Văn hóa Huế | Homepage

Vất vả nghề xe đạp thồ

🕔22.Aug 2017
Nhắc đến chiếc xe đạp, ai trong mỗi chúng ta cũng từng có một thời sử dụng phương tiện này để đi lại. Dù cho xã hội phát triển, có nhiều phương tiện hiện đại để thay thế như xe máy hay ô tô, thì hình ảnh người đàn ông trên chiếc xe đạp, đạp từng vòng quay chậm rãi, nặng nề lăn bánh trên các con phố, tuyến đường để mưu sinh đã trở nên quen thuộc với mọi người.
Từ sáng sớm, những người đàn ông ngoài độ tuổi 50 cùng với chiếc xe đạp giàn cũ kỹ đã có mặt tại chợ An Cựu để hành nghề. Quan sát thấy, các chiếc xe đạp đều được chính bàn tay chủ nhân nối thêm tấm ván phía yên sau khoảng chừng gang tay và được bọc miếng đệm tự chế để khách được ngồi êm hơn. Những chiếc xe đạp thồ được trang bị vành khung khá chắc chắn để có thể vừa chở được người, vừa chở được hàng hóa với khối lượng lớn. Phía trước của xe, được trang bị thêm cái giỏ để bỏ vài thứ lặt vặt.

Trên khuôn mặt họ là đôi mắt ngó quanh để tìm những mối quen, hay chờ những đơn hàng của các tiểu thương. Ông Ngô Tá Viết, 70 tuổi, trú tại đường Lương Văn Can là người đạp xe thồ có thâm niên hơn 30 năm chia sẻ: “Hiện nay, xe đạp thồ ở chợ An Cựu còn được khoảng 10 người, trong số họ người có tuổi đời trẻ nhất cũng đã hơn 45 tuổi và người lớn nhất cũng đã bước qua tuổi 70. Xe đạp thồ giờ chỉ phục vụ cho các mệ, các o lớn tuổi nhà gần, hay chở những đơn hàng của các tiểu thương gửi đi nơi này nơi khác, hoặc những bì thức ăn đem về cho gia đình họ để lo cho bữa cơm trưa”.

Nghề xe đạp thồ có thu nhập thấp, cho nên bất cứ hàng hóa gì hay khách ở xa, gần họ cũng cố gắng chở để kiếm thêm ít đồng. Mỗi chuyến xe lăn bánh, họ kiếm số tiền không mấy, gần thì 5 ngàn tiền công, xa  hơn như chợ Đông Ba thì giá cũng được 10 ngàn. Vì thế, dù cả ngày làm lụng vất vả, ướt đẫm những giọt mồ hôi trên lưng áo thì cũng đem về vài chục ngàn, trúng mánh lắm thì được một trăm nghìn đồng, còn khi chợ ế ẩm thì chẳng có đồng nào.

Trong số họ, có ông Hoàng Minh, 68 tuổi, ở Thủy Châu – Hương Thủy, là nhà xa nhất. Cách chợ gần chục cây số, cứ 5 giờ  sáng mỗi ngày, ông đều kiểm tra lại chiếc xe như bơm lốp, chùi rửa, chêm ít dầu nhớt vào xích, rồi mới lọc cọc đạp xe lên chợ vừa ăn sáng vừa chờ khách, bởi theo ông: “Có những mối hàng chở đi rất sớm, họ ra mà không thấy mình thì mất mối như chơi”. Gia đình ông Minh có năm đứa con, vợ bán rau hành ở chợ, con cái của ông tuy đã lớn và lập gia đình nhưng ai cũng đều khó khăn, chưa có điều kiện để chu cấp cho cha mẹ, nên vợ chồng ông phải tự túc, mưu sinh bằng sức lao động mình.

Rồi có những ngày chợ vắng khách, họ ngồi chờ từ sáng sớm tới trưa mà không có mối nào cả. Sau bữa cơm trưa, họ lại tiếp tục chờ khách trong không gian chợ chiều khách ít ỏi, lác đác là những bạn sinh viên hay các chị làm công sở ghé ngang qua mua vài thứ để chuẩn bị cho buổi ăn tối. Với những người này, họ chẳng bao giờ đi xe đạp thồ, nếu may mắn thì đi được một chuyến hàng, số còn lại vẫn tiếp tục chờ cho đến trời tối rồi trở về nhà.

Tuổi đã lớn, nhà nghèo nên bám cái nghề này để mưu sinh, niềm vui với ông Viết, ông Minh là khi được chở những vị khách, ở đó khách và người phu xe cũng hiểu được được hoàn cảnh cho nhau, bởi những người đi xe đạp thồ cũng là những vị khách lớn tuổi, là những o, những mệ tiểu thương buôn bán lẹt xẹt chỉ đủ bỏ ra vài đồng tiền nhỏ để đi xe.

Hiện nay, trong thời buổi xe máy tràn lan, nhà nào cũng có nên nghề xe đạp thồ rất khó khăn trong việc tìm khách hàng, không thể cạnh tranh so với những phương tiện khác như xe ôm là điều dễ hiểu, và tiền công chở là rất thấp. Chính điều này, đã có nhiều người từ bỏ nghề nhưng với ông Minh thì vẫn bám lấy vòng tròn của bánh xe để kiếm vài đồng ít ỏi phụ gia đình.

Nhiều người hiểu rằng, cái nghề này muốn kiếm được đồng tiền thật không dễ chút nào, họ không chỉ chở mà kiêm luôn bốc hàng, trong khi những người làm nghề này toàn đã có tuổi nên sức khỏe đã giảm nhiều. Vất vả là thế, những lúc vắng khách, họ ngồi khoây khỏa trên chiếc xe đạp, trò chuyện với nhau những câu chuyện về cuộc sống gia đình đến chuyện buôn bán ở chợ hay vấn đề xã hội . Ông Viết băn khăn nói: “Bây giờ xe cộ nhà nào cũng có, những người làm nghề xe ôm cũng ế ẩm, huống chi anh em tụi tui”.

Với ông Viết, ông Minh gắn với nghề này lắm thăng trầm, nhưng ông vẫn không bỏ nghề, từng coi cái nghề xe đạp thồ gắn với cái nghiệp của cuộc đời mình, dẫu cho ngày nắng hay mưa, họ vẫn gồng lưng trên chiếc xe đạp cũ kỹ để mưu sinh. Những chuyến xe không chỉ là gánh nặng cơm áo, gạo tiền mà đằng sau đó là cả nụ cười hạnh phúc, của niềm vui tuổi già.

Hoàng Hạnh
(Theo TRT)

 

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose