Văn hóa Huế | Homepage

Quà của đất quê

🕔20.Feb 2018

Làng Vĩnh An, xã Phong Bình, huyện Phong Điền bên dòng sông Ô Lâu là một làng thuần nông. Cây lúa không chỉ mang lại cho người dân làng quê Vĩnh An cái ăn, của để mà mỗi khi tết đến xuân về còn mang lại hương vị thơm tho của sản phẩm đất quê với một loại bánh truyền thống với cái tên vô cùng dân dã: bánh khô.

Thực ra bánh khô không chỉ có ở làng Vĩnh An, mà nhiều làng lân cận từ Ưu Điềm, Phò Trạch, Vân Trình hay một số làng quê bên kia phá Tam Giang như Kế Môn, Đại Lược hay Thế Chí cứ tết đến là người dân quê lại làm bánh khô để thờ cúng ông bà và thưởng thức trong những ngày xuân.

Bánh khô có thể bảo quản vài ba tháng

Tương truyền, cứ đến những ngày cuối năm, cũng là thời điểm xuống đồng , những phụ nữ đã rang gạo nếp để sưởi ấm và cũng là một món nước lỡ khi ra đồng. Món nếp rang phát triển dần theo năm tháng để từ đó loại bánh khô ra đời cho tết.

Vì sao gọi là bánh khô? Chỉ đơn giản là nếu như tất cả các loại bánh tết khác từ bánh in, bánh thuẫn, bánh lăn…khi chế biến đều phải dùng nước thì bánh khô hoàn toàn không dùng đến nước.

Bây giờ thì cả vùng nông thôn của Phong Điền chỉ còn duy nhất làng Vĩnh An còn duy trì được nghề làm bánh khô ngày tết. Mà cả làng cũng chỉ còn vài ba hộ gia đình làm loại bánh truyền thống này.

Những hột nếp được rang cho chín nổ bung ra rồi trộn với đường, đậu phụng, gừng và một số thứ gia vị đồng quê khác rồi đưa vào cái hộc hình trụ được đóng ghép bằng gỗ tốt và bắt đầu dùng cái chày để đóng bánh. Nếu như các thứ nguyên liệu đều được người phụ nữ trong nhà chuẩn bị thì người đóng bánh phải là cánh đàn ông với đôi tay khỏe bánh mới chắc, mới ngon…

Trong tiết trời giá lạnh cuối năm, mùi hương của gạo nếp đã được rang chín quyện cùng hương của gừng tươi được giã nhuyễn hòa cùng âm thanh của tiếng đóng bánh của những người dân quê làm không gian của làng quê như ấm lên báo hiệu mùa tết đang về…

Gia đình bà Trần Thị Hồng là một trong ba hộ sản xuất bánh khô ngày tết còn lại ở làng Vĩnh An. Theo lời bà Hồng thì mỗi tết như vậy gia đình bà làm hết khoảng 4 đến 5 tạ gạo nếp và bao giờ sản phẩm làm ra cũng không đủ để bán. Người dân trong làng và các vùng lân cận mua bánh để thờ cúng ông bà, đãi khách trong ba ngày tết. Có người còn mua bánh khô đã đóng gói để làm quà cho những người bà con đang ở xa quê hương; những người luôn nhớ đến vị bánh khô của làng quê mình mỗi khi tết đến.

Bà Hồng sắp bánh chuẩn bị sấy khô

Ưu điểm của bánh khô là có thể bảo quản được lâu đến vài ba tháng. Nhưng có lẽ bánh khô được nhiều người yêu thích chính là hương vị của nếp, của gừng đã thấm tháp nơi đầu lưỡi và ăn sâu trong ký ức mỗi người dân quê lúa Phong Điền…

Theo những người dân làm bánh khô của làng Vĩnh An thì nghề này chỉ là nghề phụ, lấy công làm lãi nhưng họ không nỡ bỏ nghề vì đến tết thì lại nhớ âm thanh đóng bánh, nhớ mùi lửa than sấy bánh và hơn nữa là còn rất nhiều người dân quê vẫn còn mê lắm cái vị bánh quê nhà gây thương nhớ này.

Từ nhu cầu tiêu thụ khá hiệu quả của bánh khô Vĩnh An trong những năm gần đây, chính quyền xã Phong Bình cũng đã có kế hoạch khuyến khích người dân làng Vĩnh An cũng như các làng thuần nông như Phò Trạch, Vân Trình… mở rộng sản xuất bánh khô để bán trong dịp tết cũng như quanh năm, đưa hương vị của bánh khô quê lúa Phong Bình đến nhiều vùng miền trong cả nước

Ngày cuối năm, gia đình bà Trần Thị Hồng đang làm mẻ bánh khô cuối cùng để bán tết. Chúng tôi được gia đình mời thưởng thức những chiếc bánh vừa mới sấy xong còn ấm hơi lửa than. Vị ngọt thanh, giòn tan và hương thơm của nếp, của gừng từ món quà của đất quê cũng như báo hiệu mùa tết đang về…

Phi Tân
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose