Văn hóa Huế | Homepage

Phù sa mùa lụt

🕔10.Nov 2017

Mùi ruốc kho sả thơm lừng bay trong xóm nhỏ rồi tiếng bác Vui ở cuối xóm: “Nước rút thêm chút nữa bà con phụ nhau ra dọn bùn nghe, còn nước quét mới dễ”…

Xóm tôi ở thiệt dễ thương. Chiều chủ nhật khi nước tràn ngoài đường lớn, bác Vui và anh Hùng đã ghé dặn mấy nhà trong xóm “Nhà có cần kê dọn chi kêu anh em giúp một tay, đừng ngại!”. Nghe mà ấm áp trong lòng. Nếu có lụt lớn thì có bà con chòm xóm, không ai cô đơn trong bão lũ. Đó là điều mà tôi rút ra trong rất nhiều trận lụt ở Huế quê mình.

“Nhịp” lũ. Ảnh: Sơn – Tuyên – Hải

Thức đêm canh lụt 

Bây giờ Huế có 3 hồ thủy điện-thủy lợi nên ít lụt. Trước đây, năm nào Huế cũng có ít nhất vài trận, không lụt to thì lụt nhỏ. Từ ngữ chỉ lụt của người Huế cũng thật phong phú: lụt mẹ, lụt con, lụt bòn, lụt xép, thậm chí có cả bài hát dành cho trẻ con “Lụt to lút ngõ, lụt nhỏ lút đồng, lụt xép ướt lông, lụt ông ướt nhà, lụt bà ướt bếp”. Ba tháng hay xảy ra lụt là 8, 9, 10 âm lịch nên sau vụ gặt hè thu, khi “lúa lên tra, rơm lên đụn” xong là bà con sẵn sàng… chờ lụt.

“Nhịp” lũ. Ảnh: Sơn – Tuyên – Hải

Vì vậy, với người Huế, chuyện mưa lụt, chuyện “sống chung với lũ” đã được rèn từ nhỏ. Có vùng thấp, trận lụt đầu nước rút chưa hết đã đến trận lụt sau, nước ngâm có khi nửa tháng. Bác Vui nói chắc nịch: “Tui lớn lên trải qua nhiều trận lụt trong đời, thấy trận lụt nào nước cũng lên vào buổi chiều tối, nước rút vào lúc trời gần sáng nên lụt tới là phải thức mà canh. Canh nước lên kê đồ và canh nước xuống để dọn bùn”. Kinh nghiệm quý là dọn bùn theo con nước. Nước rút đến đâu dọn đến đó, vừa quét vừa đẩy bùn. Nếu để nước rút hết còn lớp bùn đóng cứng trên nền nhà thì khi dọn cực ơi là cực. Vì thế vào ngày lụt, nhà nào cũng có người thức canh chừng. Năm lũ lịch sử 1999, nhờ thức canh lụt mà anh VĐĐ ở đường Nguyễn Công Trứ đã phát hiện tình hình khẩn cấp, băng vườn trong đêm cõng bà cụ hàng xóm sống một mình về nhà mình an toàn.

Câu chuyện lụt Huế với mạ tôi, năm ni đã bước sang tuổi 88, luôn bắt đầu với những ký ức không thể nào quên về cơn lụt năm 1953, người dân Huế thường gọi lụt 53 hay lụt năm Thìn. “Lúc ấy mạ mới về làm dâu. Lụt to lắm, trôi nguyên cả làng Bãng Lãng, người chết vắt trên ngọn tre”. Ký ức lụt 53 hằn sâu đến nỗi mỗi khi mưa lũ về là mạ tôi không ngủ, bà thức đêm đi tới đi lui nghe mưa, canh chừng lụt. Vì thói quen thức canh lụt nên người Huế cũng thường hay chuẩn bị đồ ăn “nghênh lụt” như bắp rang, đậu phụng rang, khoai khô ngào đường. Nhà tôi rộng nên thường là địa điểm tập trung. Bên ánh đèn, bà con hàng xóm tụm nhau vừa ăn, vừa trò chuyện, tình làng nghĩa xóm, chuyện kể mùa lụt vì thế không bao giờ hết.

“Nhịp” lũ. Ảnh: Sơn – Tuyên – Hải

Thức đêm canh lụt nên nhà nào cũng để đèn. Trong màn đêm tối đen, nước chảy bao quanh, nhà nọ nhìn nhà kia thấy có ánh đèn cũng yên lòng. Đó là những ánh đèn báo hiệu bình an, “có tôi còn thức nì, đừng sợ!”. Cho nên, người Huế đi xa, ký ức mùa lụt dù cực khổ nhưng có sức nặng của lớp phù sa đọng lại thành niềm thương, nỗi nhớ.

“Điểm hẹn” Đập Đá

Thiệt lạ là sau mưa gió tơi bời, nước dâng ngập bờ thì trời thường tạnh. Vì thế Đập Đá trở thành “điểm hẹn” ngắm lụt của những người dân ở “miệt” dưới Đập Đá và khu vực gần đó. Nhiều người bạn tôi ở miền Nam từng ái ngại “xứ Huế của bạn sao mà khổ quá, mưa lụt triền miên thế này làm sao mà sống nổi!”. Bạn tôi không hiểu, với người Huế, lụt là chuyện bình thường, quen rồi, nên người Huế còn biết tìm niềm vui trong những ngày lụt, chẳng hạn như tìm đến Đập Đá để xem nước chảy. Đứng bên này Vỹ Dạ nhìn sang cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, sông Hương như rộng ra gấp đôi ngày thường. Ngoài kia củi rều trùng điệp trôi về không dứt, thỉnh thoảng có súc gỗ lớn hay cây lớn còn nguyên bộ rễ xoáy trong dòng nước, đứng trên bờ an toàn mà tự nhiên ai cũng thấy sợ trước sức mạnh của thiên nhiên. Nhìn những mảng củi rều lớn vướng vào Đập Đá, người dân ở đây còn dự đoán được tình hình mưa lũ, sạt lở ở thượng nguồn.

“Nhịp” lũ. Ảnh: Sơn – Tuyên – Hải

Đập Đá còn là cột mốc báo lũ của người dân Huế. Lâu nay, người Huế cứ thấy nước tràn Đập Đá là tính một trận lụt. Kể từ trận lụt năm 1999, ở đây có thêm một cột đo mực nước nên bây giờ bà con có thể nhìn cột và biết mức nước cao bao nhiêu. Từ ngày xây xong cầu Vỹ Dạ, mười mấy năm nay, Đập Đá hoàn toàn bình yên, không còn những chuyến đò ngày lụt vô cùng nguy hiểm mà ai đã qua bây giờ nhớ lại vẫn còn thấy sợ.

Đập Đá – mốc báo lụt của người Huế. Ảnh: Bảo Minh

Đi qua mùa lụt

Ông Đỗ Vi – một nông dân giỏi của làng Dương Nổ (Phú Dương- Phú Vang) thủng thẳng: “Lúa má thì kê cao, khô khén hết, không thiệt hại chi, nhưng một sào bông Tết không cứu được nữa, thiệt hại cũng vài chục triệu đồng. Những gia đình trồng bông Tết ở Dương Nổ cũng trong tình hình tương tự”.

Ông Vi cũng cho biết nước rút là ông sẽ trồng lại lứa bông khác, cũng còn kịp cho Tết. Thiệt lạ, trong giọng nói của ông, tôi không nghe thấy nỗi buồn, mà là một sự bình tĩnh và hy vọng: “Lớp phù sa ni quý giá lắm. Bảy, tám năm ni Huế không có lụt lớn, trận lụt ni thau rửa đồng ruộng, bồi bổ đất đai. Hư hại thì làm lại từ đầu thôi”. Nghe chuyện của lão nông Đỗ Vi tự nhiên nhớ đến câu câu ca dao “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, nói về sức sống bền bỉ của người dân Việt trước khó khăn.

Niềm vui ngày lụt. Ảnh: Bảo Minh

Chợ là nơi thể hiện rõ nhất về đời sống của người dân sau lũ. Chị Huyền- bán hàng mắm ở chợ Vỹ Dạ – cho biết: “Bây chừ lụt chợ vẫn có người bán hàng nhưng người mua không nhiều, họ chỉ đi mua thêm vài món lặt vặt thôi chứ nghe dự báo thời tiết ai cũng có dự trữ sẵn đồ ăn trong nhà rồi”. Đi chợ lụt để mua cá lụt và cũng là để thăm hỏi nhau, bởi tôi không nghe tiếng trả giá nhiều mà vang lên đây đó là những lời thăm hỏi về tình hình con nước ở nhà, rồi ai cũng mua mau bán mau để về nhà dọn lụt. Tiếng một người phụ nữ đứng tuổi nói với người bạn “Mình mua hết mớ cá ni để mệ Cồn về nghỉ sớm. Hai ôn mệ 65 tuổi, mưa gió ri mà cũng đi làm nghề”. Câu nói vang lên mang giai điệu của yêu thương và sẻ chia làm tan đi mưa gió.

Kinh nghiệm quý là dọn bùn theo con nước. Nước rút đến đâu dọn đến đó, vừa quét vừa đẩy bùn. Ảnh: Ngô Thanh Minh

“Trời hành cơn lụt mỗi năm”, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã gói hết nỗi vất vả, mất mát khi lũ về của dân Huế, không chỉ tài sản mà đôi khi cả tính mạng. “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”- những câu chuyện đẹp về tình người trong lũ lụt năm nào cũng có, từ người dân đến bộ đội, công an, thầy cô giáo, thợ sửa xe…, lĩnh vực nào cũng có những tấm gương thầm lặng. Một người bán hàng tạp hóa bình thường cũng cưu mang hơn 70 người ở trong nhà mình, một bác nông dân ở Hương Hồ liều mình cứu người trong lũ dữ với một triết lý sống đơn giản “Có người mới có mình. Bà con chết hết thì tui ở với ai!”. Đó chính là những lớp phù sa nhân ái, lớp phù sa tình người lắng đọng sau mỗi đợt thiên tai mà người Huế ghi vào cột mốc nước lụt của quê nhà.

Diệu Hà
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose