Văn hóa Huế | Homepage

Dấu sông Bạch Yến

🕔22.Dec 2017

Bạch Yến, con sông nằm khuất bóng ở phía tây nam Kinh thành, dòng nước bình lặng với những bờ bãi đang chuyển mùa rau củ cuối năm. Men theo rìa sông là những ngôi làng có bề dày hàng trăm năm tuổi. Bao đời nay, chuyện làng không thể tách rời chuyện sông.

Dòng sông Bạch Yến. Ảnh: Internet

Dấu sông

Năm 1558, chúa Nguyễn Hoàng vượt núi Hoành Sơn vào đất Thuận Hóa tìm nơi đóng đô lâu dài. Sau hai lần dời đô từ Ái Tử đến Kim Long, cuối cùng nhà Nguyễn đã chọn vùng đất Phú Xuân làm thế “rồng cuộn, hổ ngồi”. Ở vị trí này, ngoài mặt tiền là con sông Hương làm yếu tố minh đường thì còn có các con sông nhánh như Bạch Yến, Gia Hội, Kim Long… bao bọc Kinh thành. Bạch Yến vốn là một dòng nhánh chẻ ra từ sông Hương ở vị trí làng Xước Dũ, xã Long Hồ (nay là phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà). Sách Địa danh thành phố Huế của Trần Thanh Tâm và Huỳnh Đình Kết chỉ dẫn: “Sông Bạch Yến nằm ở phía tây nam huyện Hương Trà, tây bắc Kinh thành Phú Xuân gồm các nhánh Khe Nhự, Khuê Chữ, Bồn Phổ (Bàu Dài), nhánh sông Hương ở địa phận làng Long Hồ Hạ xã Xước Dũ, nhánh An Vân tục gọi là sông Cùng”.

Năm 1805, khi đào Hộ Thành hà, người ta đào thông sông Bạch Yến với một nhánh trên thượng lưu nên lúc đó, Bạch Yến còn có tên gọi là sông Thông hay sông Chợ Thông. Ngày nay, cây cầu Chợ Thông bắc qua sông Bạch Yến nối hai làng An Ninh Thượng và An Ninh Hạ như một dấu tích còn lại về thời điểm này.

Ngoài cầu Chợ Thông còn lại đến ngày nay, phải kể đến cầu Bạch Yến bắc qua Hữu thành hà (sông Kẻ Vạn). Cũng theo sách Địa danh thành phố Huế thì “năm Minh Mạng thứ 2 (1821), cầu này đổi tên thành Kim Long, đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839) đổi tên là cầu Cửu Lợi. Đến nay, cây cầu này đã không còn nữa”.

Một trong những vai trò lịch sử quan trọng của sông Bạch Yến là việc nó trở thành một phần nguồn gốc của Hộ Thành Hà. Léopold Michel Cadière (1869 – 1955), nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông người Pháp, từng có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Huế (khoảng đầu thế kỷ 20), trong một tập san nghiên cứu về địa danh học đã kết luận nhiều hồ quanh Kinh thành có nguồn gốc từ sông Bạch Yến. Đó là một số các hồ nối tiếp nhau vòng quanh thành như hồ Tiền Bảo, hồ Học Hải, hồ Tự, hồ Hữu Bảo… Các hồ này nằm trong hệ thống thủy đạo của Kinh thành Huế, có nhiệm vụ tôn tạo cảnh quan, phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của triều đình và quân đội thời bấy giờ.

Hồn làng

Bạch Yến là con sông quan trọng góp phần cung ứng nước tưới vào mùa khô, tiêu úng nước vào mùa mưa trong toàn bộ địa vực Kinh thành. Sau nhiều chuyển đổi và đứt đoạn, con sông này đã trở thành một trong những địa vực lưu trữ sinh thái và văn hóa còn nhiều nét xưa của Huế. Theo đó, văn hóa làng xã ở hai khía cạnh chính là sinh hoạt tinh thần và đời sống vật chất của cư dân quanh lưu vực con sông cũng được khởi tạo, phát triển đến ngày nay.

Dọc con sông là các ngôi làng, như Lựu Bảo, Xước Dũ, Giáp Hạ, Long Hồ, An Ninh Thượng, An Ninh Hạ… phong thái thôn quê bình yên, tĩnh lặng. Đời sống mưu sinh chủ yếu là cấy lúa, trồng hoa, đánh bắt chài lưới. Trong đó phải kể đến hai ngôi làng có nghề thủ công truyền thống nổi tiếng là Lựu Bảo với nghề làm bánh tráng, bánh ướt và Xước Dũ với nghề mộc.

Bánh tráng, bánh ướt Lựu Bảo ra đời vào cuối thế kỷ 15 nhưng đạt đến tinh hoa khắp Đàng Trong phải từ đầu thế kỷ 16 trở đi. Theo số liệu thống kê năm 2014, cả làng nghề có 174 hộ tham gia sản xuất. Bánh tráng, bánh ướt làng Lựu Bảo nổi tiếng gần xa về độ sạch sẽ, thơm dai, không chỉ mang giá trị về ẩm thực mà còn là niềm tự hào của người làm nghề lâu năm. Để ghi nhận những đóng góp của người dân trong việc bảo tồn phát huy tinh hoa văn hóa ẩm thực, ngày 9/9/2014, UBND thị xã Hương Trà đã tổ chức Lễ công bố quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc công nhận bánh tráng, bánh ướt Lựu Bảo là làng nghề thủ công truyền thống.

Trong khi đó, làng nghề Xước Dũ trải qua nhiều biến cố hơn, đã từng bị mai một rồi được khôi phục và phát triển trở lại. Xước Dũ chuyên dụng các mặt hàng về gỗ, mây, tre… cung ứng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho địa phương và các tỉnh lân cận. Vài năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế đã xem xét quy hoạch làng nghề Xước Dũ nằm trong nhóm các làng nghề gắn liền với hoạt động tham quan, du lịch.

Nhìn vào đời sống văn hóa – tâm linh của cư dân làng xã quanh lưu vực Bạch Yến, không thể không nhắc đến sự hiện diện của các ngôi chùa soi mặt bên sông. Với diện tích khoảng 4.000m2 thuộc thôn An Ninh Thượng, chùa Phước Duyên thực sự là địa chỉ sinh hoạt tôn giáo lý tưởng của Phật tử trong vùng. Phước Duyên tự nằm dưới chân núi Rú Vi, bảo bọc xung quanh ngôi chùa là lăng tẩm đồng áng cây cối sông nước hữu tình. Chiều đến, tiếng tụng kinh gõ mõ từ Thiền đường Tịnh Nhơn âm ỉ vọng lên, trong hương hoa mộc thoảng đưa khiến lòng người muốn phát tâm tôn thờ Tam Bảo.

Ngoài chùa Phước Duyên, phải kể đến chùa Kim Sơn được xây dựng từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần thuộc làng Lựu Bảo. Ngôi cổ tự này vốn là trung tâm của Đại Tòng Lâm (chuyên đào tạo nhiều vị cao tăng nổi tiếng), nằm trên ngọn đồi cao, bốn bề gió cuốn mây che, khói sương bảng lảng mơ hồ. Nghe dân làng kể lại, ngày xưa cụ Đặng Huy Trứ có ghé thăm chùa rồi từ đó bước bộ đến một bến đò cách đó không xa và có mối nhân duyên với một người gái đẹp.

Dòng sông, bến cũ, ngôi làng, lũy tre, góc chợ… giống như thân phận những giá trị được khởi tạo từ thiên nhiên, bất tận, tưởng mất mà lại không mất. Tất cả, giúp chúng ta kiểm chứng một luận điểm, điều gì được khai phóng từ tự nhiên sẽ ở lại cùng tự nhiên. Trong đó, làng và sông là một cặp biểu tượng vĩnh hằng trong cấu trúc làng xã, mà ví dụ điển hình là những ngôi làng vẫn soi mặt bên dòng Bạch Yến từ hàng trăm năm nay.

Nguyên Hương
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Theo ghi chép cửa Leopold Cadiere, đường đến lăng mộ Gia Long buộc phải đi

Ngôi chùa thanh tịnh rộng 10.000m2 ‘hướng sông Hương, tựa núi Ngự’, được khách du lịch ví như ‘bồng lai tiên cảnh nơi trần thế’

Ngôi chùa thanh tịnh rộng 10.000m2 ‘hướng sông Hương, tựa núi Ngự’, được khách du lịch ví như ‘bồng lai tiên cảnh nơi trần thế’

Huế được xem là vùng đất của những ngôi chùa cổ kính vừa linh thiêng

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose