Văn hóa Huế | Homepage

Đến Huế, ghé Chiều quán và nghe lòng dịu lại…

🕔04.Oct 2017

“Chiều” là góc nhỏ tâm tình sâu lắng của nhiều người: trẻ có, già có; nghệ sĩ có và người lao động bình dân cũng có. Khách đến với cà phê Chiều thường là khách quen và tất nhiên là những người yêu Trịnh, yêu nhạc xưa.

Lúc ấy là tầm giữa chiều và tôi tìm thấy quán Chiều. Một cách hết sức tình cờ. Quán nằm gọn ngay đoạn giao giữa hai con phố, dáng vẻ thâm thấp có phần lụp xụp mang một màu nâu và tối.

Ánh nắng chan hòa phủ trọn lấy căn nhà, xiên qua mái hiên, đổ bóng khung cửa sổ và len lỏi qua những kẽ hở. Đẹp và bất động như tranh vẽ. Tôi dừng xe không do dự. Khi ấy tôi còn chưa biết tên Chiều, bởi quán không hề treo bất cứ tên biển nào cả.


Chiều nằm khiêm nhường nép mình giữa hai con phố


Ngồi đây nhìn thấy lầu Tứ Phương Vô Sự ở phía đối diện

Rồi âm nhạc vang lên. Lời Trịnh chưa bao giờ tự nhiên quen thuộc thế. Tiếng hát hòa cùng nhịp điệu trong trẻo của nắng, cứ thế dìu dặt thiết tha, thỉnh thoảng rơi nhẹ tí tách trên ly cà phê đắng. Không gian lắng đọng, thời gian lơ lửng giữa lưng chừng chiều. Chìm đắm trong không gian này một lúc, chợt thấy như mình đã trôi vào một cõi xa xăm nào đó.

“Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô

Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa…”

Tiếp nối bản tình ca thời tiền chiến, tôi nhận ra vài bản nhạc Trịnh Công Sơn. Thật tuyệt! Tại nơi ấy, vào đúng thời điểm đó, mọi thứ cứ như được sắp đặt khéo léo, vừa duyên dành cho tôi vậy…

Cũng ở quán Chiều, tôi được nghe kể lại, thời bấy giờ, thanh niên Huế rất chuộng những nơi sang trọng, cũng là thời của nhạc Pop Việt. Trai gái hẹn nhau ở những quán cafe ghế salon, bật nhạc của Phương Thanh, Lam Trường, Đan Trường… Thế nên mới có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười thế này.

Một chàng trai tình cờ đến Chiều và tìm thấy cảm giác yêu mến với những bản nhạc sâu lắng và không gian tĩnh lặng ở Chiều, anh nảy sinh ước muốn chia sẻ. Khi chiếc xe chở cô gái mà anh chàng này đang theo đuổi dừng trước mái hiên của Chiều, cô gái nhất định không chịu bước xuống.

Thêm vào đó cô cảm thấy bị xúc phạm bởi dáng vẻ lụp xụp, tiều tụy của quán cafe mà anh chàng lãng mạn hồn nhiên kia dẫn cô đến. Chuyện tình sau đó không biết ra sao….


Vách ngăn chia không gian bên trong thành hai gian nhỏ đơn sơ

“Chiều” là góc nhỏ tâm tình sâu lắng của nhiều người: trẻ có, già có; nghệ sĩ có và người lao động bình dân cũng có. Khách đến với cà phê Chiều thường là khách quen và tất nhiên là những người yêu Trịnh, yêu nhạc xưa.

Đó là một nhà thơ tóc bạc trắng bềnh bồng nụ cười luôn rộng mở; là một thầy giáo về hưu có nhiệm vụ chở vợ đi chợ Bến Ngự buổi sáng và tranh thủ đến ngồi với bạn là nhà thơ tóc bạc để đàm đạo. Có khi là mấy cô cậu sinh viên của Nhạc viện Huế đến quán để thả hồn theo nhạc. Có khi là một bác xích lô già sau một cuốc xe chợ sớm ngang qua Chiều để nhấm nháp cái thư thả của một ngày…

Nghe anh chủ quán nói, những buổi chiều tà, có một phụ nữ thường đến quán một mình mà theo lời chị là để được tĩnh tâm cùng Trịnh sau những ồn ào, bon chen của cuộc sống thường ngày; để được “có bước chân nào hôm nay trùng bước chân người xưa…có nỗi lòng nào trùng với nỗi lòng người xưa…”

Mà họ đến đây không chỉ để tâm sự với nhau mà đôi khi chỉ một mình để tâm tình cùng không gian mặc tưởng của âm nhạc…


Tất cả đều nhuốm màu thời gian

Cũng như tôi, có những buổi hoàng hôn, tôi ghé Chiều để được nhìn nắng vàng như nhảy nhót ngoài song, sóng sánh  vàng xanh trên những tán lá cây long não hai bên đường. Cây đã bao mùa thay lá xuân, hạ, thu, đông. Những bước chân của người xưa không còn qua đây nữa; nhưng những “ lời ru” của Trịnh thì vẫn còn đó như vỗ về đôi lứa yêu nhau, vỗ về kiếp nhân sinh trần thế:

“Còn lời ru mãi
Vang vọng một trời
Mùa xanh lá vội
Ru em miệt mài
Còn lời ru mãi
Còn lời ru này
Ngàn năm ru hoài
Ngàn đời ru ai”.

Theo tintuc.vn

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose