Văn hóa Huế | Homepage

Đừng “phụ bạc” di sản

🕔18.Jul 2017

Đề cập đến câu chuyện du lịch xứ Huế, trên báo chí hoặc trên diễn đàn này diễn đàn kia, đôi khi lại nghe những lời than vãn, đại ý: Huế tới lui cũng chỉ có di sản, di tích, văn hóa. Di tích – văn hóa, văn hóa – di tích mãi cũng đến hồi bão hòa và nhàm…

Di sản Huế vẫn hút khách dù mưa. 

Thoạt nghe, cảm giác rất trăn trở, rất dễ đồng điệu. Nhưng lắng lòng ngẫm lại chút, thấy vô duyên vô lý đến cực kỳ. Là thủ phủ xứ Đàng Trong rồi là kinh đô của đất nước suốt chiều dài 400 năm lịch sử với bao “trầm tích” tàng ẩn trong mình, vậy thì nói đến Huế mà không nói đến di tích, di sản, không nói đến văn hóa thì nói đến cái gì? Người ta đến Ai Cập làm gì nếu không có kim tự tháp? Người ta có đến Cambodia nhiều như vậy không nếu không có Angkor Wat, Angkor Thom? Người ta có vẹn nguyên sự hào hứng để thăm Trung Quốc chăng nếu thiếu mất tòa Trường thành Vạn lý?

Tương tự vậy, liệu Huế có lấp lánh tuổi tên trên bản đồ du lịch khi không có hệ thống thành quách, lăng tẩm, chùa quán, miếu điện? Cần nhớ rằng, cũng chính vì những “chất liệu” ấy mà rất lâu rồi, ngay từ lúc ngành “công nghiệp không khói” đang còn chưa được quan tâm lắm, lúc những đền đài lăng tẩm đang còn trong đổ nát tan hoang thì Huế vẫn đã là điểm đến được nhiều người chọn lựa, luôn ở trong top đầu của bảng xếp hạng du lịch của quốc gia. Huống hồ bây giờ Huế đã là địa danh của “một điểm đến 5 di sản”!

Hãy thử làm một cuộc điều tra với câu hỏi “Điều gì khiến anh/chị chọn Huế để đi du lịch?”. Tôi dám chắc tuyệt đại đa số sẽ trả lời rằng, đó là vì Huế có di sản, là nơi duy nhất còn bảo tồn gần như nguyện vẹn cung vua phủ chúa, mộ lăng Hoàng gia và những giá trị văn hóa của vùng đất Kinh đô một thuở. Sau đó mới đến vì những cái khác…

Du khách thăm Đại Nội

Có một nhà nghiên cứu hết sức nặng lòng với Huế đã xác quyết một câu rất hay: “Huế xưa nhưng không bao giờ cũ!”. Đó hoàn toàn không phải là câu nói “lấy được”, mà chính là sự nghiền ngẫm, sự đúc kết ruột gan của một người ăn ngủ, sống chết với Huế, với văn hóa Huế. Vô số những bài báo, vô số những bài nghiên cứu, vô số những bức ảnh… về Huế, nhưng mỗi bài mỗi vẻ, mỗi bức ảnh mỗi nét; viết hoài vẫn không hết chuyện, vẫn hay, đưa máy lên chụp mãi vẫn thấy thích, thấy đẹp.

Đó là chuyện viết lách, sáng tác.

Còn với người yêu Huế, muốn tìm hiểu, muốn khám phá, muốn thấu biết Huế cũng không sai khác. J.Y. Claeys trong Hué Voluptueuse et mysterieuseu Indochine hebdomadaire illustré – Huế tuyệt vời và thần bí, viết từ năm 1940 đã quả quyết: “Huế không tâm tình với du khách không xứng đáng, vội vã, mắt chỉ biết bám vào hướng dẫn viên du lịch, đếm phút đếm giây từng mơ mộng, hành trình. Nếu thế làm sao biết được Huế!” (Hồ Vĩnh – Dấu tích văn hóa thời Nguyễn, NXB Thuận Hóa -1998).

Vậy thì, liệu có công bằng và có “hồ đồ” chăng khi buông lời nhận xét một cách… phũ phàng rằng, “Huế tới lui cũng chỉ có di tích và văn hóa…” ?!!

Nhận xét trên càng hồ đồ hơn nữa khi biết rằng ngoài thành quách, lăng tẩm, ngoài Nhã nhạc, ca Huế, đất Cố đô còn có vô vàn những tiềm năng khác mà du lịch nhiều vùng, miền dẫu có nằm mơ cũng không thể có. DMZ, Huế có không? Có! Nhà vườn – Đặc sản của Huế. Sông Hương – vẻ đẹp vượt thời gian, vượt biên giới quốc gia. Biển ư? – Bên cạnh Lăng Cô đã được công nhận là một trong 30 vịnh biển đẹp nhất thế giới, Thuận An, Cảnh Dương đã định danh từ lâu thì Cố đô Huế còn sở hữu một loạt bãi biển đủ sức làm hài lòng những du khách khó tính. Bạch Mã – Khu nghỉ dưỡng cao cấp mà từ những thập niên đầu của thế kỷ trước người Pháp đã khám phá và chọn xây dựng với hơn 130 biệt thự nay vẫn còn lưu dấu.

Chưa hết, Huế còn có hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai rộng nhất Đông Nam Á với diện tích lên đến 22.000 ha với nhiều sản vật quý vẫn đang còn chờ khám phá; có suối nước nóng Thanh Tân, Mỹ An với những tính năng dược lý tuyệt vời cho sức khỏe mà không ít người đã nghe danh, đã trải nghiệm. Huế còn có làng cổ, làng nghề; có hệ thống di tích lịch sử và cách mạng hết sức phong phú và ý nghĩa; có quần thể chùa chiền với những giá trị văn hóa Phật giáo vẫn còn ngát hương thiền thuần túy…

Những gì mà Huế đang có, thì như nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã nhận xét quả không quá: “Tiềm năng du lịch của Huế là ‘vô đối’ “.

Di tích và những giá trị văn hóa đã làm tốt vai trò “hút khách” đến với Huế. Tăng thêm tính hấp dẫn để giữ chân khách, để tạo sức lan tỏa và thu hút du khách nhiều hơn, ấy là cái tài của nhà quản lý, của những doanh nghiệp du lịch trong việc phát huy, khai thác những tiềm năng du lịch “phụ trợ” nhưng vô cùng quý giá và độc đáo mà chúng tôi vừa mạo muội liệt kể.

Chất liệu đã sẵn có, “bột” cao cấp đã sẵn sàng, chỉ còn chờ bàn tay của người “chế biến”. Vậy nên, xin đừng bao giờ nói đến mấy chữ ”bão hòa”, ”nhàm chán” đối với di tích, di sản văn hóa Huế. Bởi như thế, nghe nó cứ phụ bạc thế nào…

Diên Thống
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

 

Similar Articles

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose