Văn hóa Huế | Homepage

Có nghe… văng vẳng tiếng mình

🕔23.Jan 2018

Có một lần tôi đứng tại biệt thự Bảo Đại (Bạch Mã), phóng tầm mắt nhìn về Lăng Cô. Hôm ấy trời trong. Đầm Lập An trải rộng,“Làng Cò” chảy một vệt xanh dài, bên kia là vịnh Lăng Cô, có cảm giác như người đi rừng, nếu khum hai bàn tay lại, gọi một tiếng thôi, Lăng Cô sẽ nghe văng vẳng tiếng mình…

Lăng Cô – Bạch Mã – Cảnh Dương đang ngày càng “xích lại gần nhau”. Ảnh: Sơn – Nhân

Nếu có thể ví như, chúng ta đang ngồi xem một họa sĩ vẽ tranh, thì bức tranh ở Tam giác du lịch: Lăng Cô – Bạch Mã – Cảnh Dương đang ngày càng rõ nét. Đẹp hay xấu là tùy cách nhìn của mỗi người. Nhưng xét về góc độ đầu tư, có thể nói đây là một bức tranh đẹp. Không có nhà đầu tư nào lại chọn một bức tranh xấu để “trút vốn” cả, hoặc nếu có cũng là hy hữu.

Cũng cần nói ngay, cái gọi là Tam giác du lịch Lăng Cô – Bạch Mã – Cảnh Dương không phải người viết tự nghĩ ra mà nó đã từng được nhắc đến, bàn đến trên nhiều diễn đàn cả chính thức và không chính thức, cả những nhà lãnh đạo của tỉnh trước đây và những nhà chuyên môn về phát triển du lịch vùng này. Thời ấy, cách đây cỡ chừng 20 năm chứ chẳng ít.

Nghe Tam giác du lịch đã thấy mang tính hình tượng và sang trọng. Mà đúng thế, về mặt hình khối, Lăng Cô – Bạch Mã – Cảnh Dương đứng ở ba góc của một hình tam giác. Về tính chất nó lại khác nhau một trời một vực nhưng lại bổ sung sự khác biệt của nhau một cách tuyệt vời. Nơi có núi có rừng, có đèo có dốc; nơi có đồng bằng, có đồi; nơi có biển, có đầm phá. Chúng cách nhau chỉ một “tầm với” nhưng mấy chục năm rồi có vẻ như là “người dưng nước lã”. Hờ hững đến cách xa.

Giờ đây, đã có những chỉ dấu chúng “xích lại gần nhau”. Hay nói cách khác, chúng đã tìm cách kết nối với nhau, bổ sung cho nhau để làm cho mỗi nơi trở nên hoàn thiện.

Tam giác du lịch – những điểm đến khó có thể bỏ qua

Với tôi, tôi hình dung Tam giác du lịch Lăng Cô – Bạch Mã – Cảnh Dương đã trải qua ba thời kỳ. Thời kỳ đầu im lìm ngái ngủ; tiếp đến là được chú ý, đánh thức nhưng cũng chứa đựng những bất trắc; và có thể nói hiện nay đó là định hình phát triển.

Thời kỳ đầu của nơi đây thì cũng dễ hiểu rồi, nó mang nét đẹp hoang dã và thuần khiết. Khi cái ăn chưa no, cái mặc chưa ấm, chưa giao lưu rộng rãi thì làm gì ai biết đến mình. Tiếp đó là đến thời kỳ, cùng với sự phát triển kinh tế, mở rộng hội nhập, du lịch bắt đầu phát triển thì nơi đây cũng được chú ý, nhưng do nguồn lực hạn hẹp nên sự phát triển xem ra cũng hết sức chậm chạm. Gọi là du lịch nhưng chỉ có vài khu nghỉ dưỡng, nhà hàng với chất lượng thấp. Sản phẩm du lịch chẳng có gì đáng kể. Đó là chưa kể đến cái cách làm dự án du lịch theo kiểu “xí phần” nhưng không có nguồn lực đầu tư thực chất, đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch nơi đây.

Tam giác du lịch – những điểm đến khó có thể bỏ qua

Và rồi, cái gì đến cũng phải đến. Lăng Cô – Bạch Mã – Cảnh Dương đã định hình phát triển một cách rõ ràng. Cái đẹp của Tam giác du lịch này, cùng với những điều kiện thuận lợi về phát triển kinh tế, sự bùng nổ về du lịch, sự mở rộng hội nhập, Lăng Cô, Cảnh Dương đã đón nhiều nhà đầu tư tầm cỡ. Đó là các tập đoàn Byantree với khu resort Laguna mang tầm quốc tế; là khu Huyền thoại Địa Trung Hải của tập đoàn Vincoland. Và một số nhà đầu tư nhỏ hơn ở trong nước, trong tỉnh đã biến nơi đây thành một vùng đất khá sôi động. Nhưng chừng ấy dự án vẫn chưa “thấm thía” gì so với một Tam giác du lịch trải rộng và nhiều tiềm năng.

Nói hiện nay đang là thời kỳ định hình phát triển của Tam giác du lịch Lăng Cô – Bạch Mã – Cảnh Dương là ngoài những nền tảng như vừa nêu, mới đầu năm nay, trong buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất với nhiều đề nghị của tỉnh, trong đó có những đề xuất liên quan đến phát triển du lịch của Huế nói chung và phát triển du lịch của vùng này nói riêng. Đó là đồng ý ủng hộ chủ trương điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án Laguna (lên 2 tỷ USD); trong đó có đồng ý chủ trương cho xây dựng Casino; đồng ý tỉnh nghiên cứu trình phương án quy hoạch Bạch Mã; và đồng ý chủ trương mở rộng sân bay Phú Bài; cho bổ sung sân golf Vinh Thanh – Vinh Xuân và Lộc Bình vào quy hoạch… cũng có sức ảnh hưởng đến vùng phát triển du lịch này.

Tam giác du lịch – những điểm đến khó có thể bỏ qua

Bức tranh du lịch ở vùng Lăng Cô – Cảnh Dương đã trở nên hết sức rõ ràng. Nhanh hay chậm còn phù thuộc nhiều yếu tố nhưng những gì có được, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng đây sẽ là một vùng du lịch phát triển tập trung trong tương lai.

Nhân đây, xin được nói đôi điều về Bạch Mã. Bạch Mã đã từng là một “thị trấn” nghỉ dưỡng dưới thời Pháp thuộc với cả trăm khu biệt thự có kiến trúc hết sức độc đáo – lối kiến trúc thuộc địa của châu Âu, nó được ví là Đà Lạt ở Huế. Những nhà quản lý, những nhà đầu tư du lịch rất quan tâm đến Bạch Mã nhưng có lẽ vì vướng nhiều thứ, trong đó có yếu tố là một vườn Quốc gia với nhiều giá trị sinh vật học; làm thế nào để phát triển du lịch mà vẫn bảo tồn được cảnh quan thiên nhiên hoang sơ của Bạch Mã vẫn là những tranh cãi; phát triển Bạch Mã như thế nào trong thế – vừa phát triển, vừa bảo tồn vẫn là những điều trăn trở…

Chủ trương cho nghiên cứu trình phương án quy hoạch Bạch Mã sẽ là một cơ hội tập hợp được nhiều chuyên gia để tìm ra phương án tốt nhất nhằm khai thác thế mạnh du lịch của Bạch Mã một cách tối ưu nhất. Bạch Mã, với núi, với rừng, với cây cỏ chim muông, với khí hậu ôn đới ở miền nhiệt đới… sẽ là một bổ sung tuyệt với cho du lịch biển, hình thành Tam giác du lịch Lăng Cô – Bạch Mã – Cảnh Dương.

Có một lần tôi đứng tại biệt thự Bảo Đại, phóng tầm mắt nhìn về Lăng Cô. Hôm ấy trời trong, đầm Lập An trải rộng, “Làng Cò” chảy một vệt xanh dài, bên kia là vịnh Lăng Cô, có cảm giác như người đi rừng, nếu khum hai bàn tay lại, gọi một tiếng thôi, Lăng Cô sẽ nghe văng vẳng tiếng mình.

Bài: Nguyên Lê – Ảnh: Sơn & Nhân
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose