Văn hóa Huế | Homepage

Đi đâu cũng nhớ vị cay xứ Huế

🕔15.Apr 2018

Về làng, thấy vườn nhà đã vào mùa ớt. Mấy vồng ớt ra trái xanh, đỏ nhìn thật thích mắt. Với người miền Trung, bữa ăn hằng ngày mà không có vị cay của ớt cứ thấy thiếu thiếu thế nào…

Đi đâu cũng nhớ vị cay xứ Huế

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có viết một tạp bút về chuyện ăn ớt của người Huế và ông gọi là “nghệ thuật ẩm thực chơi cay”. Lại nhớ tản văn của nhà thơ Đỗ Trung Quân có tựa Gởi hạt. Chuyện là nhà thơ có một chị bạn ở bên Mỹ vô cùng thích cái vị cay của ớt, nhưng phải là ớt Huế. Biết nhà thơ hay ra Huế nên chị đã nhắn khi có dịp ra Huế thì nhớ lấy cho chị mấy hạt ớt cay xứ Huế gửi qua Mỹ cho chị gieo trồng. Ra Huế, nhà thơ tìm tới quán bánh bèo, bánh bột lọc mụ Đỏ ở phố Gia Hội, cẩn thận nếm cái vị ớt cay và sau đó lấy ra mấy hột gói cẩn thận cho vào túi.

Những hạt ớt từ xứ Huế đã được nhà thơ gửi bằng đường hàng không qua Mỹ và ít lâu sau, nhà thơ nhận được giọng reo vui của chị bạn bên kia bờ đại dương khi ớt đã có trái và cay đúng chất ớt Huế. Hương vị cay chảy nước mắt của trái ớt quê nhà cũng làm ấm lại cái lạnh giá nơi xứ người…

Lại nhớ thầy Phan Đăng – Chủ nhiệm Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Huế mà tôi từng theo học đã kể một câu chuyện thú vị khi có mấy cậu sinh viên nói với thầy là họ nghiện thuốc lá rồi, không thể bỏ được. “Khi dẫn sinh viên đi thực tập, tôi ở trong nhà một lão nông đã trên 70 tuổi ở Điện Bàn – Quảng Nam và tôi chứng kiến chuyện nghiện rất lạ mà độc đáo của ông như ri: buổi sáng thức dậy, vệ sinh cá nhân và tập thể dục xong, ông rót một ly nước chè xanh đậm quẹo, sau đó lấy ra cái hũ sành cũ đựng ớt bột và làm mấy muỗng ngon lành. Ăn ớt xong, ông uống thêm mấy bát nước chè xanh mới nấu rồi thong thả vác cuốc ra đồng bắt đầu một ngày lao động nặng nhọc. Đó là bữa điểm tâm của ông. Nghiện như rứa mới gọi là nghiện!”.

Có nhiều loại ớt, từ ớt hiểm, ớt chỉ thiên, ớt cao sản rồi ớt cảnh…, nhưng loại ớt quen thuộc nhất với bữa ăn của người Huế là ớt sừng trâu mà dân gian vẫn thường hay gọi là ớt tẻ. Đây là loại ớt trái dài, khi chín trái ớt cong lại như hình cái sừng trâu… Khoảng những năm thập niên 1980, làng quê của tôi trồng ớt, trái chín đỏ đồng, nghe đâu để xuất khẩu sang Đông Âu. Đến mùa hè hầu như cả làng sân nhà ai cũng đỏ một màu ớt phơi. Nhưng để có được một vài tạ ớt cân cho hợp tác xã là cả một quá trình một nắng, hai sương, ba trưa, bốn tối, từ hái ớt, bẻ cọng, phơi khô… mà cũng chẳng thu được bao nhiêu tiền.

Tôi nhớ cảnh ba mạ giã ớt vào những buổi trưa hè. Ớt tươi được cho vào cối giã dập ra, sau đó đem phơi khoảng một, hai nắng rồi lại giã lần nữa và lại đem phơi khô để giã lấy bột ớt. Màu đỏ hoa mắt của sân ớt phơi cùng với tiếng chày nặng nhọc giữa trưa hè, những giọt mồ hôi rơi hòa cùng nước mắt và những cái hắt hơi vì hơi cay của ớt để có được mấy lon ớt bột…

Bây giờ về quê, mấy người bà con thỉnh thoảng lại cho mấy lon ớt của làng đem lên thành phố ăn. Cầm trên tay bọc ớt lại nhớ cái cảnh trưa hè năm nào ba mạ giã ớt, lưng áo ướt đẫm mồ hôi…

Phi Tân
(Theo Doanh nhân Sài Gòn)

Similar Articles

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc

Từ bé, tôi đã ngưỡng mộ kỹ thuật xắt bột điêu nghệ của các o,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose