Văn hóa Huế | Homepage

Giữ “mỏ neo” văn hóa làng xã

🕔04.Oct 2017

Sự lên tiếng kịp thời của báo giới đã giúp đình phường Phú Vĩnh, còn gọi là đình phường Đệ Cửu, ở phường Đúc (TP. Huế), được giữ lại để trùng tu, sau khi nằm trong “tầm ngắm” quy hoạch với dự án khu dân cư Bàu Vá 4.

Đình phường Phú Vĩnh hiện nay

1 – Tín hiệu vui này là điều cần phải có đối với giá trị một ngôi đình gắn với lịch sử phát triển và đô thị hóa của thành phố Huế. Bên cạnh đó, dù không có kiến trúc gỗ đồ sộ, tính mỹ thuật cao, ngôi đình này còn có những giá trị mà các ngôi đình khác của thành phố Huế không có được.

Nhiều lần đến ngôi đình này, ở những khoảng thời gian khác nhau của một ngày, của một năm, đứng trước đình nhìn về các hướng, mới thấy vẻ đẹp của từng khoảnh khắc, của từng không gian mở ra. Lúc sáng sớm, lúc gần trưa hay lúc chiều tà, mỏm đồi nơi đình phường Phú Vĩnh tọa lạc luôn chìm trong vẻ đẹp rất riêng. Mỏm đồi có đình phường này dường như được hình thành để mọi người ngắm nhìn cảnh quan xung quanh. Việc bảo vệ ngôi đình giống như việc bảo vệ không gian đô thị xen lẫn giữa cổ kính và hiện đại mà Huế may mắn có được một góc không gian để nhìn về phía nam và tây nam thành phố. Có lẽ, nếu đứng ở đình phường Phú Vĩnh để nhìn ra xung quanh, dường như đó là góc nhìn từ quá khứ đến hiện tại lẫn tương lai của thành phố.

Huế không chỉ có đình phường Phú Vĩnh nhưng nhiều đình trong số đó đã không chịu nổi trước sức ép đô thị hóa. 9 năm trước, chúng tôi từng may mắn ghi lại những đoạn phim về đình làng Dương Phẩm, ở đường Phan Đình Phùng, lúc đó ngôi đình này vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn cấu kiện gỗ, với những đường nét, hoa văn chạm trổ đẹp. Nhưng 9 năm sau, đình làng Dương Phẩm chỉ còn là đống đổ nát. Những ngôi nhà dân lấn chiếm, “nhảy dù” đã biến khuôn viên của đình trở thành một xóm nhỏ, đình được nhận diện chỉ bằng cái bình phong chưa kịp phá.

Một người dân sống cạnh khuôn viên đình làng Dương Phẩm cho biết: “Sau năm 1975, tôi mới đến, thấy đất quanh đình còn rộng thì che mà ở một góc. Rồi sau đó một vài người cũng đến ở theo. Chừ ra rứa”. Cách trở, điều kiện khó khăn của những năm sau chiến tranh, đô thị hóa, những người xa lạ lấn chiếm… đã đẩy đình làng Dương Phẩm vào kết cục buồn.

Bình phong còn sót lại của đình làng Dương Phẩm

Đình làng Dương Phẩm cả là một câu chuyện dài của sự tồn tại. Đầu thế kỷ 20, người làng Dương Phẩm đa phần rời khỏi làng để nhường đất cho Nam triều xây dựng các công trình, phần thì về khu vực gần cầu vượt Thủy Dương hiện nay, phần thì tứ tán. Suốt quãng thời gian dài như thế, duy trì được ngôi đình đối với người làng Dương Phẩm đã là một sự nỗ lực khá kiên trì. Nhưng đó là khoảng thời gian mà quá trình đô thị hóa chưa ồ ạt như những năm trở lại đây. Ly hương và ly luôn tổ, người làng Dương Phẩm không còn nơi để lui tới.

2 – Đình phường Phú Vĩnh và đình làng Dương Phẩm tưởng cùng chung số phận nhưng một may mắn đã cứu được đình Phú Vĩnh còn đình Dương Phẩm thì không. Điều này cho thấy sự khốc liệt của quá trình đô thị hóa, một quá trình mà sự bao dung với giá trị cổ truyền là điều khá xa xỉ.

Từ làng Phú Xuân đầu thế kỷ 19 đến phường Phú Vĩnh đầu thế kỷ 21, đánh dấu một quãng thời gian mà người dân các làng, phường (một đơn vị hành chính giống như làng hoặc trực thuộc làng) ở vùng đất ngày nay là thành phố Huế gìn giữ từng viên ngói trên mái đình của mình. May mắn thì giữ được, không may mắn thì đành chịu. Nhưng dù thế nào, những giá trị từ các ngôi đình đó không thể để quá trình đô thị hóa đè bẹp.

Vừa rồi, chúng tôi được dự lễ thu tế làng An Cựu. Hiện trạng của đình làng An Cựu thì nhiều người quá rõ. Những vật liệu, vật dụng dùng để chống đỡ cho ngôi đình hiện nay chỉ có ý nghĩa kéo dài thêm chút thời gian, trước khi đã quá muộn. Ông Lê Văn Ngộ, thành viên hội đồng tộc trưởng của làng An Cựu, tâm sự: “Chúng tôi rất lo lắng cho đình làng, cho nên, thời gian qua cũng cố gắng vận động bà con, họ tộc trong làng gìn giữ các hoạt động văn hóa, bảo vệ đình làng. Đình làng vốn là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nên chúng tôi cũng kiến nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng hỗ trợ các thủ tục lẫn tài chính để có thể trùng tu sớm. Mong rằng sẽ được quan tâm hơn nữa”.

Nhiều đình làng ở thành phố Huế vốn là di tích cấp tỉnh, thậm chí cấp quốc gia, giá trị của những thiết chế văn hóa này không đo đếm được bằng những con số mà bằng tinh thần của người dân các làng đó. Huế không chỉ có những cung điện đền đài mà Huế còn có những ngôi đình là chứng nhân của một quá trình tụ cư, phát triển của vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế. Vì thế, bảo vệ những ngôi đình còn lại của thành phố Huế cũng là bảo vệ một giá trị đã lưu truyền trên 700 năm kể từ khi vùng đất này thuộc về Đại Việt.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng: “Bảo tồn những đình làng ở trong lòng thành phố Huế hiện nay là giữ cái neo cuối cùng cho người dân đô thị không mất đi bản sắc thuộc về gia đình, dòng họ và quê hương chính mình. Bởi lẽ, đình làng đã từng là nơi nuôi dưỡng một phần quan trọng của giá trị văn hóa Huế”.

Nhiều người cho rằng, sự sụp đổ, xuống cấp và biến mất các ngôi đình làng ở trong lòng đô thị là tất yếu. Bởi lẽ, quá trình đô thị hóa được xem là quá trình đối lập với sự tồn tại thiết chế làng xã mà những ngôi đình đại diện. Tuy nhiên, tồn tại thiết chế đó hay không vẫn là con người với ý thức của chính mình. Nếu người làng vẫn mong muốn, các cơ quan quản lý vẫn có cơ chế phù hợp thì chẳng phải vấn đề quá lớn. Đình làng An Cựu đang được chính người dân vận động trùng tu. Hay gần đây, đình làng Kim Long được giải phóng khỏi các công trình vốn không thuộc đình làng. UBND tỉnh, thành phố Huế tích cực với việc bảo vệ đình phường Phú Vĩnh là những tín hiệu khá tích cực đối với nỗ lực này. Những điểm sáng sẽ kết nối để thành một mảng sáng cho bức tranh bảo tồn văn hóa làng xã giữa lòng thành phố Huế.

Đình Đính
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Kim Long có gái mỹ miều

Kim Long có gái mỹ miều

Đất Huế một thời đế đô, giai nhân dập dìu tụ hội đã đành. Mãi

Những khoảng Huế xanh

Những khoảng Huế xanh

Rong ruổi trên những con đường xứ Huế thật chậm mới nhận ra màu xanh

Phước Tích – Những vết dấu thời gian

Phước Tích – Những vết dấu thời gian

Thiên nhiên ưu đãi cho xứ Huế nhiều thắng cảnh nên thơ và những con

Xin đi từ thơ ấu

Xin đi từ thơ ấu

Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi thời thơ ấu đọng lại bây giờ là

Ngao bung – “bung là ăn”

Ngao bung – “bung là ăn”

Lâu lắm mới gặp bạn ở quê lên thành phố chơi. Bạn nằng nặc đòi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose