Văn hóa Huế | Homepage

Chợ sau lũ

🕔12.Nov 2017

Huế lụt, nhà cửa không trôi nhưng cá tôm trôi hết. Mà thiếu đồ ăn, nên thành ra vẫn phải đi chợ. Chợ sau lụt thật khổ, người “lượm lụt” cũng khổ.

Dăm mớ cá ngày lũ. Ảnh: Bảo Minh

Như thường lệ sau mỗi bữa ăn với cả nhà, con gái lớn vừa hơi oải vì dọn mâm cơm đầy ú, nhưng vẫn nhanh nhảu chêm vào vài câu “mẹ nhớ để tiền cho con đi chợ, nhắc mua gì luôn cho tiện nhé, con đi hoài không biết ăn chi nữa” mà quên mất ngoài trời gió quật quá chừng. Nước bắt đầu lên cao theo từng đợt cây đập vào cửa kính, và nhà cửa dưới kia cũng bắt đầu nếm bùn non.

Hôm nay, tôi “lại” đi chợ. Nhưng chợ trước mắt có điều thay đổi lớn. Sau lớp bạt nhăn nheo oặt èo nằm chỏng chơ bên vệ đường là một gian chợ trống hoác. Không khí nôn nao, ồn ào ngày trước vơi hẳn. Mấy cô bán cá hôm rồi còn gom mình trong một góc giờ được lên hẳn trung tâm, vì dù gì cũng chỉ có vài ba người lèo tèo đứng bán. Cái giọng đon đả chào mời giờ cũng hơi lo nhưng thêm phần hơi… chảnh, rằng vừa mới đó còn bảo “chị đến em bớt cho vài đồng để em còn về”, giờ quay ngoắt lại đã trở thành “chị không mua thì cách chi chị cũng đói, nhìn rứa chơ cá rẻ hơn rau nhiều”. Mấy cô, mấy dì đi chợ như mình hôm bữa đang là thượng đế, giờ sợ chết khiếp nên ai cũng ào ào vào mua. Mà kể là vậy, chứ cũng đâu có nhiều mấy mà tốn thời gian lựa. Cá tôm vắng bóng, mấy rổ hàng còn lèo tèo vài con cá nục, cá ngừ, cá mú chắc lạnh teo, nên co rúm lại. Mà chắc “mấy mợ” cũng nằm trong tủ đông lâu ngày rồi, không phải hàng mới tươi ngon. Nhưng chí ít là chúng vẫn còn ở đây để lên thớt, lên mâm được, chứ “mấy đứa” ngoài kia chắc trôi sông lạc chợ hết cả.

Vì là chợ lụt ở vùng hơi cao, nên cuộc hội thoại chẳng dễ mà nghe bàn luận về màu nước hay cái nặng của bộ bàn ghế phải kê lên cao nên mệt nhiều, mệt ít chi cả. Mấy bà, mấy mẹ ở Huế ngó rứa mà thương nhau, nên chẳng thèm trả giá mà cũng nán lại hỏi nhà bà chủ miền dưới có trôi cái gì không, rồi dọn có mệt không đủ kiểu. Nhiều gian vắng khách, tôi còn nghe mấy chị kháo nhau về luống hành, luống rau mới trồng nhưng đều trôi hay hư sạch. Họ bảo hôm nay tính không bán, nhưng cứ ở nhà lại nghĩ đến đám hành mới trôi, thế là đi, để trông vào vài đồng vốn mà vun lại luống khác.

Các cuộc hội thoại cứ thế mà nửa ngắn, nửa dài. Ngắn là bởi hôm nay bí tăng thêm 2 nghìn/ lạng, nên chị bé muốn mua 3 nghìn về nấu cho con phải quay đầu đi mất. Nhưng dài hơn, chắc là tại mấy dì dụ kiểu “chị cố mà tìm cho được cân tôm nghe chị”. Tôi còn trẻ, thâm niên đi chợ là con số ít ỏi, nên khó mà bắt vào bởi mấy thông tin sâu kiểu “thằng X không ở nhà dọn lụt chung à” như vài cô được nên đành ghé tai nghe lỏm. Cô bán cá hồi sáng, mặt có hơi buồn vì hỏng mất cái chuồng gà, nhưng cũng hào hứng ghê lắm khi che che tay nói nhỏ về ngày giờ mua tôm, cách làm tôm chua cho dì bé mua hàng đứng cạnh. Tôi không thèm chua, nhưng vẫn cần chút tôm về nấu nồi canh rau lang nên cũng bày đặt gói tiền chậm chậm mà nán lại. Nghe đâu bảo, mai có tôm gân là rẻ, chị về chị rửa sạch, trộn muối rồi ướp đá liền, rứa là một nửa đem làm tôm chua, nửa còn lại gói kỹ mà cất trong tủ lạnh, đến 1 tháng nữa vẫn tươi roi rói như ngày đầu. Bả nói đến là nhỏ, nhưng tôi vẫn nghe được trơn tru, phần vì thèm tôm, phần vì bản năng nghe bạn đọc bài thời đi học vẫn còn nguyên nên không tài gì mà sót được. Thế là khỏe, vừa biết ngày mai có thể có tôm ngon, vừa biết thêm cách bảo quản tôm hay làm tôm chua nếu cần. Thành ra, chợ lụt, ngó rứa mà cũng thú vị ghê.

Bởi vì mưa lâu, nên rau củ vẫn nhiều nhưng đều tăng giá cả. Ảnh: Hani 

Nhưng đó là chợ trong, chứ chợ ngoài vẫn có mấy bà ngồi co ro với mớ vả chập nát vì rụng do gió mạnh. Cái chỗ hay ngồi, chắc mấy bà không muốn rời đi đâu do sợ nếu người khác tìm đến không thấy nên lại đành ướt át ở góc hiên bé tẹo. Có bó rau với màu xanh bầm dập trên mẹt đang ngóng khách, hay vài trái ớt xanh lẻo thẻo đến nao lòng dưới mưa…

Chợ sau lụt thấy ai cũng khổ. Người khổ vì gian gánh ít hàng, người buồn vì không có mớ rau, cọng hành; người co ro vì mái hiên lỗ chỗ nước nhưng không rời đi được. Nhưng chợ sau lụt, ít đồ đạc nhưng lại nhiều tình thương.

Hani
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

 

 

Similar Articles

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Trả lời cho câu hỏi này của tôi, nhiều chủ vườn có nhãn ở Kim

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose