Văn hóa Huế | Homepage

Ngày xưa, coi hát…

🕔13.Aug 2017

Bữa trước chạy trên đường từ quê vô Huế, thấy một gánh hát lô tô đang đóng bên đường. Nói thiệt là tôi chưa bao giờ coi mấy gánh hát lô tô bởi vì thấy nó nhếch nhác, luộm thuộm; không bài bản, hấp dẫn như những đoàn hát mà tôi đã từng được coi ở làng hồi thơ bé…

image[1]

Những đoàn cải lương, hát bội rồi cả hò Huế, nhạc trẻ hầu như năm mô cũng về làng tôi. Hồi tôi còn nhỏ lắm, đoàn Xung kích Huế về hát ở ngay sân đội 7 gần nhà. Tôi cũng có đi coi nhưng không nhớ chi cả; chỉ nhớ có chú cầm cây đàn xếp thấy hay hay. Mấy chú, mấy o ở lại ngay nhà hàng xóm của tôi và có một buổi trưa, chú đàn xếp đuổi đánh chú ca sĩ. Nghe ba tôi nói là hai người cùng ưa cô đẹp nhất đoàn nên ghen nhau… Rồi đoàn cải lương Sông Hương về hát ở sân xóm Đình, tôi cũng có đi coi nhưng không nhớ chi cả, chỉ nhớ là ở xóm Đình người ta rào ngay đầu lối vô xóm làm cổng. Tôi tới cổng nói là con của ba là mấy chú gác cổng cho vô, rứa thôi…

Phải đến khi đoàn hát bội Thanh Bình về hát ở sân đình làng thì tôi bắt đầu biết coi hát và chừ vẫn còn nhớ tên đào là Thu Sương, kép là Văn Chung. Mà để rước được đoàn hát bội về làng, mấy chú du kích phải làm sân khấu trước. Sân khấu to lắm, dựng bằng thùng phuy, tre, ván, rồi tựa vô mấy gốc mù u nơi sân đình. Dưới sân khấu đặt một cái trống chầu to để mời mấy ôn có vai vế với lại giàu có trong làng ngồi đánh trống chầu; đoạn mô hay xúc động là thúc trống liên hồi giục giã rồi ném tiền lên sân khấu.

Tôi còn nhớ đoàn hát mấy vở tuồng: Bạch Viên Tôn Cát, Lâm Sanh Xuân Nương, Phạm Công Cúc Hoa, Tiếng gọi non sông… Hấp dẫn nhất là đoạn cô đào Thu Sương đứng sau màn nhung giới thiệu bảng phân vai và khi mô cũng kết thúc bằng câu: “Và bây giờ chúng tôi lên màn biểu diễn”. Cái từ “biểu diễn” cô kéo dài ra, vút cao lên hấp dẫn vô cùng cũng lúc là cái màn nhung từ từ kéo ra…

Thực ra, lũ con nít như tôi đi coi hát bội thì thích nhất vẫn là những chú hề. Đào kép với mấy diễn viên phụ thì nói và hát giọng Nam, còn mấy chú hề thì nói giọng Huế để gây cười. Xóm tôi có dì Ngào, mê hát bội lắm, coi tuồng khóc cũng nhiều mà cười thì không ai bằng. Coi tuồng “Lâm Sanh Xuân Nương”, mấy đứa con nít xóm tôi ngồi cạnh dì, cứ đoạn anh hề nói giọng Huế ra sân khấu là dì cười, cười to cả sân bãi đều nghe, cười bò lăn bò lóc, nước mắt nước mũi chảy đầy cả mặt… Rứa là cả buổi tối đó, bọn tôi coi trên sân khấu thì ít mà coi dì Ngào cười thì nhiều.

Đoàn Thanh Bình về hát ở làng tôi. Một số người dựng bạt ở ngay dưới sân khấu. Một số khác thì ở nhà người dân. Kép Văn Chung tá túc ở nhà hàng xóm tôi. Ông lên sân khấu hóa trang thành thanh niên chứ ông đã ngoài 50. Gương mặt nhiều nếp nhăn, mắt thâm quầng. Ông Văn Chung uống rượu nhiều lắm. Cứ chiều chiều, ông nhờ mấy đứa con nít trong xóm đi mua 2 xị rượu, dư tiền lẻ ông cho luôn. Ông không ăn tối, mà uống rượu thay bữa. Ông ngồi túc tắc nhìn bóng chiều nhấp từ từ từng ly một, đến khi chập choạng mới sửa soạn trang phục chuẩn bị cho đêm diễn. Uống tàn canh kiểu nớ mà ông ca khi mô cũng hay cả, diễn thì rất có hồn… Ba tôi nói: “Ông Văn Chung là nghệ sĩ, không có ông thì đoàn hát không ai coi mô…!”.

Nhớ những năm tôi học cấp 3, đoàn cải lương Sông Hương đang nổi như cồn, nghe nói xã tôi đi rước đoàn mấy lần mà không được vì lịch hát kín hết rồi. Nghe đoàn hát ở Điền Hải, ba tôi cùng mấy bác, mấy chú nữa thuê một chiếc đò với giá là 4 thúng lúa đến mùa đong trả để đi coi cải lương. Đò chở khoảng 40 chục người già trẻ lớn bé. Chạy chừng nửa tiếng thì đến nơi, đi bộ từ bến đò chợ Mới vô sân bãi cũng mấy chục phút nữa. Đêm đó đoàn biểu diễn vở cải lương mà tôi quên mất tên nhưng vẫn nhớ là về đề tài Tây Nguyên, có vai  mấy người “fun rô” nữa. Tôi vẫn nhớ Tài Bửu Bửu đóng vai chính rồi Bo Bo Hoàng đóng vai bà mẹ giả điên đi tìm con nhập vai đến sợ và nhớ nhất là em bé hát bài: “Em sẽ là mùa xuân của mẹ –  Em sẽ là màu nắng của cha”. Coi xong cũng đã gần 12 giờ khuya, rồi đi ăn khuya ở chợ Mới lên đến nhà đã hơn 1 giờ sáng. Vui rứa nên mới nhỏ lóc chóc mà tôi không thấy buồn ngủ hay mệt mỏi chi cả.

… Một buổi trưa hè, thằng Thịnh chạy như bay từ dưới đường cái lên kêu to: “Đoàn cải lương về bây ơi, xuống coi đò vừa mới vô nơi bến Đình a tề!”. Rứa là cả bầy con nít xóm tôi bỏ chơi chạy xuống bến Đình coi đoàn cải lương vừa cập bến về làng. Đó là đoàn cải lương Phong Thu lần đầu tiên về hát ở làng tôi. Vừa xuống bến, thấy hai anh trong đoàn xông vô định tẩn nhau, may có mấy chú du kích xã can. Rứa mà buổi tối, thấy anh lớn là kép, anh nhỏ đóng vai đứa con trai ôm nhau ca mấy câu về tình cha con tình cảm lắm. Mà cái đoàn cải lương Phong Thu ni nghèo thiệt, lui tới cũng hai cái phông vẽ sông núi và vẽ nhà cửa phía sau. Được cái kép chính ca hay, câu mô câu nấy “mút mùa Lệ Thủy” làm khán giả nín thở rồi sau đó vỗ tay rần rần.

Buổi tối đi coi cải lương; buổi trưa mấy thằng con nít xuống ngã ba đầu xóm “trạo miệng”. Tôi nói: “Đoàn cải lương Phong Thu ni dở so với đoàn hát bội Thanh Bình năm ngoái!”. Thằng Thịnh to xác, to miệng phủ liền: “Mi biết cấy chi mà nói, đoàn ni tau thấy hay hơn!”. Mình đưa ra chuyện ông Văn Chung, chuyện mấy chú hề của đoàn Thanh Bình; thằng Thịnh cãi bừa: “Cải lương là phải hơn hát bội giống như xe Honda cộ (cũ) cũng hơn xe đạp mới rứa biết chưa!”. Nói xong hắn cười hà hà rồi nói tới nói lui câu: “Honda cộ cũng hơn xe đạp mới ha ha ha!!!”…

Phi Tân
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose