Văn hóa Huế | Homepage

Tiếng kẻng

🕔23.Nov 2017
Đã lâu lắm rồi tôi không còn nghe tiếng kẻng nữa. Đó là âm thanh quen thuộc của một thời của tôi và thế hệ những người sống và lớn lên trong những năm đầu hòa bình…
Làng tôi mỗi đội sản xuất nông nghiệp có một cái kẻng treo ở một vị trí thuận lợi nào đó trong đội để khi đánh lên thì tất cả các nhà trong đội đều nghe được; rồi có cái kẻng dài treo ở sân kho hợp tác xã  nông nghiệp, cái kẻng treo ở cửa hàng mua bán và kẻng cũng là âm thanh báo hiệu ở trường học…

Những chiếc kẻng làm bằng vỏ bom hoặc mảnh bom sót lại sau chiến tranh, có khi kẻng là một cái bánh máy cày sắt. Kẻng thường được treo trên cái sào tre nối hai cây và “dây” treo kẻng có khi là sợi xích sắt to, có khi là những chiếc lốp xe đạp đã hỏng đan lại với nhau…

Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu kể: “ Nhiều nơi dùng mảnh bom, larang ô tô, bình cứu hỏa hết giá trị, có nơi là một thanh tà vẹt…làm kẻng. Tất cả các Hợp tác xã, đội sản xuất, đội cứu đê, cứu hỏa, đơn vị quân đội (cấp đại đội trở xuống) và một số trường phổ thông thường dùng kẻng làm hiệu lệnh. Một vài nơi dùng tù và…Tóm lại kẻng mới có và phổ biến khoảng sau 1954 trở lại. Kẻng và tiếng kẻng đã gắn bó với nhiều thế hệ người Việt Nam…”

Hồi đó mỗi lần đội sản xuất ở quê tôi họp, cứ  trời chập choạng chú liên lạc đội đi dọc hai xóm rao thiệt to và dài: ” loa loa loa…tối ni đội họp để tính công điểm tại sân kho của đội, mời bà con đi họp đông đủ…Ai không đi thì mất quyền lợi; loa loa loa…”. Cơm nước xong, chừng 7 giờ tối là tiếng kẻng đội vang lên một hồi dài báo hiệu cho mọi người đã đến giờ họp…

Rồi những buổi làm thuỷ lợi, nhập kho hay cân heo cho hợp tác xã đều phải nhờ vào tiếng kẻng để báo hiệu cho mọi người cùng biết. Những tiếng kẻng mà người làng tôi mong nhất hồi đó là tiếng kẻng báo hiệu hợp tác xã bán mua bán phân phối dầu hỏa, bột ngọt hay có khi cân đường, mấy gói thuốc lá. Người dân nghe tiếng kẻng từ phía cửa hàng là kéo nhau đến chen chúc nhau để được mua hàng…

Tuổi thơ của tôi tiếng kẻng thay tiếng trống ở sân trường. Kẻng đánh báo hiệu giờ đi học một hồi dài, kẻng vô học ba tiếng, kẻng báo hiệu ra về cũng một hồi dài…Phải đến năm tôi lên lớp 5, trường làng mới có một chiếc trống to thay cho chiếc kẻng…

Nhưng tiếng kẻng làm tôi nhớ nhất là những lúc trong làng xảy ra cháy nhà hay trong những trận mưa lớn báo hiệu nước đang uy hiếp đập Khe Làng có thể bị nứt đập. Tiếng kẻng nổi lên từ làng trên xóm dưới thôi thúc, dồn dập. Lúc đánh kẻng báo động, người đánh phải vừa đánh vừa la:Lửa lửa lửa lửa… lửa lửa lửa lửa… (lúc hỏa hoạn). Lõa lõa lõa lõa… lõa lõa lõa lõa (lúc bị vỡ đê)…

Nghe tiếng kẻng, những người đàn ông của làng nhanh tay nhanh chân cầm thùng khi cứu hoả và vác cuốc khi cứu thuỷ lao ra khỏi nhà bất kể mưa gió; hay cả những khi trời khuya khoắt…

 Phi Tân
(Theo TRT)

 

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose