Văn hóa Huế | Homepage

Du lịch tình thân

🕔13.Aug 2017

hôm nay trời Huế nắng gắt, trong khu vườn râm mát của ngôi nhà, tôi nằm trên chiếc phản nhìn ra mấy bụi môn, gốc chuối thấy bình yên chi lạ.

1 – Một ngôi nhà vườn đẹp ở Kim Long – tư phủ của quan Thượng thư Bộ Lễ Phạm Hữu Điển – với tên gọi đầy chất thơ “Xuân Viên tiểu cung” – một trong hai ngôi nhà vườn ở Phú Mộng còn mở cửa đón khách. Nhà được xây vào năm Thành Thái thứ 6 (1894). Hiện tại bà Phạm Thị Túy, năm nay 92 tuổi – hậu duệ đời thứ 6 trông coi.

Mấy hôm nay trời Huế nắng gắt, trong khu vườn râm mát của ngôi nhà, tôi nằm trên chiếc phản nhìn ra mấy bụi môn, gốc chuối thấy bình yên chi lạ. Rồi có tiếng cô cháu gái của bà Túy, năm nay 60 tuổi, trò chuyện cùng người hàng xóm về trái mít chín cô ấy vừa cắt từ cây: “Chị cầm về ăn đi, trái ni chín cây, ngon nơi a”. Mùi mít nhẹ bay đến chỗ tôi nằm, tôi hít hà và tận hưởng sự thư thái mà khu nhà vườn mang lại.

Tận hưởng vẻ mát lạnh của chiếc phản, tôi tự hỏi tại sao không phát triển loại hình du lịch trải nghiệm ở nhà vườn Kim Long. Thay vì khách viếng thăm rồi đi, có thể đăng ký ở lại chơi, ăn cơm cùng gia đình như là một người thân.

“Bữa nay khách đến thăm nhà nhiều không chị?” – “Lai rai rứa em, họ vào dòm dòm nhà, rồi đi quanh vườn, chụp ảnh, nói chuyện, uống nước rứa đó!”. Giọng chị Gái, cháu của bà, bình bình chẳng ra buồn, cũng chẳng ra vui. “Khách lẻ thì vô chào, thăm thú nhà, lượn một vòng rồi đi, khách đi theo đoàn thì khi ra về có khi gửi lại ít gọi là tiền thắp nhang, mà nếu họ không gửi thì tui cũng chẳng hỏi”.

Câu chuyện nhà vườn Kim Long làm du lịch mấy năm nay quả thật không còn “hớn hở, mặn nồng” như hồi Festival năm 2002, là năm đầu tiên Huế đưa nhà vườn Kim Long vào tour du lịch cùng với nhà cổ ở Gia Hội – Chi Lăng.

Năm ấy, khi đặt chân vào “Xuân Viên tiểu cung”, tôi thật sự ngỡ ngàng vì vẻ đẹp đầy chất thơ của ngôi nhà. Thơ treo trên cây, thơ treo trước hiên. Bây giờ, sau 15 năm ghé lại, không còn thơ treo đầu ngõ nhưng chính vẻ xưa cũ của ngôi nhà mới là điều du khách muốn tìm đến khi mà chỉ cách một cánh cổng là đã được đắm mình trong không gian yên bình, không âu lo, không đề phòng. Cái kiểu như ta ăn món rau càng cua trộn được hái từ chậu cây cảnh, không thuốc, không phân chỉ tưới nước sạch. Vào vườn, thấy cây là cây hiền, thấy người là người hiền – kiểu hiền thiệt thà của dân miệt vườn chứ không phải “mồm miệng” nói cho đẹp lòng khách. Bắt được cái cảm xúc ấy trong thời đại kim tiền này thiệt là khó. Nên phải chăng loại hình du lịch homestay, du lịch cộng đồng đang ăn nên làm ra khắp nơi.

2     – Ở Huế, ngoài nhà vườn thì cảnh đẹp vùng ngoại ô bạt ngàn. Giản dị như ở Rú Chá, nơi có túp nhà nhỏ của hai ôn mệ Nguyễn Ngọc Đáp. Ban đầu ôn, mệ đâu có làm du lịch, nhưng mà người ta thấy bình yên khi về chơi với ôn mệ, về chơi với Rú Chá nên nhiều người rủ nhau về, thế là ôn mệ trở thành người làm du lịch. Và cũng có người sau một lần đến chơi, “hợp ý” quá, bỏ ra 5 triệu đồng để ôn làm một cái chòi nhỏ sát mặt nước, thi thoảng khách về chơi như về thăm ba, thăm mạ, trải chiếu nằm chờ ôn mệ nấu cho nồi cháo gà ăn xong rồi “lên” Huế, cũng trả tiền như bao người. Mà giá cả thì khỏi lo, ôn mệ chỉ lấy tiền công nấu cháo, gà thì bán ở chợ sao thì bán cho khách vậy.

Ai cũng có một vùng ký ức tuổi thơ để hồi tưởng, hay chí ít cũng muốn có một chỗ thân quen, bình yên để tìm về. Điểm nhỏ ở Rú Chá, ngôi nhà ở Phú Mộng là một loại hình du lịch tình thân nên phát huy. Ấy là tôi nghĩ thế.

Xuân An
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose