Văn hóa Huế | Homepage

“Cho phép” hay “được phép”

🕔25.Oct 2017

Phố đi bộ mới của Huế vừa mở ra ở khu “phố Tây” được hơn nửa tháng đã thu hút không chỉ du khách mà còn rất đông người Huế.

Sau ba ngày khai trương, UBND TP. Huế đã có cuộc họp rút kinh nghiệm, và Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành có kết luận một số việc cần phải làm tiếp để phố đi bộ được hoàn thiện hơn.

Ngày 6/10, UBND TP. Huế ra thông báo về những kết luận của chủ tịch, trong đó có một nội dung khiến nhiều người quan tâm khi yêu cầu Phòng Đô thị bỏ ngay từ “Cấm”, thay bằng từ “Stop” và “không sử dụng xe đạp, xe máy, xe có động cơ, xe ô tô trong khu vực vào giờ đi bộ”.  Chữ “Cấm” này được ghi trên tấm biển đặt ở đầu các con đường dẫn vào phố đi bộ.

Một thông báo nhỏ lẩn khuất trong rất nhiều nội dung chỉ đạo của một văn bản hành chính dài gần ba trang giấy, nhưng lại gây sự chú ý, vì nó mang một thông điệp không nhỏ. Nó  khiến cho người ta cảm thấy thiện cảm.

Nhà giáo Đỗ Xuân Cẩm, một chuyên gia cây xanh nhưng rất rành rõi về phép tắc hành chính và chặt chẽ về chữ nghĩa, tỏ ra vui mừng cho rằng đó là cách hành xử thân thiện thay cho mệnh lệnh hành chính lạnh lùng mà lâu nay vẫn thường thấy ở các cơ quan công quyền. Chỉ một chữ “Cấm” thôi nhưng nó chứa đựng bao điều. Bỏ chữ “Cấm” ấy đi cũng không phải là chuyện nhỏ. Ông Cẩm là người đã nhiều lần đề nghị phải thay chữ  “Cho phép” trên biển hiệu “Đèn đỏ cho phép rẽ phải” bằng từ “Được phép”, “Đèn đỏ được phép rẽ phải”.

Thông tin của từ “Cấm” và cụm từ “Không được phép” về cơ bản không khác gì lắm, nhưng về sắc thái biểu cảm thì khác nhau hẳn. Hãy hình dung khi bạn hào hứng bước vào khu phố đi bộ mà bắt gặp tấm bảng án ngữ trước mặt với một chữ “Cấm” lạnh lùng, thì cảm giác của bạn sẽ ra sao? Nhưng nếu tấm bảng ấy thay bằng dòng chữ “Không sử dụng…” thì nội dung thông báo cũng chẳng sai gì, mà lại xóa đi cái cảm giác khó chịu của cả du khách lẫn người dân thành phố.

Bỏ đi chữ “Cấm”, một động tác nhỏ thôi, nhưng đó chính là biểu hiện cụ thể của việc chuyển đổi nền “hành chính cai trị” sang nền “hành chính phục vụ” mà nhà nước đã quyết liệt thực hiện trong hàng chục năm qua với những đề án cải cách hành chính từ trung ương đến địa phương. Ông Diệp Văn Sơn, chuyên gia về cải cách hành chính, nguyên Phó Vụ trưởng của Bộ Nội vụ cho rằng, chuyển từ nền hành chính cai trị sang nền hành chính kiến tạo và phục vụ, có nhiều việc phải làm, trong đó phải đơn giản hóa các quy định.

Bỏ đi chữ “Cấm”, đó chính là thực hành thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân”.

Trên Báo Thừa Thiên Huế ngày 21/12/2016, tác giả Trung Sơn góp ý: “Tại ngã tư hai đầu cầu Phú Xuân từ lâu nay vẫn tồn tại một tấm biển báo “Đèn đỏ cho phép rẽ phải”, cơ quan chức năng (Sở Giao thông vận tải) cần thay nội dung tấm biển trở thành“Đèn đỏ, được rẽ phải”. Như thế, nghe nhẹ hơn và rút ngắn được một từ. Nhà giáo Đỗ Xuân Cẩm thì cho rằng, khi luật pháp không cấm thì người dân “được phép” chứ không phải “cho phép”. “Cấm” là mệnh lệnh của nhà nước, còn “được phép” là quyền của người dân. Đó chính là tinh thần căn bản của nền hành chính phục vụ, của nhà nước pháp quyền “của dân, do dân, vì dân”.

Vậy thì, sau việc Chủ tịch UBND TP. Huế xóa bỏ chữ “Cấm” ở phố đi bộ, nên chăng xem xét tiếp những chữ “Cấm” và các tấm biển báo “Cho phép” vẫn đang tồn tại ở các không gian công cộng của thành phố như công viên, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa… Điều đó sẽ làm cho TP. Huế thật sự là một đô thị văn minh, hiện đại. Và, tin chắc, cử chỉ đẹp đó sẽ lan tỏa trong dư luận, tạo nên một sự thiện cảm và góp thêm phần thu hút du khách đến Huế.

Minh Tự
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose