Huế, cung điện, lăng Khải Định, cầu, nhà máy và đài tưởng niệm. Kinh thành Huế được xây thời vua Gia Long (1802 – 1820) theo nguyên tắc phong thủy và kiến trúc truyền thống phương Đông. Nhưng rõ ràng vòng thành ngoài cùng (Kinh thành) chịu ảnh hưởng kiến trúc thành lũy phòng thủ Vauban (kiểu phòng thủ điển hình phương Tây thời bấy giờ). Cầu Trường Tiền được khởi công vào năm 1897 dưới thời vua Thành Thái (1889 – 1907) do đơn vị thiết kế và thi công là hãng Eiffel, Pháp. Đây là công trình vượt khẩu độ lớn, sử dụng vật liệu thép khá xa lạ so với thời điểm lúc bấy giờ. Ngoài ra, lăng vua Khải Định, cung An Định và một số công trình trong Đại nội Huế (điện Kiến trung, lầu Tứ phương vô sự) cũng chịu ảnh hưởng các phong cách kiến trúc Pháp.

***

Các công trình mang phong cách kiến trúc Pháp ở Huế khá đa dạng và phong phú với nhiều thể loại khác nhau như công trình công cộng, biệt thự, công sở, cung điện, lăng tẩm, kinh thành,… Những công trình này mang phong cách kiến trúc du nhập từ Pháp và có sự kết hợp với kiến trúc truyền thống bản địa. Điều đó đã tạo nên một thể loại kiến trúc đặc trưng riêng biệt góp phần vào quỹ kiến trúc Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.

Hiện nay, có khá nhiều công trình kiến trúc xây dựng từ thời Pháp thuộc đang dần bị phá hủy như các biệt thự dọc đường Lý Thường Kiệt, Hoàng Hoa Thám ở thành Phố Huế. Điều đó quả thật đáng tiếc vì những công trình này là nhân chứng phản ảnh một giai đoạn lịch sử trước đây và cũng là một loại hình phong cách kiến trúc rất đặc trưng trong quỹ kiến trúc của Huế. Việc khảo sát, phân loại và đánh giá giá trị của những công trình kiến trúc Pháp để có những biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của chúng là điều cần thiết đối với chính quyền, các nhà nghiên cứu, chuyên gia và người dân xứ Huế.

TS. KTS. Nguyễn Ngọc Tùng – ThS.KTS. Nguyễn Thị Minh Xuân – TS.KTS. Lê Ngọc Vân Anh
(Theo Tạp chí Sông Hương)


(1) Theo KTS. Ngô Hải Bình, trường Quốc Học trước đây chỉ dành cho nam sinh và trường Hai Bà Trưng ở bên cạnh là dành cho nữ sinh. Nếu đi dọc đường giữa 2 trường này, ta có thể nhận thấy sự tương phản đặc trưng của 2 trường thể hiện ở hàng rào: trang trí hàng rào của trường Quốc Học với những ô vuông chắc khỏe thể hiện phái nam trong khi nhưng ô tròn là trang trí chủ đạo ở hàng rào trường Hai Bà Trưng – tượng trưng sự mềm mại của phái nữ.

Tài liệu tham khảo:

– Hồ Vĩnh (2016), Kiến trúc Pháp ở Huế. Web: http:// baothuathienhue.vn (truy cập ngày 6/5/2017).
– Nguyễn Đắc Xuân (2001), 100 năm khách sạn Saigon Morin Huế (1901 – 2000).
– Nguyễn Đắc Xuân (2013), Bệnh viện trung ương Huế bệnh viện Tây y đầu tiên ra đời thời Nguyễn. Web: http://gactholoc.net (truy cập ngày 9/5/2017).
– Nguyễn Đình Toàn (2010), Kiến trúc Việt Nam qua các thời kỳ, Hà Nội, xb. Xây Dựng.
– Phan Thuận An (2008), Huế xưa và nay di tích & danh thắng, Nxb. Văn hóa thông tin.
– Tôn Đại, Nguyễn Quốc Thông, Nguyễn Quang Minh, Đỗ Thu Vân (2015), Lịch sử kiến trúc Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
– Trần Quốc Bảo (2009), Những phong cách chủ đạo trong kiến trúc Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc. Web: http://ashui.com (truy cập ngày 9/5/2017).
– Trần Quốc Bảo, Nguyễn Văn Đỉnh (Chủ biên), Nguyễn Thanh Mai, Hồ Nam (2012), Kiến trúc và quy hoạch Hà Nội thời Pháp thuộc, Nxb. Xây Dựng, Hà Nội.

Similar Articles

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose