Văn hóa Huế | Homepage

Cửa Eo, ngày hội đến gần

🕔29.Apr 2018

Cửa Eo, tên gọi khác của Thuận An hải khẩu, là cửa biển được vua Minh Mạng chọn khắc vào Nghị Đỉnh năm 1837 và cũng là một trong 20 cảnh đẹp của đất Thần kinh. 19 năm sau trận “đại hồng thủy” (1999), Cửa Eo hôm nay đã thực sự đổi thay và một lần nữa, chuẩn bị đón “Thuận An biển gọi”.

Thuận An, điểm đến lý tưởng vào mùa hè. Ảnh: TL

“Đại hồng thủy”

Bà Nguyễn Thị Luốc (76 tuổi) nhìn xa xăm về con đường nhựa mang tên Trấn Hải Thành, thị trấn Thuận An, bảo: “Trước năm 1999, con đường ni đất đỏ với hàng phi lao thẳng tắp. Dân cư tuy thưa thớt nhưng cơn lũ cũng cuốn trôi mười mấy mạng người. Hai vợ chồng tui với mấy đứa con bám vô cây, trốn trên lăng và ăn mì tôm được máy bay thả mới sống sót”.

Năm 1999, khi trận “đại hồng thủy” làm mở cửa Eo, trên đường về nhà, chúng tôi (ở xã Phú Hải) may mắn gặp được chiếc ghe của ông Nguyễn Văn Sự (52 tuổi, xã Phú Thuận) tại chân cầu Diên Trường lúc ông đi tìm con học ở Trường THPT Phan Đăng Lưu (xã Phú Dương, huyện Phú Vang). Ngồi trên ghe, nhìn về phía cửa biển mới mở chỉ thấy một màu trắng xóa. Cảm giác hoang mang chợt hiện trong đầu tôi, dân biển giờ muốn học cao hơn lại phải làm quen với đò ngang như ông cha ngày trước, khi cầu Thuận An (cũ) chưa được xây dựng.

Khi cơn “đại hồng thủy” đi qua, con số thống kê thiệt hại chỉ riêng Huế gánh chịu làm nhiều người giật mình. Ngoài hàng trăm người chết, hàng vạn ngôi nhà chìm trong nước lũ, Thừa Thiên Huế thiệt hại ước tính khoảng 1.800 tỷ đồng, bằng tổng thu nhập của toàn tỉnh 7 năm trước đó. Riêng cửa Eo được mở lại một đoạn dài 700 mét, có 14 người đã bị dòng lũ cuốn trôi tại đây; trong đó, gia đình ông Trần Văn Cử 59 tuổi có 12 người vĩnh viễn theo dòng nước ra biển khơi!

Cuộc sống mới

19 năm sau trận đại hồng thủy, dấu tích “gợi nhớ” cửa Eo là hàng cọc cao cả chục mét được cắm sâu xuống lòng đất. Trên cửa biển bị mở ngày nào nhiều hàng quán mọc lên phục vụ người dân và du khách gần xa về tắm biển mùa hè. Nhà hàng tiệc cưới An An được xây dựng. Từ nhà hàng An An phóng tầm mắt ra phía biển là một màu xanh của rừng phi lao trên 15 năm tuổi chắn gió và cát bay, bảo vệ chiếc eo bầu đã bao lần bồi, lở.

Bãi tắm Thuận An những ngày này bắt đầu nhộn nhịp, khoác cho mình chiếc áo mới chào đón du khách gần xa về dự lễ hội. “Thuận An biển gọi” và “Giải bóng đá bãi biển mở rộng” sẽ được tổ chức tại đây nhân dịp Festival Huế 2018. Các hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực miền biển sẽ lại diễn ra, bắt đầu cho một mùa du lịch biển hứa hẹn nhiều niềm vui. Ký ức buồn đã lùi vào quá khứ. “Hy vọng, năm nay sẽ là một mùa tắm biển nhộn nhịp để bà con buôn bán được nhờ”, ông Đoàn Trọng Cò (75 tuổi, thôn Hải Thành) vừa nói, vừa dẫn chúng tôi đi dọc hàng cọc nhồi “hàn khẩu” chỉ còn nhô lên trên mặt đất vài chục centimet.

Nhìn khung cảnh yên bình ở cửa Eo, tôi nghĩ, giá như nơi đây có thêm một tấm biển nhỏ ghi lại (dù chỉ một vài dòng) về những gì đã diễn ra trong quá khứ. Và xa hơn, sắp xếp lại hoạt động kinh doanh của hàng quán, tổ chức thêm các dịch vụ du lịch biển, kết nối giới thiệu di tích Trấn Hải Thành, các di tích lịch sử ở Thuận An… có lẽ cuộc sống của người dân sẽ thêm phần sung túc.

“Thuận An biển gọi” và “Giải bóng đá bãi biển Thuận An mở rộng” là hai hoạt động văn hóa thể thao diễn ra tại bãi tắm Thuận An. Các hình thức sinh hoạt cộng đồng, tắm biển, thả diều… kết hợp với ẩm thực biển trong chương trình “Thuận An biển gọi” diễn ra từ ngày 29/4 đến 03/5 hứa hẹn sẽ đem lại cho du khách những cảm nhận thú vị. Riêng giải Bóng đá bãi biển với sự tham gia của 4 đội bóng: Đà Nẵng, Khánh Hòa và huyện Phú Vang, Công ty TNHH Trường Sơn (đều thuộc Thừa Thiên Huế) diễn ra từ ngày 27/4 đến ngày 01/5/2018.

Vinh Dự
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose