Văn hóa Huế | Homepage

Người “giữ lửa” nghề làm bài tới

🕔10.Jan 2018
Chúng tôi đang muốn nói đến bà Ngô Thị Tuyết, người làng Địa Linh (Hương Vinh, Hương Trà, TT Huế). Đã hàng chục năm qua bà Tuyết vẫn miệt mài sản xuất những bộ bài tới mỗi dịp tết đến xuân về.
Gặp chúng tôi, người phụ nữ 65 tuổi này vẫn thoăn thoắt tay làm những quân bài tới. Với bà đây không chỉ là việc làm mưu sinh mà còn góp phần gìn giữ cái nghề đang dần mai một này.
“Cái nghề này từ đời ông nội dì truyền lại. Dì vui với cái nghề này nên mới làm cho tới bây giờ. Nếu tính thu nhập thì không mấy lắm đâu, hơn nữa tuổi già rồi nên làm nghề này cũng được”, bà Tuyết bày tỏ.

Ngày ngày bà Tuyết vẫn miệt mài gắn bó với việc làm ra những bộ bài tới
Theo tìm hiểu, bà Tuyết gắn bó với nghề từ khi mới 14 tuổi, đến nay cũng đã ngót nửa thế kỷ bà theo nghề. Gia đình bà 3 đời nay đều gắn với nghề làm bài tới, các con của bà cũng được truyền lại nghề nhưng do bận công việc khác nên chỉ phụ bà vào buổi tối.
Cũng cần biết thêm, bộ bài tới ở Huế có 30 cặp quân bài và chia làm 3 pho gồm Văn, Vạn, Sách và 3 cặp Yêu. Pho Văn gồm các quân bài: Gối, Trường hai, Trường ba, Voi, Rún, Sáu tiền, Liễu, Tám tiền, Xe. Pho Vạn có các quân bài: Học trò, Tám cẳng, Ba đấu, Xơ, Quăn, Nhọn, Bông, Thầy. Pho Sách thì có các quân bài: Nọc đượng, Nghèo, Gà, Gióng, Dày, Sáu hột, Sưa, Tám giây, Đỏ mỏ. Ba cặp Yêu gồm: Ông ầm, Thái tử, Bạch tuyết. Mỗi quân là một họa tiết in khác nhau tuy đơn giản nhưng rất bắt mắt.

Bài tới luôn là thứ không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về
Quan sát bà Tuyết làm bộ bài tới mới thấy được sự tỉ mẩn trong từng công đoạn. Quân bài được in trên 2 khuôn được khắc đẽo trên gỗ. Mực in thì được làm ra từ muội than. In xong, một số quân được đóng thêm dấu đỏ như Đỏ mỏ, Ông ầm. Lúc trước, do in từ giấy dó nên phải dán nhiều lớp để quân bài cứng, tiếp đó dán thêm một lớp giấy ở phía sau quân bài để đảm bảo tính thẩm mỹ. Hiện nay bà Tuyết dùng giấy roky vì tiện lợi và đẩy nhanh được tiến độ.
Công đoạn cuối cùng là đem hong cho khô rồi cắt xén ra thành một bộ hoàn chỉnh. “Khó nhất là công đoạn cắt vì phải đảm bảo các quân bài đều nhau, cân đối,… nhiều người thử làm nhưng đều bị lệch, xấu”, bà Tuyết nói thêm.
Trong những tháng cuối năm như thế này, mỗi ngày bà Tuyết làm được tầm 100 bộ bài tới để bỏ sỉ cho các chợ và ai có nhu cầu tìm đến mua. Được biết, mỗi bộ bài tới có giá từ 3.000 đồng đến 10.000 đồng tùy theo độ dày của giấy.
Dù công việc này mất nhiều công sức, ngày càng ít người theo nghề nhưng không vì vậy mà bà Tuyết có ý định từ bỏ. Bà Tuyết tự hào nói: “Giờ con cái còn trẻ thì để theo công việc nó thích, sau này nó có tuổi như dì thì cũng gắn bó với nghề làm bài tới. Vậy thôi cũng vui lắm rồi.”
Cái nghề này dù không giúp bà Tuyết giàu có, dư dả nhưng với bà đây là công việc được ông cha để lại nên càng phải trân trọng, gìn giữ. Tuy đã có tuổi nhưng nhìn bà mân mê từng quân bài, chúng tôi hiểu đó là niềm vui, niềm hạnh phúc với người phụ nữ “giữ lửa” thú vui chơi bài tới này.

Xuân Đạt
(Theo TRT)

 

Similar Articles

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Trả lời cho câu hỏi này của tôi, nhiều chủ vườn có nhãn ở Kim

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose